Thừa Thiên – Huế: Tăng diện tích nuôi

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Theo Cục Thống kê Thừa Thiên – Huế, diện tích nuôi trồng thủy sản tháng 03/2024 ước đạt 190 ha, tăng 03 ha so cùng kỳ năm 2023. Lũy kế tổng diện tích nuôi trồng thủy sản ước đạt 507 ha, tăng 10 ha, trong đó, diện tích nuôi nước lợ 313 ha, tăng 11 ha.

Trong tổng diện tích nuôi nước lợ tại tỉnh Hà Tĩnh, có 75 ha nuôi cá, tăng 4 ha; nuôi tôm 177 ha, tăng 6 ha; chia ra nuôi tôm thẻ chân trắng 168 ha, tôm khác 9 ha; nuôi các loại thủy sản khác 56 ha, tăng 1 ha; ương, nuôi giống thủy sản 5 ha. Sản xuất giống tháng 3/2024 ước đạt 36,1 triệu con, tăng 0,2 triệu con. Lũy kế cho đến nay đạt 78,1 triệu con, tăng 0,5 triệu con.

Sản lượng thủy sản nuôi trồng thu hoạch của tỉnh trong tháng 3/2024 ước đạt 567 tấn, tăng 23 tấn; lũy kế sản lượng thủy sản nuôi trồng quý I/2024 ước đạt 1.740 tấn, tăng 95 tấn, trong đó: Cá các loại 955 tấn, tăng 53 tấn; tôm các loại 720 tấn, tăng 40 tấn; thủy sản khác 65 tấn, tăng 2 tấn.

Thu hoạch cá nuôi trên phá Tam Giang – Cầu Hai, Thừa Thiên – Huế. Ảnh: Song Minh

Tại vùng cát ven biển huyện Phong Điền và một số diện tích rất ít rải rác tại vùng cát ven biển huyện Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc chủ yếu nuôi tôm. Đối tượng nuôi chính là tôm thẻ chân trắng theo phương thức nuôi thâm canh, thả giống với mật độ cao và năng suất thu hoạch bình quân 8 – 10 tấn/ha. Một số ít điển hình nuôi theo mô hình ao nuôi tròn công nghệ cao, áp dụng quy trình nuôi tôm 2 – 3 giai đoạn để đạt năng suất 50 – 60 tấn/ha. Trong những năm gần đây, đối với các ao nuôi tôm không hiệu quả, các hộ dân đã chuyển sang nuôi các đối tượng như ốc hương và một số giống cá tự nhiên bản địa như cá nâu, cá dìa, cá kình…

Diện tích nuôi tôm nước lợ vùng đầm phá toàn tỉnh Thừa Thiên – Huế là 2.675 ha với hình thức nuôi xen ghép là chủ yếu, một số diện tích (khoảng 10%) là nuôi chuyên tôm; năng suất bình quân khoảng 0,8 – 1,0 tấn/ha; một số ít diện tích cao triều đầm phá cũng đang được thử nghiệm nuôi tôm theo quy mô ao tròn và áp dụng nuôi tôm chân trắng theo công nghệ cao. Đối tượng chính là tôm sú, trong những năm gần đây người dân nuôi tôm chân trắng để rút ngắn thời gian nuôi; tôm được nuôi xen ghép với cua và các loại cá nước lợ như cá dìa, cá kình, cá nâu, cá đối…

Khai thác triển khai nhiều giải pháp đồng bộ

Khai thác tháng 3/2024 của tỉnh Thừa Thiên – Huế ước đạt 3.967 tấn, tăng 75 tấn, trong đó khai thác biển đạt 3.685 tấn, tăng 77 tấn và khai thác nội địa 282 tấn, giảm 2 tấn; lũy kế sản lượng khai thác ước đạt 7.896 tấn, tăng 84 tấn, trong đó: khai thác biển 7.175 tấn, khai thác nội địa 721 tấn.

Để có được thành quả trong hoạt động khai thác biển, ngoài nỗ lực, sự chủ động của các chủ tàu cá, ngành thủy sản tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, tích cực. Nhiều tàu đầu tư trang, thiết bị, ngư cụ hiện đại như lưới, câu, máy dò cá… ở vùng biển xa. Ngành thủy sản cấp giấy phép khai thác thủy sản cho 35 tàu thuyền, tạo điều kiện khai thác thủy sản trên địa bàn toàn tỉnh theo quy định của pháp luật, trong đó cấp mới 30 giấy phép và cấp lại 5 giấy phép. Có 333 tàu cá có chiều dài 15 mét trở lên được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm và tổ chức thẩm định đánh giá định kỳ 26 tàu cá.

Hiện, tổng số tàu cá đã đăng ký hoạt động hiện đưa vào sử dụng 676 chiếc, trong đó tàu cá xa bờ có chiều dài từ 15 mét trở lên là 433 chiếc. Năm 2023, có 392 tàu cá đăng ký tham gia khai thác trên vùng biển xa và đến nay có khoảng 1.439 chuyến khai thác vùng biển xa. Hoạt động khai thác trên vùng biển xa không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần củng cố an ninh quốc phòng toàn dân ở vùng biển Hoàng Sa.

Công tác chống khai thác IUU (hoạt động đánh bắt trái phép, không báo cáo và không được quản lý) được triển khai đồng bộ, quyết liệt theo kế hoạch, hành động của Trung ương và địa phương. Kết quả cho thấy, tàu cá ở Thừa Thiên – Huế không vi phạm đánh cá trái phép ở vùng biển nước ngoài. Hầu hết tàu cá đều lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) đúng quy định pháp luật. Việc nâng cấp, đầu tư trang, thiết bị hoàn chỉnh tại trạm bờ và Văn phòng đại diện Kiểm soát nghề cá tại Cảng cá Thuận An được quan tâm, đảm bảo cơ bản vận hành phục vụ công tác kiểm soát tàu cá chặt chẽ.

Tuy nhiên, công tác thực thi pháp luật, kiểm tra, xử lý vi phạm của chủ tàu cá hoạt động trên biển còn hạn chế nhất định. Lực lượng và phương tiện kiểm ngư chưa chính thức được biên chế, vị trí việc làm, nhân lực thiếu, chưa đáp ứng hoạt động tuần tra, kiểm soát trên biển. Việc điều động đấu tranh các hành vi vi phạm trong khai thác thủy sản gặp nhiều khó khăn.

Việc kiểm soát các nghề khai thác “nhạy cảm” như tàu giã cào đang còn bất cập, chưa kiểm soát chặt chẽ vùng hoạt động hợp pháp, trong khi các tàu đều có xu hướng xâm hại vùng bờ. Nghề khai thác hủy diệt trên vùng nội đồng còn tồn tại gây ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản.

Mục tiêu đặt ra của ngành thủy sản của Thừa Thiên - Huế năm 2024, sản lượng khai thác thủy, hải sản đạt 42.000 tấn gắn với mục tiêu phát triển thủy sản thành ngành kinh tế quan trọng. Đồng thời, phát triển bền vững và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, kết hợp cơ cấu và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả cao theo định hướng tại kế hoạch, hành động triển khai thực hiện chiến lược phát triển thủy sản giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030 của tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Hải Đường

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!