Thuận lợi và khó khăn khi áp dụng tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ TCVN 11041:2017 trong nuôi tôm – lúa hữu cơ tại Cà Mau

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Trong các hình thức nuôi trồng thủy sản hữu cơ thì nuôi tôm hữu cơ kết hợp trên ruộng lúa là một hình thức đang được phát triển mạnh ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang đem lại cho người nông dân cũng như ngành thủy sản Việt Nam những tín hiệu tốt cả về giá trị kinh tế và hướng phát triển lâu dài.

Xu thế sản xuất hữu cơ

Nông nghiệp hữu cơ trên thế giới đến thời điểm hiện tại đã phát triển đến giai đoạn thứ 3 và tiếp tục có những cải tiến nhằm tạo ra nguồn thực phẩm sạch ngày càng được người tiêu dùng trên thế giới quan tâm và sử dụng. Tại Việt Nam trong 10 năm qua đã có những chủ trương, chính sách chuyển đổi và phát triển nông nghiệp hữu cơ mạnh mẽ và đã được Liên đoàn các phong trào nông nghiệp hữu cơ Quốc tế (IFOAM) công nhận là nước có sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Tính đến năm 2019 (theo số liệu thống kê của IFOAM tại FiBL&IFOAM – Organic International 2021: The World of Organic Agriculture), Việt Nam có 174.351 ha nông nghiệp hữu cơ, trong đó nuôi trồng thủy sản hữu cơ là 100.000 ha. Trong các hình thức nuôi trồng thủy sản hữu cơ thì nuôi tôm hữu cơ kết hợp trên ruộng lúa là một hình thức đang được phát triển mạnh ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang đem lại cho người nông dân cũng như ngành thủy sản Việt Nam những tín hiệu tốt cả về giá trị kinh tế và hướng phát triển lâu dài.

Cà Mau là một trong những tỉnh có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và địa hình lý tưởng để phát triển hình thức nuôi tôm – lúa hữu cơ kết hợp. Hiện tại, Cà Mau có khoảng 40.000 ha nuôi tôm – lúa kết hợp, trong đó có khoảng 18.300 ha nuôi tôm càng xanh kết hợp với trồng lúa với các giống lúa chịu được mặn như ST24, ST25 và chủ yếu tập trung phát triển tại các huyện Thới Bình, U Minh, Trần Văn Thời, Cái Nước và TP Cà Mau với năng suất trung bình hiện khoảng 250 kg/ha tôm càng xanh và khoảng 4,3 tấn lúa/ha. Mô hình nuôi này đã khẳng định là mô hình sản xuất tạo ra sản phẩm sinh thái – hữu cơ, chất lượng – sạch, cho giá trị kinh tế cao – được thị trường ưa chuộng và đem lại cho người nông dân thu nhập bình quân từ 25 – 30 triệu đồng/ha/năm.

Đào tạo hướng dẫn áp dụng nông nghiệp hữu cơ cho các hộ dân tham gia tại HTX Lúa – Tôm Trí Lực

Áp dụng tiêu chuẩn quốc gia vào sản xuất

Để bắt kịp xu hướng chuyển đổi và phát triển nông nghiệp hữu cơ thế giới, Chính phủ Việt Nam đã đẩy mạnh các chủ trương, chính sách và đưa ra biện pháp để phát triển nền nông nghiệp hữu cơ Việt Nam trong thời gian qua như đưa ra các chính sách hỗ trợ, xây dựng các quy định nhà nước về nông nghiệp hữu cơ cũng như tiêu chuẩn hóa hoạt động áp dụng sản xuất bằng việc xây dựng và ban hành bộ tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 11041:2017 và chuẩn mực đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 12134:2017. Việc này đã tạo dựng nền tảng chung cho sự phát triển đồng bộ cho nền nông nghiệp hữu cơ Việt Nam vốn phụ thuộc chủ yếu vào việc áp dụng và chứng nhận các tiêu chuẩn nước ngoài do các tổ chức chứng nhận nước ngoài đánh giá; khiến tốn kém chi phí tạo áp lực lớn cho người nông dân trong việc áp dụng và duy trì. Nhiệm vụ khoa học cấp Nhà nước nằm trong khuôn khổ chương trình Quốc gia về năng suất chất lượng “Triển khai áp dụng tiêu chuẩn Quốc gia về Nông nghiệp hữu cơ cho các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam” đã được Bộ Khoa học và Công nghệ giao cho Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (QUACERT) thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chủ trì thực hiện với mục đích chính là khảo sát, lựa chọn, hướng dẫn áp dụng và chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 11041:2017 làm các mô hình điểm từ đó nhân rộng trên toàn quốc.

Hợp tác xã Dịch vụ Sản xuất Lúa – Tôm Trí Lực được hình thành từ việc chuyển đổi từ Tổ hợp tác được cấp mã số Hợp tác xã 2001304798 có trụ sở chính tại ấp 5, xã Trí Lực, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. Đây là một cơ sở có các hộ thành viên là người bản địa, có kinh nghiệm lâu năm trong nuôi tôm trên ruộng lúa với sự liên kết sản xuất chặt chẽ dựa trên sự thống nhất quan điểm và mục đích với mục tiêu là phát triển sản xuất nông nghiệp sinh thái tiến tới nông nghiệp hữu cơ tạo sinh kế lâu bền, cung cấp sản phẩm sạch cho thị trường.

Với các điều kiện phù hợp, Hợp tác xã Dịch vụ Sản xuất Lúa – Tôm Trí Lực đã được thực hiện khảo sát, đánh giá và lựa chọn làm một trong những cơ sở mô hình điểm cho áp dụng và chứng nhận nuôi tôm hữu cơ (quảng canh trên ruộng lúa) phù hợp với tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 11041-1:2017 Nông nghiệp hữu cơ – Phần 1: Các yêu cầu chung đối với sản xuất, chế biến, ghi nhãn sản phẩm Nông nghiệp hữu cơ và tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 11041-8:2018 Nông nghiệp hữu cơ – Phần 8: Tôm hữu cơ.

Thuận lợi

Quá trình khảo sát đã cho thấy, hoạt động nuôi tôm quảng canh trên ruộng lúa tại các hộ dân thuộc Hợp tác xã có lịch sử sản xuất sạch, không sử dụng các loại vật tư, hóa chất có nguồn gốc hóa học trong nhiều năm. Đất trồng lúa, nước nuôi tôm và sản phẩm tôm nuôi (tôm càng xanh và tôm sú) thông qua kết quả phân tích mẫu cho thấy không có tồn dư hóa chất độc hại cũng như không được phép sử dụng trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ (theo các phụ lục của bộ tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 11041:2017 và các quy định khác liên quan). Bên cạnh đó, độ phì đất trồng lúa và chất lượng nước nuôi tôm ổn định cũng là điều kiện lý tưởng cho việc áp dụng nuôi tôm hữu cơ đáp ứng các yêu cầu liên quan của tiêu chuẩn. Ruộng lúa của các hộ trong hợp tác xã được quy hoạch khá đồng bộ và liền kề nhau tạo điều kiện giảm thiểu việc hình thành vùng đệm ngăn cách với các hộ sản xuất khác không áp dụng sản xuất hữu cơ. Đối với các hộ có phần giáp với hộ không sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ao nuôi tôm đều có bờ bao rộng, có thảm thực vật tự nhiên hoặc được trồng xen canh đảm bảo được yêu cầu che chắn các nguồn ô nhiễm từ xung quanh. Hệ thống kênh, ngòi dẫn nước tại khu vực này cung cấp nước nuôi cho các hộ gần như không bị ảnh hưởng bởi các nguồn ô nhiễm đặc thù như khu công nghiệp, các cơ sở chế biến nông sản, thực phẩm, các nguồn thải từ bệnh viện, khu giết mổ đã đảm bảo tính ổn định về chất lượng và sự an toàn cho nuôi tôm hữu cơ. Đây là những thuận lợi to lớn cho các hộ nuôi tôm của Hợp tác xã Dịch vụ Sản xuất Lúa – Tôm Trí Lực thực hiện áp dụng, chuyển đổi sang nuôi tôm quảng canh hữu cơ trong ruộng lúa.

Khó khăn

Đối với hoạt động áp dụng, chuyển đổi và chứng nhận nuôi tôm hữu cơ, nguồn con giống tôm hữu cơ là bài toán khó khăn và nan giải nhất đối với người nuôi tôm. Hiện tại, Việt Nam chưa có cơ sở nào cung cấp được con giống tôm càng xanh cũng như tôm sú hữu cơ cho người nuôi tôm hữu cơ để đáp ứng yêu cầu của tiêu chuẩn. Đây là thách thức đối với ngành thủy sản trong quá trình thúc đẩy phát triển và nhân rộng hình thức nuôi thủy sản hữu cơ theo chủ trương của Chính phủ đã đặt ra. Đối với người nuôi tôm hữu cơ, thay vào việc tìm được nuồn giống tôm hữu cơ, họ phải mua tôm giống có nguồn gốc, chất lượng tốt, sạch bệnh và phải thực hiện nuôi hữu cơ tối thiểu 95% vòng đời của nó trước khi thu hoạch và xuất bán là tôm hữu cơ thì mới đáp ứng yêu cầu của tiêu chuẩn. Đây là một thách thức lớn vì nó liên quan đến tính mùa vụ trong năm với thói quen canh tác 2 tôm – 1 lúa hiện nay tại vùng canh tác của xã Trí Lực. Các hộ nuôi phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất truyền thống của mình, cân đối lại mục tiêu, lựa chọn đối tượng chủ lực để đảm bảo tuân thủ đầy đủ yêu cầu của tiêu chuẩn.

Nuôi tôm quảng canh hữu cơ trong ruộng lúa thì việc lựa chọn và sử dụng các thức ăn, vật tư vừa phù hợp với đặc tính vừa cung cấp đủ dinh dưỡng vừa đảm bảo tính toàn vẹn hữu cơ cũng là một vấn đề rất quan trọng và gặp nhiều khó khăn. Hiện tại, các hoạt động phụ trợ cho nuôi tôm hữu cơ mới được một số doanh nghiệp trong nước triển khai nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn vật tư nhập khẩu để giảm chi phí sản xuất. Hợp tác xã phải tìm hiểu và hợp tác với các doanh nghiệp lớn trong vùng như Tập đoàn Thủy sản Minh Phú với hình thức hỗ trợ cung cấp các loại vật tư phục vụ nuôi tôm hữu cơ và bao tiêu sản phẩm đầu ra làm nguyên liệu sản xuất các sản phẩm chế biến phục vụ xuất khẩu vào các thị trường lớn trên thế giới. Hiện tại, trên thị trường có nhiều loại vật tư, hóa chất thương mại được bán với thông tin hữu cơ nhưng với sự hiểu biết có giới hạn của người nông dân thì việc nhận biết được hoạt chất chính có được phép sử dụng hay không, nguyên liệu có đảm bảo tính hữu cơ hay không là một vấn đề khó khăn cần đến sự hỗ trợ cả về kiến thức lẫn chuyên môn của các cơ quan chuyên môn, cán bộ địa phương và cán bộ kỹ thuật của các doanh nghiệp hợp tác.

Cánh đồng tôm – lúa hữu cơ

Với sự hỗ trợ của nhiệm vụ khoa học cấp nhà nước, sự hỗ trợ của các chính quyền và cơ quan chuyên môn các cấp, Hợp tác xã Dịch vụ Sản xuất Lúa – Tôm Trí Lực đã được đào tạo nhận thức chung về bộ tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 11041:2017, xây dựng hệ thống tài liệu và biểu mẫu phục vụ nuôi tôm hữu cơ và triển khai áp dụng bộ tiêu chuẩn vào nuôi tôm quảng canh hữu cơ trên ruộng lúa từ tháng 10/2020. Quá trình áp dụng cho thấy, các hộ nuôi của Hợp tác xã với vốn kinh nghiệm sản xuất lúa – tôm sinh thái lâu năm đã hiểu và nắm bắt nhanh được các yêu cầu đặc thù của bộ tiêu chuẩn, cơ bản triển khai đầy đủ các quy trình do Hợp tác xã ban hành vào thực tiễn. Tuy nhiên, với đặc thù là người nông dân vốn chỉ quan tâm, tập trung vào sản xuất nên việc ghi chép nhật ký sản xuất, lịch sử mùa vụ làm căn cứ truy xuất nguồn gốc và chứng minh tính toàn vẹn hữu cơ gặp khó khăn. Việc này đã được Ban lãnh đạo Hợp tác xã nắm bắt và có cơ chế giám sát, nhắc nhở các hộ duy trì tốt hơn.

Với hoạt động nuôi trồng thủy sản nói chung cũng như nuôi tôm hữu cơ nói riêng thì việc kiểm soát môi trường nuôi là một vấn đề phức tạp, khó khăn và gặp hiều thách thức lớn trong tình hình biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng như hiện nay. Năm 2020, vùng nuôi của các hộ trong Hợp tác xã bị đợt lụt khiến nhiều cơ sở nuôi bị nước ngập tràn bờ vào ao nuôi, ruộng lúa gây thiệt hại cả về tôm và lúa. Các hộ thành viên của Hợp tác xã không bị ảnh hưởng bởi đợt lụt này nhưng qua khảo sát thực tế thì một số vũng bờ bao của các hộ nuôi chưa được duy tu và cải tạo thường xuyên nhằm đảm bảo sự chắc chắn và ngăn chặn được thiên tai, lũ lụt. Thêm vào đó, sự thay đổi và thất thường của khí hậu trong năm cũng ảnh hưởng lớn đến kết quả nuôi của các hộ như ảnh hưởng của hạn mặn ngày càng gia tăng hay mưa lớn thất thường và kéo dài cũng là các yếu tốt khiến cho việc duy trì nuôi hữu cơ khó khăn hơn rất nhiều. Đây là sự cảnh báo lớn cho việc thích ứng và ngăn chặn ảnh hưởng của thiên tai đến nuôi tôm hữu cơ; bởi khi bị xâm nhập nguồn ô nhiễm từ bên ngoài thì các hộ phải quay lại thời gian chuyển đổi sẽ làm gián đoạn quá trình nuôi tôm hữu cơ, mất thời gian, công sức và tiền bạc gây thiệt hại trên nhiều khía cạnh.

Sau quá trình áp dụng khoảng 3 tháng, đến tháng 1/2021, Hơp tác xã Dịch vụ Sản xuất Lúa – Tôm Trí Lực đã được Trung tâm Chứng nhận Phù hợp cử đoàn chuyên gia đến đánh giá nhằm xác nhận hoạt động áp dụng chuyển đổi sang nuôi tôm quảng canh hữu cơ trong ruộng lúa theo bộ tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 11041:2017. Kết quả đánh giá xác nhận Hợp tác xã đã đủ điều kiện chuyển đổi sang nuôi tôm quảng canh hữu cơ nếu kiên trì và thống nhất điều chỉnh vụ nuôi nhằm đảm bảo nuôi tôm càng xanh đủ thời gian 95% vòng đời hữu cơ do hiện tại chưa thể có nguồn tôm giống hữu cơ.

Kết quả, kiến nghị

Như vậy, từ mô hình nuôi tôm càng xanh quảng canh trong ruộng lúa của Hợp tác xã Dịch vụ Sản xuất Lúa – Tôm Trí Lực cho thấy, các hộ nông dân nuôi trồng thủy sản hoàn toàn có thể áp dụng, chuyển đổi, duy trì và chứng nhận phù hợp với bộ tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 11041:2017 nếu lựa chọn được đúng vùng sản xuất, đối tượng nuôi, hình thức nuôi phù hợp, có nguồn con giống đáp ứng yêu cầu; kết hợp tốt và được hỗ trợ tốt từ các cơ quan chuyên môn, các doanh nghiệp liên quan tạo thành chuỗi sản xuất gia tăng giá trị.

Bên cạnh đó, Nhà nước và Chính phủ cần thúc đẩy phát triển các hoạt động phù trợ cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ nói chung cũng như nuôi thủy sản hữu cơ nói riêng nhằm cung cấp cho hộ nuôi các loại vật tư nội địa phù hợp, đảm bảo ổn định, có nguồn gốc và giảm thiểu chi phí sản xuất. Việc luôn luôn đảm bảo duy trì cơ sở hạ tầng chống chịu và ngăn chặn được tối đa ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu cũng cần được các hộ nuôi nhìn nhận và đầu tư thương xuyên xứng đáng nhằm duy trì liên tục tính toàn vẹn hữu cơ cho vùng nuôi đã hình thành, chuyển đồi và được chứng nhận. Các thông tin, kiến thức và kinh nghiệm về nuôi tôm hữu cơ cũng cần được thường xuyên cập nhật để các hộ nuôi nắm bắt kịp mọi xu hướng, thay đổi liên quan để nhanh chóng thay đổi và thích ứng.

Ths Nguyễn Thị Hải Xuân; Ths Bùi Khánh Tùng; Ths Đoàn Trung Dũng

Trung tâm Chứng nhận Phù hợp – Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng – Bộ Khoa học và Công nghệ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!