Tình trạng nuôi trồng thủy sản (NTTS) ở ven biển và đầm phá phát triển ồ ạt nên vấn đề quy hoạch lại vùng nuôi cần sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền các cấp tại tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Năm 2014, toàn tỉnh Thừa Thiên – Huế đã đưa vào thả nuôi gần 4.300 ha diện tích NTTS nước lợ; trong đó 226 ha chuyên tôm. Nhưng việc người nuôi phát triển vùng nuôi ồ ạt, thiếu quy hoạch làm nguồn nước đầm phá ô nhiễm, gây nên tình trạng tôm chết trên diện rộng. Nguyên nhân, một phần do công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, sắp xếp bố trí đối tượng nuôi ở các vùng còn chậm. Do đó, các ngành chức năng cần tìm ra những phương án quy hoạch chi tiết vùng nuôi, sớm phát triển NTTS theo hướng bền vững.
Nuôi tôm trên cát ở Thừa Thiên – Huế – Ảnh: CTV
Cụ thể, Sở NN&PTNT cần phối hợp với chính quyền địa phương các cấp rà soát vùng NTTS cao triều, thấp triều và trên cát; quy hoạch lại những vùng nuôi phù hợp với tình hình nuôi mới; cương quyết xử lý những hộ nuôi không chấp hành.
Theo kế hoạch đến năm 2020, sản lượng NTTS toàn tỉnh đạt trên 24.000 tấn; trong đó, tôm thẻ chân trắng 12.116 tấn, tôm sú 3.000 tấn; các loại thủy sản khác 3.000 tấn và sản lượng thủy sản nước ngọt đạt 6.000 tấn. Sở NN&PTNT cùng chính quyền các địa phương đã quy hoạch 30 ha vùng cát ven biển huyện Phong Điền để xây dựng trại sản xuất và dịch vụ cung ứng giống cho vùng nuôi tôm trên cát. Đồng thời, củng cố hệ thống trại sản xuất và dịch vụ giống tôm sú tại huyện Phú Vang và Phú Lộc; giải tỏa 300 ha ao nuôi hạ triều vùng đầm phá, trong đó, Rú Chá (Hương Trà) 10 ha; phá Tam Giang của hai huyện Quảng Điền và Hương Trà 90 ha; đầm Sam Chuồn – Thủy Tú (Phú Vang) 80 ha và đầm Cầu Hai (Phú Lộc) 120 ha; giải tỏa 237 ha nuôi tôm chắn sáo và chuyển 308 ha nuôi chắn sáo sang nuôi sinh thái kết hợp phục vụ du lịch.