Nhằm hướng bà con ngư dân sản xuất sản phẩm sạch, được Trung tâm Khuyến nông quốc gia hỗ trợ vốn và kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông lâm ngư Thừa Thiên Huế triển khai mô hình “Phát triển nuôi tôm sú theo quy trình GAP”.
Mô hình nuôi tôm sú theo quy trình GAP được triển khai ở xã Quảng Công (Quảng Điền) và Phú Xuân (Phú Vang) với diện tích 2 ha. Tổng kinh phí hỗ trợ của mô hình là 159 triệu đồng, gồm 100% con giống, 30% thức ăn, hóa chất và kỹ thuật. Ông Đặng Vị, hộ được chọn thực hiện mô hình thí điểm ở xã Phú Xuân chia sẻ: “Gia đình tui nuôi tôm đến nay đã 10 năm, vài năm trở lại do nguồn nước ô nhiễm nên tôm nuôi thường xuyên bị bệnh và chết. Năm nay, được Nhà nước hỗ trợ 30 triệu đồng gia đình tui đầu tư nuôi tôm theo quy trình GAP trên diện tích 4.000m2, gồm có hai ao nuôi và một ao lắng. Quá trình nuôi, tôm phát triển tốt và không có dịch bệnh xảy ra. Đến nay tôm nuôi gần 3 tháng, trọng lượng bình quân 40 con/kg”. “Nuôi tôm theo quy trình GAP có nhiều cái lợi, lợi về môi trường nước, tôm phát triển tốt, sản xuất sản phẩm sạch… Tuy nhiên, quy trình nuôi đòi hỏi khắt khe hơn, phải thường xuyên chăm sóc và theo dõi tôm”. Ông Vị cho biết thêm.
Cán bộ Trung tâm Khuyến nông lâm ngư hướng dẫn kỹ thuật cho bà con
Khó vẫn làm
Thông qua mô hình nuôi tôm sú theo quy trình GAP sẽ giúp các hộ dân nâng cao trình độ sản xuất theo hướng VietGAP, chuyển đổi sản xuất phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm và từng bước nhân rộng mô hình.
Ông Châu Ngọc Phi, Trưởng phòng Thủy sản, Trung tâm Khuyến nông lâm ngư cho biết: “Đây là lần đầu tiên các hộ nuôi thực hiện mô hình nuôi tôm bán thâm canh theo hướng GAP nên còn gặp nhiều bở ngỡ trong công tác chuẩn bị, ghi chép, xây dựng các công trình, bố trí ao nuôi hợp lý. Lâu nay bà con ngư dân có thói quen nuôi theo tập quán tự do, không ràng buộc, gò bó. Mặc dù, mô hình được Nhà nước hỗ trợ nhưng khi chọn hộ thực hiện nhiều hộ dân lo ngại, không mạnh dạn tham gia. Lâu dài, thị trường đòi hòi sản phẩm thủy sản sạch để cung ứng nhu cầu người tiêu dùng, vì vậy, từ bây giờ bà con ngư dân ở các địa phương cần phải làm quen với mô hình nuôi tôm theo quy trình GAP và hướng tới mở rộng diện tích nuôi”.
Ông Đặng Vị, ngư dân ở xã Phú Xuân cho biết: “So với nuôi tôm thông thường thì nuôi tôm theo quy trình GAP khắt khe hơn nhiều và đầu tư kinh phí cao hơn gấp đôi, bình quân mỗi ha đầu tư 245 triệu đồng. Tuy nhiên, bù lại tôm nuôi rất an toàn và phát triển tốt. Dù khó nhưng những năm sau gia đình tui vẫn tiếp tục đầu tư nuôi theo quy trình GAP, trước mắt cung ứng sản phẩm sạch cho người tiêu dùng, sau đó hướng nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn, bền vững”.
Trở ngại lớn để nuôi tôm theo quy trình GAP đó là cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản còn yếu, nên việc áp dụng còn gặp rất nhiều khó khăn. Các ao nuôi chủ yếu của nông hộ nên hệ thống thủy lợi, ao chứa, ao lắng chưa đáp ứng yêu cầu. Để nuôi tôm theo quy trình GAP phát huy hiệu quả, Nhà nước cần hỗ trợ nâng cấp cơ sở hạ tầng cho các vùng nuôi, đồng thời áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào nuôi trồng thủy sản, từng bước đáp ứng với các tiêu chuẩn của GAP để các địa phương áp dụng rộng rãi mô hình này.
>> Điều kiện ao nuôi theo quy trình GAP có diện tích từ 2.000-5.000m2 có hệ thống cấp thoát nước đầy đủ và có ao chứa lắng; độ sâu ao từ 1,6-2m; bờ ao chắc chắn, có hệ thống lưới rào để bảo vệ nhằm ngăn chặn các vật chủ trung gian mang mầm bệnh và các địch hại xâm nhập ao nuôi. Đồng thời có tác dụng bảo vệ tránh thiệt hại do lũ lụt. Cải tạo ao phải tháo cạn nước, vét bùn, tu sửa bờ ao, cày đáy ao và phơi đáy trong 15 ngày. Bón vôi với liều lượng 75kg/1.000m2 được chia làm 2 lần, lần 1 trước lúc cày đáy ao sử dụng 30% lượng vôi cần bón, lần 2 sử dụng 70% còn lại. Sau khi phơi đáy ao tiến hành cấp nước vào ngập đáy ao. |