(TSVN) – Sáng 28/4, Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Thành ủy Cần Thơ tổ chức “Hội nghị toàn quốc về thúc đẩy công tác chế biến và phát triển thị trường nông sản năm 2021”.
Hội nghị này là hoạt động thiết thực của ngành nông nghiệp triển khai nhanh chóng Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII vào cuộc sống và tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch cơ cấu lại nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2025 tập trung vào giá trị gia tăng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 25/2/2021.
Hội nghị toàn quốc đầu tiên tập trung chuyên sâu vào một trong những động lực và dư địa then chốt của tái cơ cấu nông nghiệp
Hội nghị đánh giá tổng quan lĩnh vực chế biến và phát triển thị trường nông sản trong bối cảnh mới đan xen nhiều thách thức và cơ hội. Đặc biệt, trong sự biến đổi linh hoạt và nhanh chóng xu thế công nghệ chế biến của thế giới. Vấn đề ứng dụng công nghệ số vào tối ưu hóa sản xuất, tài nguyên trong chế biến nông sản của thế giới và hướng tiếp cận với Việt Nam. Áp dụng chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong công nghệ sau thu hoạch nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông sản xuất khẩu.
Hội nghị trình bày những vấn đề đặt ra trong bảo quản chế biến nông sản
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, nguồn cung sản lượng nông sản hàng năm của Việt Nam là trên 48 triệu tấn lúa và bắp; 4,58 triệu tấn cây công nghiệp lâu năm; 8,4 triệu tấn thủy sản; 26,8 triệu tấn rau quả; 6,5 triệu tấn thịt, sữa; 13,8 triệu quả trứng gia cầm; 20,5 triệu m3 gỗ.
Việt Nam có tổng số trên 7.500 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản với quy mô công nghiệp và có bước tiến vượt bậc trong thời gian gần đây. Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng từ 30,14 tỷ USD năm 2015 lên 41,25 tỷ USD năm 2020, trong đó thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam là Mỹ chiếm 26,2%, Trung Quốc 24,6%, còn lại là các thị trường khác.
Cũng theo ông Nguyễn Quốc Toản, để thúc đẩy chế biến và phát triển thị trường nông sản trong thời gian tới một cách hiệu quả cần cơ cấu lại nông nghiệp tập trung giá trị gia tăng. Xác lập tư duy thị trường để thích ứng bối cảnh thị trường, đổi mới trong từng công đoạn nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông sản, giảm chi phí, tăng hiệu năng chuỗi logistics để phục vụ kinh doanh nông nghiệp.
Chế biến xuất khẩu cá tra ở ĐBSCL
Xây dựng hệ thống cung ứng nông sản dựa trên nền tảng logistics hiện đại tại Việt Nam, tìm thêm thành tố mới, dư địa mới để gia tăng giá trị nông sản đồng thời liên kết tạo dựng nền công nghiệp chế biến nông sản đồng bộ, hiện đại.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan yêu cầu hội nghị toàn quốc về chế biến và thị trường nông sản cần tổ chức định kỳ hàng năm, luân phiên tại các địa phương để thúc đẩy chế biến, bảo quản và thị trường nông sản của từng vùng kinh tế nông nghiệp trọng điểm, từng địa phương. Đây là diễn đàn đối thoại chính sách, tham vấn chính sách và cập nhật các xu hướng mới, để chúng ta cùng tiếp cận, cùng chia sẻ, cùng hợp tác và tổ chức thực hiện tốt, nâng cao chuỗi giá trị nông sản Việt trong thời gian tới.