T5, 31/08/2023 10:00

Thúc đẩy sản xuất thủy sản trong thời gian tới

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Sáng ngày 31/8, Bộ trưởng Lê Minh Hoan, các đơn vị trực thuộc Bộ, và Hội Nghề cá Việt Nam đã có buổi làm việc tại trụ sở Bộ NN&PTNT. Tại đây, Hội nghề cá đã đề xuất những kiến nghị thúc đẩy sản xuất thủy sản trong thời gian tới.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, mục đích buổi họp nhằm lắng nghe những chia sẻ của Hội Nghề cá Việt Nam trên các lĩnh vực nuôi trồng, khai thác, bảo tồn, cách thức để góp phần phát triển nghề cá bền vững. Bộ trưởng Hoan đánh giá cao hoạt động các hội nghề nghiệp, những đóng góp, tư vấn cho Bộ NN&PTNT để đưa ra các chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn. Là cầu nối không gian giữa các cấp quản lý nhà nước với ngư dân, Hội Nghề cá Việt Nam cần xác định yếu tố nghề cá, người làm nghề cá là trung tâm, là trọng tâm cho các đề xuất, kiến nghị thúc đẩy sản xuất thủy sản.

Hội Nghề cá Việt Nam đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan và các đơn vị trực thuộc Bộ. Ảnh: Vũ Mưa

Những hoạt động tích cực

Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam cho biết, thời gian qua Hội Nghề cá Việt Nam luôn chủ động và tích cực trong hoạt động bảo vệ quyền lợi chính đáng cho hội viên và nông ngư dân và đưa các chính sách của Nhà nước vào thực tiễn sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển ngành thủy sản; Kịp thời lên tiếng phản đối các hành vi của nước ngoài xâm phạm đến các quyền và lợi ích của ngư dân ta trên biển Đông; kiến nghị cơ quan chức năng Việt Nam, các tỉnh, thành hội tăng cường hỗ trợ cho ngư dân khai thác trên biển. Hỗ trợ, động viên ngư dân bám biển khai thác hiệu quả.

Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam phát biểu tại buổi họp. Ảnh: Vũ Mưa

Hội Nghề cá Việt Nam có nhiều hoạt động tại cơ sở hướng dẫn các cấp Hội tổ chức phổ biến, quán triệt, tuyên truyền các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu EC và các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ NN&PTNT đến hội viên và ngư dân triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp tháo gỡ “thẻ vàng” mà Bộ NN&PTNT đã đề ra. Phối hợp với cơ quan quản lý thủy sản và chính quyền các địa phương ven biển theo dõi công tác triển khai thực hiện chống khai thác IUU. Yêu cầu hội viên và ngư dân tuân thủ các biện pháp quản lý bắt buộc theo đúng các quy định của pháp luật, không vi phạm vùng biển các nước để đánh bắt hải sản trái phép, thực hiện tốt việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm khai thác, thực hiện nghiêm các quy định về quản lý và xử lý vi phạm của tàu cá. Phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương xây dựng cơ cấu các nghề khai thác hợp lý, đẩy mạnh chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, tăng cường đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng; củng cố bộ máy quản lý cảng cá và công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phòng chống thiên tai, bão lũ, phòng cháy chữa cháy trên tàu cá.

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản phát biểu tại buổi họp. Ảnh: Vũ Mưa

Hội đã chủ động tham gia phản biện, góp ý vào các chủ trương chính sách của Nhà nước, trực tiếp phản ánh, chuyển tải những khó khăn vướng mắc trong sản xuất, kiến nghị đến cơ quan chức năng kịp thời giải quyết, nhất là lĩnh vực về phát triển kinh tế biển, chống khai thác IUU, bảo tồn biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo… tham gia phản biện các đề án quy hoạch về thủy sản.

Hội đã tổ chức thành công Hội chợ Triễn lãm công nghệ ngành Tôm Việt Nam lần thứ 4 “Vietshrimp 2023” tại Cần Thơ vào tháng 4/2023. Tổ chức diễn đàn công nghệ ngành Tôm Việt 2023 tại Bạc Liêu. Đặc biệt, Hội đã phối hợp với Bộ NN&PTNT và các đơn vị khác tổ chức sự kiện Hội nghị Thượng đỉnh quốc tế về tôm… Đây là những hoạt động lớn góp phần đẩy mạnh hợp tác chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ, quảng bá thương hiệu thủy sản, xúc tiến thương mại, hỗ trợ sản xuất tiêu thụ sản phẩm thủy sản Việt Nam trong và ngoài nước.

Vẫn nhiều khó khăn

Hiện nay, ngành thủy sản đang đối mặt với nhiều khó khăn cả trong sản xuất và xuất khẩu thủy sản. Về khai thác, nguồn lợi hải sản, nhất là ven bờ suy giảm, diễn biến thời tiết phức tạp, chi phí sản xuất tăng, trong khi hiệu quả sản xuất còn thấp. Việc ứng dụng tiến bộ công nghệ, kỹ thuật vào lĩnh vực khai thác hải sản nhất là trong bảo quản sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch trên tàu cá còn chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Việc Ủy bản châu Âu EC tiếp tục giữ cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam đã tác động không nhỏ đến hoạt động khai thác hải sản. Nhiều tàu khai thác hải sản xa bờ phải nằm bờ, giảm sự hiện diện dân sự của ngư dân và tàu cá trên các vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.

Ông Nguyễn Tử Cương, Trưởng Ban phát triển thủy sản bền vững, Hội Nghề cá Việt Nam đóng góp ý kiến tại buổi họp. Ảnh: Vũ Mưa

Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam Nguyễn Chu Hồi cho biết, đồng quản lý nghề cá ở nước ta đã có nhưng đến nay chưa hiệu quả, vẫn nằm trên hội nghị, hội thảo. Mô hình này tập trung vào ngư dân, lấy ngư dân làm gốc song còn bỏ qua khía cạnh do dân. Ngoài ra cần giải quyết đồng bộ ba vấn đề ngư dân, ngư nghiệp, ngư trường. Đồng quản lý chưa thể chế hóa, cần khuôn khổ chính sách cho ngư dân, nên mạnh dạn làm ở mức độ thí điểm, bắt đầu bằng những mô hình, thực tiễn nhỏ, vừa thực hiện vừa khắc phục. Thực hiện điều này vị thế của nghề cá Việt Nam sẽ được nâng tầm. Để làm được điều đó, Hội Nghề cá Việt Nam có vai trò đồng hành cùng ngư dân, hướng tới nghề cá bền vững, có trách nhiệm.

Ông Hoàng Đình Yên, Tổng Thư ký Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng: Mặc dù Việt Nam đã triển khai chống đánh bắt thủy sản IUU 6 năm nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Trước đây, chúng ta buông lỏng nghề nên phát triển nghề cá tự phát, nghề nghiệp do ngư dân chủ yếu tự quyết, nên phát triển không cân đối, sản lượng khai thác vượt xa nguồn lợi. Quản lý bất cập, từ các tỉnh đến các cơ sở, từ cơ sở vật chất đến nhân lực. Quá trình triển khai như vậy, chúng ta quyết liệt nhưng có nhiều nội dung chưa đúng lúc. Hoạt động tuyên truyền nhiều nhưng người cần được tuyên truyền lại không phải người tham dự; thuyền trưởng, kỹ thuật tàu cá hầu như vắng mặt. Ngoài ra, công tác dự báo nguồn lợi đã làm rồi nhưng hiệu quả chưa cao. Chính vì vậy, cần nghiên cứu để có giải pháp trong thời gian tới.

Bà Trần Thị Dung, Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam đóng góp ý kiến tại buổi họp. Ảnh: Vũ Mưa

Trong hoạt động khai thác, Chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam Vũ Đình Đáp cũng trăn trở: Cá ngừ của Việt Nam vẫn mang tính thủ công từ khai thác đến bảo quản, chưa có thay đổi. Mặc dù có đề tài khoa học, chúng tôi cũng kêu gọi người nước ngoài đến trao đổi kỹ thuật nhưng không thể đến với ngư dân. Ngư dân không qua đào tạo nên khá bảo thủ. Vấn đề thứ hai, do bảo quản không tốt nên khó nâng giá trị cá ngừ Việt Nam. Mặc dù Hiệp hội và các doanh nghiệp phấn đấu 7 năm xây dựng nhãn hiệu sinh thái cá ngừ Việt Nam, hy vọng năm nay sẽ được công nhận. Nhưng đó chỉ là phạm vi chung, còn chi tiết thì phát triển chậm. Thêm nữa, quản lý cá ngừ hiện nay cũng gặp khó khăn. Cá ngừ là nghề lớn, khai thác khác nhưng không đơn vị nào quản lý được, quan hệ họ hàng là chủ yếu. Thứ ba, lao động nghề cá nói chung thiếu, nên mỗi tàu khai thác cá ngừ chỉ có 5 – 6 người, nhưng chỉ 2 – 3 người có đào tạo, còn lại là thời vụ. Cấp bách hiện nay là cần có giải pháp nâng cao trình độ ngư dân và quản lý nghề cá tốt hơn. 

Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết: Hội Nghề cá Việt Nam có sự phủ rộng rất lớn, tôi kêu gọi sự đồng cảm, đồng lòng, đồng hành của Hội và các hiệp hội liên quan để cùng phát triển ngành. Chúng ta phải cùng nhau làm, cùng nhau phân tích, tư vấn đến tận địa phương. Xâu chuỗi các khâu lại trong quá trình phát triển. Các hiệp hội ngành hàng có vai trò rất quan trọng, tư duy nhà nước phải qua tư duy hiệp hội. Chúng ta cùng phác thảo những ý tưởng đầu tiên, cũng cần lường trước phản ứng của xã hội. Nhưng theo tôi, cần phải làm sao để tới trực tiếp được người nông dân, ngư dân. Bởi như nhà lãnh đạo Park Chung Hee từng nói rằng “Mọi sự hỗ trợ của nhà nước đều vô nghĩa nếu người dân không thay đổi”. Hơn nữa, cũng phải có sự dung hòa trong hoạt động, như vậy mới có thể phát triển được.

Lãnh đạo Hội Nghề cá Việt Nam chụp ảnh với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan sau buổi làm việc sáng ngày 31/8. Ảnh: Vũ Mưa

NHỮNG Ý KIẾN ĐÓNG GÓP PHÁT TRIỂN NGHỀ CÁ BỀN VỮNG 

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản

Hội Nghề cá Việt Nam thể hiện rõ vai trò trong hoạt động nghề cá, trong xây dựng văn bản pháp luật. Mong muốn gắn kết Hội với Cục Thủy sản, vì hiện nay mới triển khai được với Trung ương Hội, rất khó với tới địa phương. Hiện nay, chúng ta cần điều tra về lao động nghề cá, đây là thực trạng rất bức xúc của nghề khai thác. Đồng thời, điều tra lại nghề cá, chất lượng, số lượng đào tạo, trách nhiệm xã hội, đây cũng là vấn đề quốc tế quan tâm. Thời gian tới, phần mềm truy xuất nguồn gốc sẽ được áp dụng quản lý, doanh nghiệp và lấy cá ngừ làm tiên phong. Điều này sẽ giúp giá cá ngừ cao hơn, khi doanh nghiệp có thể truy xuất nguồn gốc, không qua thương lái, nhưng trước mắt chúng ta làm chuỗi ngắn 30 - 50 tàu thí điểm. 

Ông Trần Nguyễn Nghiêm Cung, Công ty CP Công nghệ Tiêu chuẩn sinh học Vĩnh Thịnh

Chúng ta hay nói “nâng tầm tôm Việt” về chất lượng cũng như tính bền vững. Một trong những vấn đề cần tập trung là làm sao người nuôi tôm bền vững. Có nhiều kiểu nuôi khác nhau, có thể nói người nuôi tôm có tỷ lệ thành công cao là ao bạt, nuôi quảng canh không đầu tư nhiều nhưng tỷ lệ thành công tốt. Nuôi ao đất, nuôi bán công nghiệp, công nghiệp lại thất bại, tỷ lệ thành công chỉ 30%. Đẩy chi phí giá thành lên, dẫn đến thua lỗ. Cần có chính sách hỗ trợ đối tượng này để nâng cao trang thiết bị trong sản xuất, thay đổi cách nuôi, bền vững hơn. Đây là động tác cụ thể nâng tầm tôm Việt.

Ông Nguyễn Tử Cương, Trưởng Ban phát triển thủy sản bền vững, Hội Nghề cá Việt Nam

Chúng tôi có suy nghĩ rất nhiều để làm thế nào cho ngành thủy sản phát triển, chúng tôi đã thể hiện bằng văn bản gửi trực tiếp cho các cơ quan trực thuộc Bộ NN&PTNT. Hiện nay hai vấn đề thủy sản cần quan tâm: Một là, trong ngành thủy sản có một lĩnh vực thủ công đó là khai thác. Trong khi chế biến đã sánh ngang thế giới, nuôi cũng đã nâng cao. Đây không phải lỗi của ngư dân mà các cấp quản lý cần phải làm. Trường đào tạo giờ không tìm được người học nghề cá. Hoạt động nghề cá vẫn chỉ là những ngư dân có sức khỏe. Cần đầu tư chi phí để những ngư dân được tiếp cận kiến thức. Hai là, chúng tôi mong được giới thiệu những tài liệu chuyên ngành đến Cục Thủy sản, để ngành chức năng có thể chia sẻ đến ngư dân để áp dụng thực tế khai thác.

Bà Trần Thị Dung, Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam

Các vấn đề của nước mắm truyền thống hiện nay là thị trường tiêu thụ khó khăn do tác động từ dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng và xu hướng tiêu dùng thay đổi nên nước mắm truyền thống giảm đi rất nhiều. Hiệp hội kiến nghị xây dựng tiêu chuẩn nước mắm truyền thống đang triển khai, đánh giá rủi ro và histamin, cần báo cáo khoa học để khẳng định an toàn với chỉ tiêu này. Chúng tôi kiến nghị bỏ tiêu chí về vi sinh vật, kim loại nặng trong nước mắm truyền thống. Bên cạnh đó, người làm nước mắm lo lắng cho tương lai khi xung đột lợi ích với các ngành, nghề khác như du lịch, nghỉ dưỡng. Mà hiện nay, Cát Hải hay Phan Thiết, Phú Quốc đang là ví dụ, người dân cần hỗ trợ, bảo tồn nghề nước mắm. Hoặc ngành nếu ảnh hưởng môi trường thì cần đánh giá lại, người dân có thể thay đổi. 

Vũ Mưa

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!