Thừa Thiên – Huế: Nuôi tôm thẻ chân trắng gặp khó

Chưa có đánh giá về bài viết

Thời tiết nắng nóng, diễn biến bất thường khiến tôm chậm lớn, thậm chí chết. Cùng với đó, giá tôm xuống thấp khiến nhiều hộ nuôi tôm thẻ chân trắng đứng trước một mùa vụ thất bát.

Tôm còi, giá thấp

Hộ ông Nguyễn Huy (xã Điền Hương) là một trong những hộ triển khai mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng đầu tiên trên vùng cát Ngũ Điền, với hơn 10 hồ nuôi, trên tổng diện tích 50.000 m². Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, thời tiết diễn biến bất thường, hơn nửa số hồ nuôi đành “đắp chiếu”. Để ứng phó với tiết trời nắng nóng, cứ 3 ngày, ông Huy thay nước một lần và kiểm tra kỹ chất lượng nguồn nước, song hiệu quả nuôi vẫn không cao. Ông Huy cho biết: “Nếu như trước đây, khoảng 1 tuần hoặc 10 ngày mới lấy nước biển vào một lần thì nay cứ 3 ngày là thay nước. Trước khi cho nước vào, tôi lấy mẫu đến Trường đại học Nông lâm Huế để kiểm tra. Một tháng nay, trời nắng nóng, chiều mưa giông nên ảnh hưởng trực tiếp đến tôm. Mỗi ngày có vài chục cân tôm chết/hồ. Có nhiều hộ tôm chết cả hồ”.

Tôm chậm lớn, giá thấp khiến người nuôi gặp khó

Thời điểm này, giá tôm xuống thấp khiến người nuôi tôm lưỡng lự khi xuất bán. “Tui mới xuất bán một hồ, tôm size 65con/kg chỉ có giá 130.000 đồng/kg. Bây giờ giá xuống thấp hơn nữa nên còn hai hồ tôm đã đến thời kỳ xuất bán nhưng tôi vẫn đắn đo. Với giá như hiện nay, người nuôi chắc chắn sẽ bị lỗ nếu bán”, ông Huy chia sẻ.

Cùng chung cảnh ngộ với ông Huy là hầu hết các hộ nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn vùng cát Ngũ Điền và các địa phương khác. “Tôi nuôi 20 hồ, có nhiều hồ đến thời kỳ xuất bán nhưng giá quá thấp. Bán sẽ lỗ mà không bán cũng lỗ vì tốn chi phí thức ăn, điện nước, công chăm sóc. Thời tiết khắc nghiệt, cộng với môi trường nước biển không đảm bảo khiến tôm còi cọc. Mỗi ngày, một hồ tôm bị chết 30 – 40 kg”, anh Nguyễn Tấn Thành (hộ nuôi tôm ở Điền Hương) than thở.

Ông Trần Gia Duy, Phó Chủ tịch UBND xã Điền Hương cho biết: “Theo quy hoạch, diện tích đất được cấp để nuôi tôm thẻ chân trắng ở địa phương là hơn 60 ha. Tuy nhiên, vụ hè chỉ gần 19 ha được bà con thả nuôi. Thời gian gần đây, do thời tiết thay đổi và ảnh hưởng của môi trường nên tôm bị sốc nước, có hộ tôm đạt 100 con/kg vẫn bị chết. Dù không phải vụ chính, số hộ thả nuôi ít hơn so với vụ đông nhưng trước ảnh hưởng đó, người nuôi gặp nhiều khó khăn vì giá tôm hiện nay thấp”.


Nên nuôi đúng quy trình

Toàn tỉnh có khoảng 700 ha đất quy hoạch để nuôi tôm thẻ chân trắng. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm chỉ có 300 ha được bà con thả nuôi. Thời tiết khắc nghiệt do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino làm vật nuôi, trong đó có tôm thẻ chân trắng biến động lớn. “Tôm là loài vật biến nhiệt nên khi thay đổi thời tiết sẽ giảm sức đề kháng dẫn đến chậm lớn và dễ dàng phát sinh mầm bệnh. Khi nhiệt độ ban ngày cao, chiều xuất hiện mưa dông, sẽ tạo ra khí độc khiến tôm dễ bị chết”, ông Nguyễn Minh Đức, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết.

Kiểm tra tôm

Lý giải về nguyên nhân tôm chậm lớn, ông Đức cho biết thêm: “Hiện nay, bà con nuôi tôm thẻ chân trắng nuôi chưa đúng quy trình. Hầu hết bà con thả nuôi với mật độ rất dày. Theo quy định, mật độ nuôi chỉ dao động từ 150 – 200 con giống/m², nhưng bà con lại thả nuôi đến 300 con giống/m²”.

Theo anh Nguyễn Hữu Thông, cán bộ kỹ thuật thủy sản, Chi cục Chăn nuôi – Thú y tỉnh, vụ hè năm nay, bà con nuôi tôm thẻ chân trắng đều rơi vào tình trạng khó khăn, mực nước các hồ nuôi thường không đảm bảo và không được quản lý tốt nên tảo xuất hiện nhiều. “Vừa qua, chúng tôi tiến hành kiểm tra một số hồ nuôi tôm thẻ chân trắng ở Vinh Mỹ (huyện Phú Lộc). Tuy tôm được bà con nuôi từ 3 – 4 tháng nhưng vẫn còn rất nhỏ, trên 100 con/kg, với thời gian nuôi như thế trước đây, tôm sẽ đạt 60 – 70 con/kg. Chúng tôi cũng tiến hành lấy mẫu tôm để kiểm tra, nhưng các chỉ tiêu đều âm tính, không có biểu hiện bệnh”, anh Thông nói.

Ông Nguyễn Minh Đức khuyến cáo, thời điểm này, bà con nuôi tôm nên tuân thủ đúng quy trình, kết hợp sử dụng các loại men vi sinh để tạo ra sinh vật có lợi, hấp thụ khí độc; chuyển sinh vật có hại thành sinh vật có lợi. Đồng thời, tùy theo độ pH mà dùng vôi điều hòa nguồn nước một cách hợp lý. Bà con cần tổ chức lại sản xuất, hình thành các tổ tự quản đễ dễ dàng thông tin dịch bệnh nhằm tìm ra cách ứng phó. Khi nuôi tôm vụ hè, bà co phải nâng cao mực nước trong hồ nuôi để tạo môi trường nước thuận lợi, mát mẻ.

Lê Thọ

Báo Thừa Thiên - Huế

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!