Thừa Thiên – Huế: Thay đổi tư duy, phương thức nuôi thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Nắng nóng gay gắt, kéo dài hay mưa lũ bất thường gây khó khăn, thách thức trong nuôi trồng thủy sản đối với người dân Thừa Thiên – Huế. Vì vậy, thay đổi tư duy, phương thức nuôi thủy sản phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được ngành nông nghiệp tỉnh và các địa phương tích cực triển khai.

Từ vài năm nay, các vùng nuôi tôm trên cát ven biển Ngũ Điền ảm đạm lạ thường, không còn sôi động như trước. Nếu như trước đây, người dân ngại nuôi, hoặc không nuôi tôm trong mùa nắng nóng thì nay cả trong điều kiện thời tiết mát mẻ cũng không thể thả nuôi. Cứ thả giống khoảng một vài tuần, hoặc một đến hai tháng thì tôm nuôi lại bị dịch bệnh, chết không rõ nguyên nhân. 

Thả giống mô hình nuôi xen tôm, cua, cá đối sinh thái trong rừng ngập mặn. Ảnh: TTKNTTH

Không còn cách nào khác phải thay đổi tư duy sản xuất, chuyển đổi sang mô hình nuôi thủy sản mới, nhằm thích nghi môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Trong khi nhiều hộ bỏ hoang ao hồ nuôi tôm thì một số hộ xã Phong Hải và Ngũ Điền (huyện Phong Điền) chuyển sang nuôi cá kình, bước đầu mang lại hiệu quả. Qua một số vụ nuôi đầu tiên, cá kình phù hợp với điều kiện môi trường, nguồn nước trên vùng cát xã Phong Hải và Ngũ Điền nói chung. Nuôi cá kình không mang lại thu nhập cao như nuôi chuyên tôm nhưng ít dịch bệnh, thu nhập ổn định, có khả năng thích ứng với biến đổi hí hậu. 

TS Mạc Như Bình, Khoa Thủy sản thuộc Trường đại học Nông Lâm (Đại học Huế) chia sẻ, với nuôi cá lồng trên sông, đầm phá phải thay đổi cơ cấu thời vụ, tránh tối đa nuôi vào thời điểm nắng nóng gay gắt, hay trong mùa mưa lũ. Để làm được điều này, khâu chọn kích cỡ cá giống phải lớn và đảm bảo chất lượng là rất quan trọng. Giống có kích cỡ lớn sẽ có khả năng thích nghi và chống chịu tốt hơn trong điều kiện thời tiết bất lợi so với giống kích cỡ nhỏ và nhanh cho thu hoạch. 

Theo ông Châu Ngọc Phi, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Thừa Thiên – Huế, Trung tâm đã và đang triển khai nhiều mô hình nuôi thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh, như mô hình nuôi cua gạch thương phẩm, lươn đồng, cá đối, dìa, kình… Mới đây, Trung tâm thực hiện mô hình thí điểm nuôi xen tôm, cua, cá đối sinh thái trong rừng ngập mặn, ứng phó biến đổi khí hậu gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại xã Quảng Lợi (Quảng Điền) với quy mô 2 ha. Việc phát triển trồng rừng ngập mặn sẽ giúp chắn sóng, gió có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ đê điều, hạn chế xói lở và tác hại của bão, tăng khả năng chống chọi với tác động của thay đổi khí hậu, đồng thời rừng ngập mặn sẽ là bãi đẻ tự nhiên cho các loài sinh vật thủy sản giúp tái tạo và phục hồi nguồn lợi thủy sản. Bên cạnh đó, việc phát triển trồng rừng cần đi đôi với việc tạo sinh kế cho người dân nhằm giảm áp lực khai thác thủy sản và giúp bảo vệ rừng tốt hơn. 

Cán bộ kỹ thuật của Trung tâm hướng dẫn các hộ dân về chuẩn bị ao hồ đảm bảo và đã tiến hành thả tôm thẻ chân trắng với kích cỡ 3 – 5 cm/con, mật độ 5 con/m²; cua kích cỡ 3 – 5 cm/con, mật độ 0,2 con/m² và cá đối kích cỡ 4 – 6 cm/con, mật độ 0,2 con/m². Qua kiểm tra, các đối tượng thủy sản đang phát triển và sinh trưởng tốt.

Theo Sở NN&PTNT Thừa Thiên – Huế, thời gian qua ngành nông nghiệp và các địa phương, ban ngành đã triển khai thành công một số mô hình nuôi thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu. Tại vùng cát ven biển Ngũ Điền đã nuôi thành công mô hình ốc hương, tôm thẻ chân trắng trong ao tròn diện tích nhỏ bằng công nghệ cao. Trên vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai còn có các mô hình nuôi cá “vượt lũ” với các loại cá đặc sản có giá trị kinh tế cao như cá nâu, mú, dìa… Ngành nông nghiệp và các địa phương đang tiếp tục triển khai các biện pháp nhân rộng các mô hình. 

Ngọc Diệp

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!