(TSVN) – Ngày 30/3, tại Bạc Liêu, Cục Thủy sản, Hội Thủy sản Việt Nam, Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu, Tổ chức Oxfam tại Việt Nam, Trung tâm Hợp tác quốc tế và nuôi trồng thủy sản bền vững (ICAFIS), cùng Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy mô hình tôm – lúa và liên kết doanh nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long”.
Tham dự hội thảo còn có Sở NN&PTNT các tỉnh, các Viện, Trường, Chi cục thủy sản và Trung tâm khuyến nông các tỉnh, các tổ chức xã hội dân sự, các doanh nghiệp trong ngành tôm và lúa gạo cùng đại diện nông dân vùng tôm lúa tại ĐBSCL…
Theo Cục Thủy sản, năm 2022, diện tích nuôi tôm – lúa ước đạt gần 190.000 ha, chủ yếu tập trung tại các tỉnh như: Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang… với sản lượng đạt khoảng 120.000 tấn tôm thương phẩm với đối tượng chủ lực là tôm sú. Lợi nhuận bình quân của mô hình tôm lúa từ 60 – 70 triệu đồng/ha/năm. Tuy nhiên, mô hình này cũng đang gặp nhiều khó khăn, như: Thiếu hệ thống thủy lợi, kỹ thuật canh tác chưa tối ưu, chưa xây dựng được thương hiệu, chưa phát triển được thị trường tiêu thụ ổn định… Ngoài ra, nguồn con giống chưa chủ động phải nhập từ nơi khác về; việc kiểm soát chất lượng con giống còn hạn chế nên vẫn còn một lượng lớn giống trôi nổi chưa được kiểm soát.
Tại Hội thảo còn có các tham luận chuyên sâu về: Canh tác lúa bền vững tại vùng tôm lúa; hiệu quả và tính bền vững môi trường và kinh tế trong mô hình tôm lúa; mô hình hợp tác liên kết sản xuất lúa hữu cơ trong hệ thống tôm lúa tại vùng ĐBSCL; phát thải khí CO2 trong sản xuất tôm lúa… Các đại biểu đều có chung nhận định, tôm lúa là hướng phát triển bền vững ở ĐBSCL, thông qua tính hiệu quả của mô hình đã được kiểm chứng và thừa nhận trong thực tế. Tuy nhiên, khả năng nhân rộng mô hình phụ thuộc trước hết vào phương án phát triển lúa – tôm và kế hoạch đầu tư công của các địa phương trong thời gian tới, sự tham gia của doanh nghiệp với vai trò đầu tàu dẫn dắt chuỗi cung ứng tôm – lúa.
Hội thảo “Thúc đẩy mô hình tôm – lúa và liên kết doanh nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long” được tổ chức ngày 30/3 tại tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Phan Thanh Cường
Các diễn giả, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân đã chia sẻ những kết quả, bài học kinh nghiệm, cùng những đề xuất, kiến nghị nhằm thúc đẩy phát triển mô hình tôm – lúa bền vững. các đại biểu đặc biệt quan tâm đến vấn đề đầu tư cơ sở hạ tầng; xây dựng các liên kết giữa doanh nghiệp và hợp tác xã sản xuất; chi phí cho việc tư vấn và chứng nhận quốc tế đáp ứng yêu cầu thị trường.
Ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu, cho biết: tỉnh đang tập trung xây dựng nhãn hiệu chứng nhận Tôm sạch Bạc Liêu trong vùng sản xuất tôm – lúa để hướng tới phát triển thương hiệu “lúa thơm – tôm sạch” với diện tích 60.000 ha. Tuy nhiên, nông dân còn ngại thay đổi, chưa mạnh dạn đầu tư và cùng với đó là những thách thức cho việc ứng dụng khoa học – công nghệ khi mà hiện trạng đất đai, hạ tầng phục vụ sản xuất, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún…
Tôm lúa là một hình thái canh tác đặc thù của vùng ĐBSCL đã được đông đảo các bạn bè quốc tế biết đến. Mô hình không chỉ thích ứng với BĐKH; còn giúp giảm nhẹ thiệt hại trước BĐKH và đặc biệt là rất phù hợp cho việc canh tác theo các tiêu chuẩn sinh thái, hữu cơ. Tuy nhiên, mô hình sản xuất còn chưa đạt được những thành quả tương xứng, người sản xuất còn gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, liên kết giữa doanh nghiệp và người dân chưa có hoặc chưa chặt chẽ. Do đó, hội thảo lần này sẽ giúp các bộ, ngành, địa phương và các bên liên quan có cái nhìn rõ ràng hơn không chỉ về những tiềm năng, lợi thế mà còn cả khó khăn, thách thức để từ đó có những giải pháp phát huy hơn nữa hiệu quả của mô hình.
Xuân Trường