Thúc đẩy đối mới sáng tạo nông nghiệp vì khí hậu

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Từ ngày 8 – 10/5, Hội nghị Thượng đỉnh Sứ mệnh đổi mới nông nghiệp vì khí hậu (AIM4C) do Mỹ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đồng chủ trì diễn ra tại tại Washington, Mỹ; với sự tham dự của gần 1.000 nhà lãnh đạo nông nghiệp, nhà sản xuất, các nhóm xã hội dân sự, các nhà khoa học, nghiên cứu khắp thế giới. Đây là sáng kiến do Mỹ và UAE đề xướng năm 2021, trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP26).

Chia sẻ tại AIM4C, Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Tom Vilsack đã công bố các nguồn đầu tư, đối tác và nguồn lực mới để chuẩn bị cho sáng kiến AIM4C tại COP28. Về đầu tư, các đối tác đã tăng đầu tư đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp thông minh với khí hậu và hệ thống lương thực, thực phẩm lên hơn 13 tỷ USD, vượt qua mục tiêu 10 tỷ USD được đề ra tại COP27. Về các sáng kiến nước rút cho đổi mới sáng tạo, có thêm 21 sáng kiến mới trị giá khoảng 1,8 tỷ USD trong lĩnh vực này. Cùng với đó là sự tham gia của nhiều đối tác mới, như: Argentina, Fiji, Guatemala, Panama, Paraguay, Sri Lanka…

Các dự án đang được triển khai trong khuôn khổ sáng kiến AIM4C bao gồm phát triển các loại phân bón mới và “xanh” hơn khi sử dụng ít nhiên liệu hóa thạch trong quá trình sản xuất. Các biện pháp “nông nghiệp tái tạo” cũng được áp dụng nhằm khôi phục đa dạng sinh học của đất, qua đó cải thiện năng suất, giảm nhu cầu phân bón. Trong khi đó, các thiết bị trí tuệ nhân tạo đang được phát triển với khả năng lấy dữ liệu từ các nguồn khác nhau như vệ tinh, cảm biến mặt đất…, giúp ước tính chính xác mức độ carbon của vùng đất canh tác, từ đó hỗ trợ người nông dân cải thiện chất lượng đất.

Đại diện Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Sứ mệnh đổi mới nông nghiệp vì khí hậu (AIM4C). Ảnh: ST

Tại cuộc họp, các nước đều thống nhất nông nghiệp và hệ thống lương thực, thực phẩm là một phần tất yếu trong ứng phó với biến đổi khí hậu và bền vững môi trường toàn cầu. Đã đến lúc cần chuyển đổi mạnh mẽ tư duy để nhìn nhận nông nghiệp và hệ thống lương thực, thực phẩm là giải pháp chứ không phải là vấn đề đối với biến đổi khí hậu. Đồng thời, các nước cần có hành động cụ thể để thúc đẩy đối mới sáng tạo nông nghiệp vì khí hậu. Cam kết chính trị của các quốc gia và đổi mới sáng tạo nông nghiệp chính là tài nguyên tái tạo quan trọng nhất cho phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đại diện các quốc gia đều thống nhất đề xuất đưa hệ thống nông nghiệp và lương thực, thực phẩm là cấu phần quan trọng trong Hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu về Biến đổi khí hậu sẽ diễn ra tại UAE vào tháng 11/2023.

Tham dự phiên họp đặc biệt này, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, đại diện cho Bộ NN&PTNT đã kêu gọi các quốc gia cùng hành động kịp thời để chuyển đổi hệ thống nông nghiệp và lương thực, thực phẩm vì khí hậu. Ông Tuấn cho biết, tất cả chúng ta đều chia sẻ chung một hành tinh, một sức khỏe, một hệ thống lương thực phẩm, một năng lực tái tạo và một thịnh vượng. Chính phủ Việt Nam đã có cam kết mạnh mẽ và hành động cụ thể để triển khai các cam kết này có trách nhiệm như Cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Cam kết giảm phát thải khí mê tan toàn cầu, Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất. 

Đại diện Bộ NN&PTNT khẳng định, Việt Nam đánh giá cao và ủng hộ Sáng kiến đổi mới sáng tạo nông nghiệp vì khí hậu do Mỹ và UAE khởi xướng, cũng như Sáng kiến gần đây do Mỹ khởi xướng về Liên minh hành động “Thúc đẩy tăng trưởng năng suất bền vững cho an ninh lương thực và bảo tồn tài nguyên” (SPG). Việc thực hiện các cam kết quốc tế nêu trên phù hợp với chủ trương, đường lối phát triển bền vững của Việt Nam. Theo ông Tuấn, phát triển nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực là một trong những trụ cột của Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030, trong đó Việt Nam ưu tiên phát triển nông nghiệp sinh thái, phát thải thấp và thích ứng với khí hậu gắn với cải thiện sinh kế cho cư dân nông thôn. Gần đây, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt “Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi Hệ thống lương thực, thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030”, nhằm đạt được đầy đủ các mục tiêu phát triển bền vững. 

Đại diện của Việt Nam cũng nêu rõ sự cần thiết phải hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia và các bên liên quan trong các hệ thống nông nghiệp để thúc đẩy nông nghiệp sáng tạo và thông minh với khí hậu, đóng góp vào an ninh lương thực toàn cầu, phục vụ lợi ích của cả người sản xuất và tiêu dùng cũng như các nước xuất khẩu và nhập khẩu lương thực, thực phẩm. Trong khi đó, các bên vẫn cần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và giảm lượng khí thải các bon.

Ngọc Anh

>> Việt Nam đã tham gia có trách nhiệm tại Hội nghị Thượng đỉnh Hệ thống lương thực, thực phẩm của Liên hợp quốc năm 2021 và vừa đăng cai tổ chức thành công Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 Hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững tại Hà Nội từ ngày 24 - 27/4/2023. Việt Nam đang làm việc với các đối tác quốc tế để đóng vai trò tiên phong trong chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm.

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!