Thừa Thiên – Huế: Phát triển diện tích nuôi ngao tại huyện Phú Lộc

Chưa có đánh giá về bài viết

Việc khai thác ngao giống trên đầm phá Tam Giang – Cầu Hai và đưa vào ương nuôi đã mở ra hướng đi mới đầy hứa hẹn với người nuôi trồng thủy hải sản tại xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên – Huế.

Khai thác thủy sản trên phá Tam Giang – Cầu Hai – Ảnh: Trần Đỗ Nghĩa

Xã Lộc Bình hiện có 3 hộ nuôi ngao với diện tích gần 5 ha. Một ngư dân cho biết, việc nuôi ngao gần như không có dịch bệnh, ít tốn công chăm sóc, không phải cung cấp thức ăn hàng ngày, chỉ cần kiểm tra lưới vây, vớt các loài ốc, tảo có nguy cơ gây hại cho ngao. Thời điểm tốt nhất để thả ngao giống vào tháng 7 – 8 hàng năm, với mật độ 100 con/m2 và sau một năm thu hoạch, trung bình 100 m2 nuôi cho thu hoạch 3 tạ ngao thành phẩm.

Hiện giá ngao thành phẩm 40.000 – 50.000 đồng/kg, lúc cao điểm 65.000 – 70.000 đồng/kg, thị trường tiêu thụ khá thuận lợi.

Theo Phòng NN&PTNT Phú Lộc, việc phát triển nuôi ngao tại cửa biển Tư Hiền là hướng đi đúng đắn và thành công. Việc nuôi ngao tại vùng đầm phá với chi phí đầu tư ít nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao, tận dụng được diện tích mặt nước nuôi trồng không hiệu quả, hơn nữa, nguồn giống có thể khai thác trong tự nhiên, hạn chế được chi phí cho người nuôi… Huyện Phú Lộc hiện có kế hoạch phát triển diện tích nuôi ngao lên 30 ha, tập trung ở xã Lộc Bình và Vinh Hiền, vùng đầm phá gần cửa biển Tư Hiền.

Được biết, xã Lộc Bình có lợi thế về mặt nước rộng lớn. Việc đưa mô hình nuôi ngao là nhằm khai thác triệt để tiềm năng mặt nước, đây cũng là hướng nuôi trồng mới để địa phương khai thác hiệu quả diện tích mặt nước sẵn có, giúp người dân xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập.

Kim Phượng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!