Gần đây, sự xuất hiện của “ngư tặc” manh động khiến nhiều hộ nuôi trồng thủy sản ở huyện Quảng Điền rất hoang mang, bức xúc.
“Bó tay với ngư tặc”
Nuôi trồng thủy sản vốn là nghề mưu sinh chủ yếu của nhiều hộ dân vùng đầm phá ở huyện Quảng Điền. Mấy năm trở lại đây, trên địa bàn xuất hiện tình trạng “ngư tặc” ngang nhiên khai thác thủy sản trên đầm phá Tam Giang. Khi tài nguyên các vùng đầm phá ngày càng cạn kiện, “ngư tặc” “tấn công” luôn cả ao hồ nuôi tôm, cá của người dân. Điều đáng nói, bọn “ngư tặc” ngang nhiên đánh bắt trộm và không ngần ngại chống trả các lực lượng truy bắt. Cách đây hơn 2 năm, trong khi đang làm công tác truy bắt, ông Võ Đà, Trưởng Công an thị trấn Sịa bị “ngư tặc” đâm chấn thương nặng ở lưng phải điều trị dài ngày. Sau đó, các đối tượng bị bắt và xử phạt tù giam mỗi người từ 6 đến 9 tháng.
Khu vực nuôi trồng thủy sản thường bị “ngư tặc” đánh bắt trộm
Ông Nguyễn Khôi, Trưởng thôn Mai Dương, xã Quảng Phước (Quảng Điền) cho biết, sự xuất hiện trở lại của “ngư tặc” ngày càng manh động hơn, thách thức người dân và các lực lượng. Chỉ trong vòng 1 tháng trở lại đây, “ngư tặc” 5 lần vào ao hồ bắt trộm nhiều tôm, cá của các hộ ông: Hoàng Đạo, Đặng Phước Dĩnh, Nguyễn Thành… Ông Hoàng Đạo nói: “Gần đây, người dân phát hiện tỷ lệ tôm, cá nuôi trong ao hồ hao hụt rất lớn. Sau khi kiểm tra, mai phục mới biết là do “ngư tặc” tàn phá…”. Điều lo ngại đối với người dân là bọn chúng tỏ ra ngang nhiên và thường đi theo băng nhóm rất đông. Phát hiện vi phạm, tổ chức vây bắt thì bọn chúng báo tin cho nhau kéo đến hàng chục người chống trả các lực lượng rồi tẩu thoát. Cách đây vài ngày, “ngư tặc” lấy trộm 3 trộ chuôm của Chi hội nghề cá thôn Mai Dương trị giá 9 triệu đồng.
Ông Nguyễn Giàu ở thôn An Xuân xã Quảng An cho biết, mới đây, ông và một số bà con phát hiện “ngư tặc” sử dụng rà điện và thả 17 tay lưới để đánh bắt tôm, cá trong ao hồ của mình và người dân trong thôn. Ông truy hô và báo UBND xã tổ chức các lực lượng truy bắt, nhưng bọn chúng sử dụng vũ khí nguy hiểm, như dao, gậy sắt chống trả quyết liệt rồi tẩu thoát. Người dân còn phát hiện nhiều vụ khác, nhưng không dám truy bắt, chỉ biết truy hô để bọn chúng bỏ chạy vì sợ nguy hiểm đến tính mạng. Ông Nguyễn Hiền, Chủ tịch UBND xã Quảng An cho biết, việc ngăn chặn nạn “ngư tặc” trộm cắp cá, tôm của người dân gặp nhiều khó khăn, do thiếu lực lượng và phương tiện. Trong khi làm nhiệm vụ, nhiều anh em trong lực lượng truy bắt của thôn và các ban ngành từng bị thương do sự chống trả của “ngư tặc”.
Phóng viên làm việc với Trưởng thôn Mai Dương về “ngư tặc”
Cần phối hợp giữa các ban ngành
Theo ông Nguyễn Ngọc Tiến, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Điền, thời gian qua, tình trạng khai thác thủy sản, đánh bắt trộm cá, tôm của người dân diễn ra khá phổ biến, chủ yếu ở các xã: Quảng An, Quảng Phước, Quảng Lợi và thị trấn Sịa. Các lực lượng chức năng tổ chức hàng chục đợt tuần tra, truy quét, phát hiện và bắt giữ 26 vụ vi phạm với nhiều hình thức như: cào lươn trên đầm phá mang tính hủy diệt, sử dụng lưới, xung điện trộm cắp cá, tôm trong hồ của người dân… Cơ quan chức năng xử phạt hành chính trên 30 triệu đồng, tịch thu nhiều ghe thuyền và thiết bị đánh bắt trái phép. Qua điều tra, “ngư tặc” khai nhận đến từ các xã: Hương Phong, Hương Vinh (thị xã Hương Trà), các phường: Phú Bình, Hương Sơ và Cồn Hến (TP Huế)… Các đối tượng vi phạm thường sử dụng đò máy có công suất lớn từ 24-28 CV, chạy rất nhanh; sử dụng xuồng đuôi tôm với hàng chục người đi vào ban đêm và thường mật báo cho nhau nên các lực lượng rất khó truy bắt. Trên mỗi chiếc đò, thuyền thường có 3-4 bình ắc quy cỡ lớn, bộ kích điện lên đến 400-500 vôn.
Ông Nguyễn Ngọc Tiến cho rằng, khó khăn lớn nhất đối với các địa phương hiện nay là phương tiện truy bắt tội phạm còn hạn chế. Trong khi đò máy của “ngư tặc” có công suất từ 24 CV trở lên, thì phương tiện của các lực lượng làm nhiệm vụ tuần tra, truy bắt chỉ 15-20CV. Lực lượng rất mỏng, thiếu trang thiết bị cũng là trở lực lớn trong công tác phòng chống tội phạm. Các cơ quan, ban ngành chưa có sự phối hợp chặt chẽ, vào cuộc kịp thời khiến công tác phòng, chống càng gặp khó khăn. Ông Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh cho biết, hiện nay đơn vị chỉ có khoảng 10 kiểm ngư viên hoạt động cả trên đầm phá, trên biển, sông hồ và chỉ có 1 chiếc thuyền công suất nhỏ, chưa đáp ứng yêu cầu làm nhiệm vụ kiểm tra, truy bắt tội phạm.
Theo ông Nguyễn Quang Vinh Bình, một giải pháp quan trọng góp phần ngăn chặn nạn “ngư tặc” là cấp quyền khai thác thủy sản trên đầm phá cho chi hội nghề cá ở các địa phương. Tình trạng khai thác thủy sản trái phép ở huyện Quảng Điền xảy ra khá phổ biến là do các Chi hội nghề cá đã được thành lập, nhưng chưa được cấp quyền khai thác và quản lý. Các địa phương, ban ngành cần chủ động tăng cường lực lượng và đầu tư trang thiết bị đáp ứng yêu cầu bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Lực lượng của các thôn, cơ quan, ban ngành cần có sự phối hợp một cách chặt chẽ, thường xuyên tuần tra, truy bắt và xử phạt nghiêm đối với những trường hợp vi phạm. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân không vi phạm trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng cần quan tâm.