T2, 06/07/2020 09:55

Thua trên sân nhà

Chưa có đánh giá về bài viết

Đám đông phụ nữ chuyên nghề rẩu cá bên chân cầu cảng Vĩnh Lương – Nha Trang toét miệng cười đón A Ty, A Chân, A Cường… đến tận thuyền, rồi tất bật cân đong, ghi chép… Thì ra, những thương lái đến từ phương Bắc ấy thường trực ở Nha Trang đã nhiều năm và cũng đã kết nối “đường dây” thu gom hải sản với nhiều bến cá dọc theo bờ biển từ Phú Yên đến Bình Thuận.

Giữa mùa biển động vậy mà ngày nào nhóm thương lái Trung Quốc cũng gom đủ 1 container (hơn 30 tấn) cá tươi chở sang bên kia biên giới. Quan sát suốt buổi chợ mới thấy họ làm chủ thị trường từ khâu chọn hàng, “cho giá” đến thuê nhân công khuân vác, sơ chế, tổ chức bảo quản và vận chuyển… Lắng nghe cách họ chọn hàng cũng lạ – chỉ mua cá dã cào, nhiều mà rẻ! Chẳng hiểu tại sao cơ quan quản lý thị trường địa phương thả cửa cho người nước ngoài ồ ạt thu mua hải sản và tại sao ngành thuỷ sản buông xuôi, để ngư dân đua nhau sắm lưới dã cào vét trơ đáy biển?

Thương lái Trung Quốc đến tận thuyền mua cá. Ảnh: Bảo Chân

 

“Nhiều mua hết, ít không mua!”

Len lỏi sau cánh rẩu cá đang nôn nao, hấp tấp chờ đôi thuyền dã cào cập sát bờ, tôi có cảm giác cầu cảng tựa như con tàu nhỏ kéo xóm chài đông đúc nhô ra biển. Nép mình phía bắc vịnh Nha Trang, làng cá Vĩnh Lương giống hệt tấm lưới xộc xệch giăng đầu bờ, chờ đàn cá đói mồi bơi lạc. Tất thảy ngư dân thứ thiệt đã mấy đời gắn bó với nơi này cũng chẳng hiểu vì sao đến bây giờ Vĩnh Lương vẫn nghèo. “Cha truyền, con nối” ra biển đánh cá, trong lúc những người anh em ở Vĩnh Thọ, Xương Huân, Vĩnh Nguyên, Vĩnh Trường… đua nhau đóng mới tàu thuyền công suất lớn, mua sắm phương tiện hiện đại để “xa khơi”, ngư dân Vĩnh Lương vẫn cứ nhọc nhằn góp nhặt từng đồng, chỉ mong có được chiếc thuyền nhỏ mưu sinh quanh bờ.

Ông Nguyễn Thanh – suốt một đời làm thuê trên biển – kể: “Phần lớn thuyền nghề ở Vĩnh Lương là hàng cũ sang nhượng lại, phương tiện chắp vá. Mùa biển động, thuyền nhỏ ở trong lộng nương theo con sóng, thả lưới dã cào hốt sạch bầy cá nhỏ”. Tôi hiểu vì sao tháng này, những cảng lớn như Hòn Rớ, Vĩnh Trường… vắng tanh, riêng Vĩnh Lương vẫn tấp nập, rộn ràng. Và, tôi hiểu vì sao thương lái Trung Quốc chỉ túc trực tại Vĩnh Lương để gom hàng.

Phó ban Quản lý cảng cá Vĩnh Lương Nguyễn Thanh Hậu cho hay: “Từ đầu năm đến nay sản lượng cá về cảng xấp xỉ 6.000 tấn, nhóm thương lái Trung Quốc thu mua khoảng 70%. Vụ cá nam, ngày nào họ cũng áp sát thuyền, chọn mua cá hố, cá chim, cá lạt, cá nóc… Biển động, mỗi ngày chỉ có khoảng chục đôi tàu đi và về, lượng cá không nhiều, nhưng giá bán cao hơn nên ai cũng ham; chỉ khi nào nghe tin báo bão, bà con mới neo thuyền ở nhà”.

Theo lời kể của những người chuyên cân, vác thuê tại cảng cá Vĩnh Lương, mấy năm trước người Trung Quốc đến đây xem xét rồi đặt hàng cho đầu nậu người địa phương đứng mua, nhưng 2 năm gần đây họ thuê khách sạn, nhà xưởng tại Nha Trang và trực tiếp xuống bến gom hàng. Thường ngày, hễ lượng cá về nhiều thì thương lái “cho giá” cao hơn đầu nậu khoảng 1.000 – 2.000 đồng/kg, bà con đổ xô bán, rồi lại tức tốc “quay vòng” ra biển. Hàng về nhiều, thương lái thu mua tất tần tật, miễn là con cá lớn hơn 1 ngón tay, nhưng hôm nào cá ít, họ “đóng mặt lạnh” ngó lơ!

Đứng giữa đám thanh niên đang hùng hục kéo thùng cá dưới hầm tàu lên bờ, chẳng cần “chỉ điểm” cũng nhận diện được nhóm “người lạ” toàn là đàn ông trung niên, tóc húi cua, mặc áo thun tém thùng, cặp kè điện thoại di động với chùm chìa khoá lủng lẳng bên hông. Họ chỉ biết đôi câu tiếng Việt, nhưng rất thạo “đường đi, nước bước” và quá sành sỏi chuyện bán buôn. Quan sát suốt buổi “chợ”, tôi nhận thấy trong số 7 – 8 thương lái đang thường trực tại cảng cá Vĩnh Lương, chỉ có 2 người biết tiếng Việt, nhưng ai cũng thuộc tên chủ tàu, số hiệu từng con tàu. Nhìn những người đàn ông tóc húi cua ngồi xổm lật từng sọt cá, nhặt nhạnh, so sánh…, rồi gọi điện thoại “hội ý”, sau đó mới trả giá từng đồng, từng đồng…; tôi có cảm giác “người lạ” không chỉ làm chủ thị trường ở Nha Trang mà còn chi phối cả đường dây thu gom hải sản dọc các tỉnh Nam Trung Bộ.

Trong vai người nhà của một ngư dân, tôi làm quen A Cường và biết rằng mùa này ở Trung Quốc không có cá biển và người Trung Quốc không ăn cá khô, do đó các nhà buôn cử người sang Việt Nam thu mua cá tươi. Về Trung Quốc, cá nguyên liệu được chế biến cùng với rất nhiều loại gia vị rồi xuất bán khắp nơi. A Cường nói: “Ông chủ chúng tôi chỉ mua cá nhỏ, giá rẻ. Tại Nha Trang có thể thuê xưởng đông lạnh chứa được cả trăm tấn. Cá mua từ Phan Thiết, Phan Rang, Sông Cầu… tập trung về “đại bản doanh” Bình Tân (Nha Trang) cấp đông. Biển lặng, mỗi ngày mua được 3 – 4 xe container loại 40 feet (tương đương khoảng 100 – 120 tấn), hiện giờ chỉ gom đủ 1 container/ngày. Hàng nhiều thì mua hết vì giá rẻ, hàng ít đương nhiên là giá cao, nên nhất định không mua”.

 

Thua trên sân nhà

Ông Thảo – chủ thuyền KH 10509 – tâm sự: “Dù thế nào ngư dân cũng “nắm đằng lưỡi”, cá nhiều thương lái Trung Quốc “bắt tay” với các đầu nậu dìm giá xuống, hoặc mua rất nhanh với điều kiện thanh toán “gối đầu” hàng trăm triệu đồng, rồi lặn mất tăm. Cá ít, họ bảo rằng không đủ chuyến hàng, nên không mua; bà con phải hạ giá, kiểu gì cũng phải bán để lấy tiền trả nợ vay từng chuyến. Hơn nữa, mùa biển động cá dã cào bị sóng nhồi bầm giập, tiêu thụ tại chỗ rất chậm, nếu không chấp nhận để thương lái Trung Quốc “cho giá”, thì chỉ có nước làm thức ăn gia súc”.

Trò chuyện với các chủ thuyền, mới hay rằng phương thức khai thác và bảo quản sản phẩm của ngư dân vẫn chưa thoát khỏi lối mòn truyền thống. Vâng, cả nước tập trung khuyến khích đầu tư đóng mới tàu thuyền, trang bị ngư cụ mà chưa địa phương nào quan tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật để bảo quản nguyên liệu sau khai thác. Khánh Hoà là một trong những tỉnh có nghề cá phát triển, nhiều tàu công suất lớn, sản lượng đánh bắt năm sau cao hơn năm trước, nhưng do bảo quản kém nên chỉ có khoảng 40% – 50% tổng sản lượng hải sản đạt tiêu chuẩn chất lượng của các nhà máy chế biến thuỷ sản trong nước.

Ông Võ Thiên Lăng – Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam – phân tích: “Nghịch lý là ở chỗ trong lúc hầu hết nhà máy chế biến thuỷ sản của Khánh Hoà phải nhập khẩu nguyên liệu để duy trì hoạt động, cơ quan quản lý thị trường và chính quyền địa phương vẫn thả cửa cho thương lái Trung Quốc thu mua nguyên liệu thô giá rẻ, đưa về nước chế biến thành sản phẩm tinh rồi xuất ngược lại Việt Nam qua đường tiểu ngạch. Đó là chưa kể, việc họ ồ ạt thu mua cá nhỏ là trực tiếp khuyến khích ngư dân ta phát triển nghề dã cào – nghề nguy hiểm chuyên khai thác ở tầng đáy, đang huỷ diệt nguồn tài nguyên sinh vật biển”.

Còn nhớ 5 năm về trước, Viện Hải dương học Nha Trang từng khuyến cáo ngành thuỷ sản Khánh Hoà nên áp dụng các biện pháp chế tài nhằm hạn chế ngư dân đăng ký nghề dã cào; vậy mà hiện tại toàn tỉnh đã có trên 1.100 phương tiện chuyên nghề dã cào, “cày đi, xới lại” đới ven bờ. Riêng cảng Vĩnh Lương, những ngày cao điểm thường xuyên có hơn 200 đôi thuyền dã cào đầy ắp cá. Hơn ai hết, tất thảy chủ thuyền tận mắt thấy lưới dã cào cuốn trơ bùn đá, kéo theo vô số tôm, cá… nhỏ bằng đầu ngón tay. Nhưng, bắt được bao nhiêu hải sản, thương lái Trung Quốc thu mua hết bấy nhiêu, 2 năm gần đây, tại Khánh Hoà đã có gần 300 tàu câu khơi chuyển sang làm nghề dã. Xin nói thêm, thời điểm này Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản Khánh Hoà đã có kết quả so sánh: Nguồn lợi thuỷ sản ven bờ giảm hơn 50% so với 5 năm trước!

 

“Thả cửa” đến bao giờ?

Theo tài liệu của Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, tổng trữ lượng hải sản ở vùng biển và vùng ven biển nước ta ước khoảng 5,1 triệu tấn/năm, tương ứng với khả năng khai thác cho phép khoảng 2,1 triệu tấn/năm. Trong khi đó năng lực đánh bắt của cả nước đã lên đến 2,27 triệu tấn/năm và hơn 80% phương tiện không đủ năng lực ra khơi. Nhà nghiên cứu biển Nguyễn Tác An – nguyên GĐ Viện Hải dương học Nha Trang – cảnh báo: Năng lực khai thác đã vượt giới hạn bền vững, cơ cấu ngành nghề mất cân đối trước sự gia tăng lối khai thác quá mức. Các nhà khoa học đặc biệt lo ngại tài nguyên sinh vật biển Việt Nam sẽ cạn kiệt trong tương lai gần. Nhưng, ngư dân sẽ không tự bỏ nghề dã cào cho đến khi nào cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương xác định được lộ trình loại bỏ, gắn với chính sách hỗ trợ bà con tìm sinh kế mới thay thế.

Nghị định 90/2007 NĐ-CP và Nghị định 23/2007 NĐ-CP quy định: “Thương nhân nước ngoài không có đại diện tại Việt Nam phải tuân thủ đầy đủ các quy định về hải quan, thuế, cấp phép nhập khẩu, quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động – thực vật”. Theo đó, họ không được tổ chức mạng lưới thu gom hàng hoá tại Việt Nam để xuất khẩu, mà chỉ được đứng tên mở tờ khai, làm thủ tục xuất khẩu.

Tại sao trên biển tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam, thường xuyên bị “tàu lạ” uy hiếp? Tại sao “người lạ” vào nước ta, ung dung đến chợ cá thu gom hàng hoá? Và, tại sao im lặng? Theo đường tiểu ngạch, ít nhất mỗi ngày thương lái Trung Quốc xuất qua biên giới hơn 30 tấn hải sản; nếu tính đúng, tính đủ… chúng ta đã và đang thất thu không biết bao nhiêu tiền thuế. Đó là chưa kể những tổn hại lâu dài đối với tài nguyên, môi trường và cả thói quen “ăn xổi” đeo đẳng lối sống dân ta.

Gần đây, Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thuỷ sản (Vasep) liên tục nhận “thông tin báo động” của hội viên về tình trạng thiếu nguyên liệu nghiêm trọng, trong đó có nguyên nhân bị thương lái Trung Quốc tranh mua hết nguyên liệu. Vasep đã gửi văn bản lên Bộ Công Thương phản ánh tình trạng trên và đề nghị các ngành chức năng can thiệp. Muộn còn hơn không, đã đến lúc chính quyền sở tại và ngành thuỷ sản các địa phương “vào cuộc”, hướng dẫn ngư dân… tự cứu mình!

Bảo Chân

Theo Lao Động

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!