Thức ăn trong NTTS

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hỏi: Có những loại thức ăn nào cho thủy sản?

(Nguyễn Thanh Hải, xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình)

Trả lời:

Các loại thức ăn thủy sản phổ biến hiện nay được chia thành 4 loại chính: thức ăn tự nhiên, thức ăn tươi sống, thức ăn tự chế, thức ăn công nghiệp.

Thức ăn tự nhiên: Là những cơ thể sinh vật sống và phát triển tự nhiên (hoặc được nuôi trong hệ thống nuôi dùng làm thức ăn cho động vật thủy sản (như các loài rong tảo và các sinh vật phù du động vật). Thức ăn tự nhiên rất quan trọng đối với nhiều loài cá, giáp xác và thân mềm, đặc biệt ở giai đoạn đầu đời do chúng có kích thước nhỏ phù hợp với kích cỡ miệng của ấu trùng và rất giàu dinh dưỡng.

Thức ăn công nghiệp (thức ăn khô hay thức ăn viên): Có 2 loại gồm thức ăn viên chìm sử dụng chủ yếu nuôi giáp xác và thức ăn nổi dùng cho cá. Thông thường, thức ăn công nghiệp sẽ được bổ sung các vitamin, khoáng chất giúp cải thiện khả năng tiêu hóa, bảo vệ và tăng cường hệ vi sinh đường ruột, khả năng miễn dịch tự nhiên giúp tôm cá khỏe mạnh và nâng cao tỷ lệ sống. Ngoài ra, trong thức ăn còn có chất dẫn dụ tạo mùi vị hấp dẫn kích thích tôm, cá bắt mồi từ đó làm giảm lượng thức ăn thừa trong ao.

Thức ăn tươi sống: Là các loại động vật tươi làm thức ăn như tôm, cá tạp, ốc, cua,…có thể chăn nuôi xen kẽ để làm thức ăn cho những động vật có giá trị kinh tế cao như: baba, lươn, cá lăng, cá trình,…

Thức ăn tự chế: Là thức ăn do người nuôi tự phối chế chủ yếu từ các nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương, quy trình chế biến đơn giản, chi phí thấp, giúp tận dụng các phụ phẩm hay các nguyên liệu sẵn có, chủ động sản xuất. Tuy nhiên, thức ăn tự chế do không có chất kết dính, độ ẩm cao nên thường bị tan rã trong nước trước khi được tôm cá ăn, dễ gây ô nhiễm nước.

Hỏi: Khi sử dụng thức ăn công nghiệp cho cá thì cần lưu ý những vấn đề gì?

(Phạm Văn Trí, xã Sơn Giang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh)

Trả lời:

Tùy từng loại cá thì tập tính ăn sẽ khác nhau, nên cần lưu ý để cá bắt mồi tốt:

– Đối với cá chép, rô phi, điêu hồng, cá chim, cá tra, cá chạch bùn,… : ăn mạnh vào tầng mặt và tầng giữa nên chọn các loại thức ăn dạng viên nổi để giúp cá ăn tốt.

– Đối với lươn, cá trê, thát lát, tai tượng…: ăn mạnh về thức ăn dạng chìm do tập tính của vật nuôi sống ở tầng đáy.

Khi cá bị stress thì độ tiêu hóa thức ăn giảm rất nhiều. Do đó, đối với cá bị bệnh và yếu thì cần giảm lượng thức ăn từ 30 – 50% để tránh tình trạng dư thừa và cá không tiêu hóa được.

Khi cá khỏe có thể cho ăn vượt định mức để giúp cá tăng trưởng nhanh.

Môi trường bị ô nhiễm, nhiều vi khuẩn có hại sẽ phát triển, làm cá bệnh và stress, khả năng ăn của cá giảm theo.

Hoạt tính enzyme tiêu hóa của cá thay đổi rất nhiều khi nhiệt độ biến đổi. Khi nhiệt độ tăng, các enzyme tiêu hóa của cá có khuynh hướng tăng lên và hoạt tính cũng mạnh hơn. Do đó khi nhiệt độ cao cần tăng lượng thức ăn lên vì cá sẽ bắt mồi tốt hơn, trao đổi chất mạnh hơn và tăng trưởng nhanh hơn so với nhiệt độ xuống thấp. Còn khi nhiệt độ xuống thấp nên giảm lượng ăn xuống

pH trong nước vượt ngưỡng cho phép cũng ảnh hưởng đến sức ăn của cá, do đó khi pH biến động mạnh nên giảm lượng ăn cho cá. Nuôi trong ao nhỏ hoặc lớn cần rải cho ăn đều khắp ao để đảm bảo cá có thể ăn đủ và đều.

Còn đối với các lồng nuôi, khi cho cá ăn cần chú ý dòng chảy, tránh tình trạng thức ăn trôi ra ngoài mà cá không được ăn.

Ban KHKT

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!