Nuôi trồng thuỷ sản là thế mạnh của huyện Phú Vang. Những năm qua, địa phương đầu tư cơ sở hạ tầng, quy hoạch vùng nuôi, đa dạng đối tượng nuôi… hướng đến phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững.
Đa dạng đối tượng nuôi
Năm 2012, huyện Phú Vang xác định giảm diện tích nuôi chuyên tôm, tăng diện tích nuôi xen ghép; theo đó, nuôi chuyên tôm 317 ha, nuôi xen ghép 1.657 ha; tăng hơn 500 ha so với năm 2011. Hình thức nuôi xen ghép, các đối tượng phát triển tốt, ít xảy ra dịch bệnh, thị trường tiêu thụ ổn định. Chi phí chăm sóc, kỹ thuật, giống thấp hơn so với nuôi chuyên tôm. Sau 4-6 tháng thả nuôi, tôm, cá phát triển tốt cho tổng sản lượng 1.750 tấn cua, cá và tôm. Tổng giá trị sản phẩm nuôi trồng thủy sản đạt hơn 160 tỷ đồng. Năm 2012, toàn huyện Phú Vang có 2.530 hộ nuôi trồng thủy sản thì có đến 80% hộ nuôi xen ghép có lãi, còn lại 10% hộ hòa vốn và 10% hộ nuôi lỗ.
Mô hình nuôi xen ghép tôm, cá mang lại hiệu quả cao
Ông Võ Quý, nuôi trồng thuỷ sản ở thị trấn Thuận An cho biết: “Trước đây, tui nuôi chuyên tôm nên năm nào cũng xảy ra dịch bệnh. Trước khó khăn đó, gia đình tui tìm hướng để chuyển đổi hình thức nuôi. Qua tìm hiểu, bà con trong vùng chuyển sang nuôi xen ghép tôm, cua và cá, thế là gia đình tui chuyển 2 ha nuôi chuyên tôm sang nuôi xen ghép các đối tượng. Quá trình nuôi, các đối tượng phát triển tốt, không có dịch bệnh xảy ra; sau 5 tháng thả nuôi cho lãi 60 triệu đồng”. Anh Nguyễn Văn Khuyến, cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Vang cho biết: “Để nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững, vụ nuôi năm 2013, huyện Phú Vang tiếp tục vận động bà con chuyển thêm diện tích nuôi chuyên tôm xảy ra dịch bệnh, thua lỗ sang nuôi xen ghép nhiều đối tượng như cá kình, dìa, nâu, rô phi… Ngoài ra, chỉ đạo người dân cuối tháng 8 đầu tháng 9 phải thu hoạch hết để tránh thất thoát cá, tôm do lũ lụt”.
Quy hoạch nuôi trồng thuỷ sản theo hướng bền vững
Xác định nuôi trồng thuỷ sản là ngành kinh tế trọng điểm ở địa phương, thời gian qua, huyện Phú Vang chú trọng việc quy hoạch vùng nuôi, chuyển diện tích nuôi tôm kém hiệu quả và ô nhiễm môi trường sang nuôi theo hình thức kết hợp, gối vụ nhiều đối tượng cá rô phi đơn tính, cá dìa, cá kình, chẽm, nâu… Vào vụ nuôi, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Trung tâm Khuyến Nông lâm ngư, Chi cục Thú y, Chi cục Nuôi trồng thuỷ sản bố trí cán bộ kỹ thuật thường xuyên theo dõi, kiểm tra môi trường, hướng dẫn cho bà con chủ động trong việc cấp nước, thay nước và phòng trừ dịch bệnh. Đồng thời, khuyến cáo ngư dân sử dụng thức ăn công nghiệp, hạn chế thức ăn tươi có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Hạn chế tối đa việc sử dụng các hoá chất trong nuôi trồng, sử dụng các chế phẩm sinh học để cải thiện môi trường ao nuôi.
Vào vụ nuôi, UBND huyện chỉ đạo các địa phương triển khai quy chế quản lý giống đến từng hộ nuôi để nâng cao nhận thức cộng đồng trong công tác quản lý nuôi trồng thủy sản. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các xã, thị trấn phối hợp Trung tâm Khuyến Nông Lâm Ngư, Chi cục Thú y, Chi cục Nuôi trồng thủy sản thường xuyên kiểm tra nguồn giống khi người dân đưa về ương hoặc thả nuôi. Đồng thời, lập biên bản cam kết sau thời gian ương, xuất bán hoặc đưa vào nuôi phải kiểm dịch qua máy PCR. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 4-5 trại sản xuất tôm giống, chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu nuôi. Để có nguồn giống sạch bệnh cung ứng cho người nuôi ở địa phương, trước mắt Phú Vang xây dựng mô hình thí điểm ương tôm giống tập trung khoảng 0,5-1ha, mô hình thành công sẽ nhân rộng trên toàn huyện.
Năm 2013, Phú Vang tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ cho người dân; trong đó, chú trọng kỹ thuật nuôi xen ghép và nuôi đối tượng mới, góp phần thực hiện đa dạng hóa đối tượng nuôi và tìm kiếm những đối tượng phù hợp với điều kiện địa phương.
>> Thời gian qua, huyện Phú Vang đã đầu tư xây dựng 4 hồ xử lý nước thải với diện tích 1.640m2, kênh thoát nước cho 27 ha nuôi trồng thuỷ sản, nâng cấp đê bao, xây dựng đường ra khu nuôi tôm ở trên địa bàn xã Phú Đa, với tổng kinh phí 2,7 tỷ đồng. Để công tác quy hoạch thực hiện dễ dàng, phát triển thuỷ sản theo hướng bền vững, bước đầu huyện đã thành lập 6 chi hội nghề cá, đồng thời, cắm móc, giải tỏa các tuyến thủy đạo chính và nội vùng, sắp xếp phân chia lại diện tích nuôi trồng thủy sản theo đúng quy hoạch… |