Các địa phương, hộ dân đang tiến hành thu hoạch tỉa, tiến đến thu hoạch đại trà các diện tích nuôi trồng thủy sản (NTTS) nhằm tránh nguy cơ thiệt hại trong mùa bão, lũ.
Kiểm tra môi trường nước trong ao hồ
Ông La Thành ở thôn Vân Quật Đông, xã Hương Phong (TP. Huế) nói rằng, thời tiết từ đầu năm đến nay tương đối thuận lợi, ít nắng nóng gay gắt nên thủy sản nuôi năm nay sinh trưởng, phát triển tốt. Một số thời điểm do môi trường xấu nên tôm, cá chết rải rác nhưng được xử lý kịp thời. Không riêng hộ ông Thành mà nhiều hộ nuôi thủy sản ở Vân Quật Đông năm nay đều có lãi. Đến thời điểm này, bà con bắt đầu thu hoạch đại trà để tránh thiệt hại do mưa lũ.
Chủ hồ nuôi thủy sản xen ghép ở Quảng Công (Quảng Điền), ông Võ Văn Chương chia sẻ, người dân địa phương bắt đầu thu tỉa thủy sản nuôi từ khoảng một tháng nay. Dự kiến từ giữa tháng 9 sẽ bắt đầu thu hoạch đại trà. Một số lứa nuôi, ao hồ tuy còn nhỏ, kích cỡ chưa đạt thương phẩm, nhưng các địa phương vẫn yêu cầu, vận động người dân thu hoạch trước mùa bão, lũ. Tinh thần của người dân Quảng Công, mặc dù cá, tôm chưa đạt thương phẩm, bán với giá thấp nhưng vẫn phải thu hoạch, không để thiệt hại do thiên tai.
Theo UBND xã Quảng Công, mấy ngày nay, chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, đôn đốc các hộ NTTS trên đầm phá đẩy nhanh tiến độ thu hoạch với tinh thần không để người dân thiệt hại. Riêng nuôi lồng, bè, nuôi tôm trên cát sẽ còn một số diện tích chưa thể thu hoạch, địa phương cũng đã tổ chức hướng dẫn cho bà con các biện pháp giằng néo, gia cố đê bao nhằm tránh thủy sản bị cuốn trôi.
Kiểm tra ao hồ nuôi tôm
]Ông Phan Nam, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Điền thông tin, theo cơ quan Khí tượng Thủy văn Quốc gia, bão, lũ năm nay có thể xảy ra dồn dập ở khu vực miền Trung trong những tháng cuối năm. Để chủ động ứng phó và khắc phục hậu quả của thiên tai, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người NTTS, ngành nông nghiệp huyện phối hợp với các địa phương vận động, đốc thúc tiến độ thu hoạch. Đơn vị cùng với chính quyền địa phương cử cán bộ bám sát địa bàn, kịp thời tuyên truyền, hướng dẫn chủ cơ sở NTTS triển khai các biện pháp phòng, chống và khắc phục thiệt hại do bão, lũ để ổn định sản xuất.
Ông Phan Nam cho rằng, trước khi có bão, lũ, người dân phải chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, máy móc, trang thiết bị phục vụ cho công tác phòng, tránh, khắc phục hậu quả của bão, lũ như lưới, cọc, đèn pin, máy phát điện, vôi, ghe thuyền, phao cứu sinh… Người dân cần thu hoạch toàn bộ, hoặc thu tỉa thủy sản nuôi khi đạt kích cỡ thương phẩm; đặt ống xả tràn, phát quang cành cây, gia cố bờ ao, hồ, công trình phụ trợ tại cơ sở nuôi, đảm bảo an toàn khi bão, lũ đến.
Các địa phương tổ chức hướng dẫn cho bà con giằng chống, gia cố các công trình hạ tầng phục vụ NTTS, như trại nuôi, hệ thống đê, đập, kênh mương, nhà lưới… nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại khi thiên tai xảy ra. Cán bộ bám cơ sở để kiểm tra, gia cố lại hệ thống dây neo, phao lồng, vệ sinh lồng bè thông thoáng, xây dựng phương án di dời lồng bè vào khu vực kín gió, an toàn, có dòng chảy phù hợp khi cần thiết. Trường hợp không di chuyển được cần che chắn mặt lồng, bè bằng lưới có kích thước mắt lưới phù hợp để hạn chế thủy sản nuôi thoát ra ngoài.
Ông Nguyễn Long An, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, nhận thức về bảo vệ thủy sản nuôi trong mùa bão, lũ của người dân có nhiều chuyển biến. Phần lớn bà con chủ động thu hoạch và triển khai các biện pháp bảo vệ an toàn cho thủy sản nhằm tránh thiệt hại. Hiện trên địa bàn tỉnh vẫn còn khá nhiều lồng, bè nuôi thủy sản trên sông, đầm phá và ao hồ vẫn chưa thu hoạch xong. Các diện tích đến nay chưa thể thu hoạch một phần do thủy sản chưa đạt kích cỡ thương phẩm, phần do bà con giữ lại để tiêu thụ trong dịp tết, bán giá cao hơn. Ngành nông nghiệp khuyến cáo, người dân cần thu hoạch toàn bộ thủy sản bằng mọi giá trước khi bão, lũ xảy ra; đồng thời triển khai các biện pháp giằng neo lồng, bè, gia cố đê bao, ao hồ để bảo vệ an toàn cho số thủy sản chưa thể thu hoạch.