(TSVN) – Mô hình “tàu mẹ, tàu con” – nhân tố mới trong phát triển kinh tế biển với lĩnh vực dịch vụ hậu cần nghề cá, cùng phối hợp khai thác bằng hình thức thu mua, đánh bắt kết hợp chiếu đèn đang được nhiều ngư dân huyện Phú Lộc, Phú Vang triển khai rất hiệu quả…
Theo nhiều ngư dân sau các chuyến đi biển cung ứng dịch vụ hậu cần, các tàu trừ chi phí xong cho lãi ròng lên đến trên trăm triệu đồng/chuyến. Thấy được hiệu quả, nhiều ngư dân lựa chọn đầu tư nghề cung ứng dịch vụ trên biển, vì vậy mà hoạt động của mô hình “tàu mẹ, tàu con” đã phát huy được hiệu quả.
Anh Trần Văn Hải, Hội trưởng Hiệp hội tàu dịch vụ hậu cần nghề cá ở Thuận An, huyện Phú Vang, cho hay: “Mỗi chuyến đi biển như thế, các tàu lớn, nhất là tàu vỏ thép thường chuẩn bị 4.000 – 5.000 lít dầu máy, gần 2.000 cây đá, rất nhiều đồ ăn, nước uống, gạo, mỳ tôm, các loại thực phẩm… Khoang làm lạnh bảo quản của tàu có thể chứa đến 30 – 40 tấn hàng để cung cấp cho các tàu đánh bắt ngoài biển, cũng như thu mua chừng ấy tấn hải sản từ các tàu chở về đất liền”.
Trên địa bàn thị trấn Thuận An còn có các tổ “tàu mẹ – tàu con” làm dịch vụ hậu cần trên biển của các gia đình khác như anh Trần Dành, Trần Dũng, Nguyễn Hôi… với 3 tàu vỏ thép có công suất 800 – 1.000 CV. Mỗi chiếc tàu trị giá từ 20 – 22 tỷ đồng, khoang chứa có thể thu mua 40 – 50 tấn cá, đi một chuyến có thể gom hàng của nhiều tàu đánh bắt cá. Đây được coi là nhân tố phát triển bền vững kinh tế biển, giúp cho giá cả sản phẩm sau khai thác được ổn định, đem lại lợi nhuận cao hơn, nguồn thủy, hải sản tươi, ngon hơn.
Nhờ hiệu quả mà mô hình “tàu mẹ, tàu con” đem lại, nhiều ngư dân đã quyết tâm bám biển, đầu tư ngư lưới cụ vươn khơi. Ông Trần Long, thôn Đông Hải, xã Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền khẳng định, ông vừa đóng thêm tàu dài 27 m, bề ngang 6,5 m, bởi nhận thấy mô hình tàu lớn, tàu nhỏ kết hợp đánh bắt sẽ rất hiệu quả. Mỗi chuyến, ví dụ tàu nhỏ chiếu đèn cho các tàu ngoại tỉnh được 10 tấn cá, mình được chia từ 2 – 3 tấn. Nếu có hai tàu, không phải mất công mua 10 tấn dầu, nước ngọt, nhu yếu phẩm từ tàu bạn thì tiền lãi sẽ tăng lên rất nhiều.
Hội Nghề cá xã Lộc Trì đánh giá, hiện các tàu lớn, tàu nhỏ tham gia phối hợp đánh bắt trên địa bàn xã đang được ngư dân triển khai rộng rãi và mang lại hiệu quả. Trong năm đã có thêm nhiều chiếc tàu đóng mới, công suất trên 800 CV, nhu cầu đóng thêm tàu lớn để vươn khơi vẫn cao.
Anh Ngô Lai, một chủ tàu lớn chuyên đánh bắt tại ngư trường Hoàng Sa, ở thôn An Dương, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang tâm sự: “Ngư dân chúng tôi đánh bắt dài ngày mà không có tàu dịch vụ đưa hàng vào bờ, chất lượng hải sản sẽ giảm, đồng nghĩa với việc bị ép giá. Nghề dịch vụ hậu cần trên biển không chỉ giúp ngư dân có điều kiện bám biển khai thác dài ngày, tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng hải sản khai thác, tăng hiệu quả kinh tế, mà còn giúp cơ sở thu mua chủ động được số lượng và chất lượng nguồn nguyên liệu chế biến”.
Đánh bắt xa bờ gắn với thu mua và cung ứng dịch vụ trên biển là mô hình hiệu quả và cần thiết đối với ngư dân. Những thành viên tham gia được phân định trách nhiệm trong từng công đoạn sản xuất. Tính cộng đồng được nâng lên một cách rõ rệt, giúp các chủ tàu cũng như các thuyền viên yên tâm hơn trong việc vươn khơi, bám biển dài ngày. Để kinh tế biển phát triển bền vững, ngành thủy sản cần hướng ngư dân đến mô hình kinh tế biển khép kín từ khai thác, thu mua, đến khâu chế biến.
Hải Linh