“Kinh tế vùng ven biển, đầm phá phải phát triển một cách bền vững” là mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Phong Điền.
Trúng bạc tỷ nhờ đánh bắt, nuôi trồng
Một ngày mới bắt đầu cũng là thời điểm anh Nguyễn Tấn, xã Điền Lộc chính thức bước vào một ngày làm việc trên biển. Sinh ra và lớn lên ở vùng biển, cũng như bao chàng trai khác trong xã, 14 – 15 tuổi anh đã theo cha lênh đênh trên biển để đánh bắt, khai thác nguồn lợi thủy sản. Công việc cứ bám víu anh suốt ngày này qua ngày khác dù thời tiết có diễn biến bất thường, nhưng những ngư dân như anh cũng quyết tâm bám biển để mưu sinh. Không chỉ anh, mà những người đi biển vốn có sẵn đức tính cần cù, chịu khó. Quyết tâm với nghề, họ bỏ tiền củng cố ngư lưới cụ, mở rộng một số ngành nghề đánh bắt mới để khai thác ngư trường.
Người dân vùng ven biển, đầm phá ở Phong Điền sống chủ yếu dựa vào nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản
Ông Trần Ngọc Lộc, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Điền cho biết: Thời gian qua, nhiều ngư dân vùng ven biển, đầm phá đã đầu tư, tu sửa, đóng mới thuyền máy, mua sắm thêm ngư lưới cụ để đánh bắt, khai thác nguồn lợi thủy sản trên biển, đầm phá. Hiện toàn vùng có 116 thuyền khai thác biển, với sản lượng đánh bắt đạt 1.150 tấn (tăng 105 tấn so với năm 2007). Vùng đầm phá có 171 thuyền máy và thuyền tay, tập trung chủ yếu ở 2 xã Điền Hòa và Điền Hải. Sau khi sắp xếp nò sáo trên phá Tam Giang, có 53 trộ của các hộ khai thác cố định, cho hiệu quả kinh tế cao hơn, với sản lượng khai thác đạt khoảng 350 tấn.
Cùng với việc bám biển, vùng đầm phá để khai thác, đánh bắt thủy hải sản, người dân trong vùng còn chú trọng đến việc đầu tư nuôi trồng thủy hải sản. Con tôm được nhiều người dân lựa chọn thả nuôi trên cát, cho kinh tế thấy rõ. Câu chuyện nuôi tôm ở Phong Hải được nhiều nơi biết đến. Chuyện ông Trương Công Lợi, thôn Hải Thành, vụ thu hoạch tôm vừa rồi trúng 2 đến 3 tỷ đồng; ông Nguyễn Viết Từ, trúng gần 2 tỷ đồng; các ông Trần Hòa, Nguyễn Công, Mai Minh Cảnh, thôn Hải Đông, trúng người 1 tỷ đồng. Hay chuyện ông Nguyễn Cát, thôn Hải Nhuận, từ khó khăn, vất vả, nay nuôi tôm cho thu nhập cao mua được cả xe tay ga, làm được nhà kiên cố; ông Hoàng Thanh Tâm, Hải Phú, nhờ nuôi tôm đã đầu tư cho con ăn học đàng hoàng… minh chứng cho cuộc sống đổi thay của người dân vùng ven biển, đầm phá.
Phát triển dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề…
Kết cấu hạ tầng thuận lợi, tài nguyên đa dạng, phong phú cùng với cơ chế thông thoáng đã kích thích vùng ven biển, đầm phá của huyện Phong Điền phát triển nhanh chóng. Dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề truyền thống là những lĩnh vực được xem là thế mạnh.
Thời gian qua, huyện đã có nhiều chính sách thuận lợi thu hút các nhà đầu tư và tạo điều kiện thông thoáng để các doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư phát triển công nghiệp trong vùng. Công nghiệp khai thác quặng titan tạo ra được sản lượng hàng hóa, giải quyết việc làm cho một bộ phận trong vùng. Công nghiệp chế biến đang được đầu tư phát triển, với việc hình thành các loại hình HTX, chế biến ruốc, nước mắm… Nhà máy chế biến thủy sản tại Điền Hương đang trong quá trình xây dựng và sớm hình thành là điều kiện rất thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm, cung cấp nguyên liệu đầu vào cho chăn nuôi nói chung và nuôi tôm trên cát nói riêng trên địa bàn – ông Nguyễn Đại Vui, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết.
Việc củng cố, phát triển các ngành nghề tại các xã vùng ven biển đầm phá cũng luôn được chú trọng. Ngoài sự động viên, khuyến khích người dân đầu tư mua sắm thêm ngư lưới cụ đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản, huyện có những chính sách để giúp người dân sắm thêm các giàn dệt lưới ở Phong Bình, Phong Hải, Điền Hải, Điền Hòa… tạo việc làm, tăng thu nhập. Huyện còn khuyến khích các hộ chuyển đổi một số nghề không phù hợp với ngư trường sang các nghề đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn như lườn thấp sang rê mực nang 3 lớp; phát triển mạnh nghề mành đèn, lưới rê 2, lưới rê mực nang và nghề mành nục.
>> Theo quy hoạch, từ 2015 đến 2020, tổng diện tích nuôi tôm ở Phong Điền là hơn 898 ha, bao gồm 41 tiểu khu tập trung nuôi ở 5 xã vùng ven biển, đầm phá. Đó là, Điền Môn, Điền Hương, Điền Lộc, Điền Hòa và Phong Hải. Huyện tập trung chỉ đạo các địa phương phát triển trồng trọt, chăn nuôi và lâm nghiệp; xây dựng kết cấu hạ tầng; phát triển văn hóa – xã hội; giữ vững quốc phòng – an ninh vùng ven biển, đầm phá. |