Thực hiện cơ cấu lại ngành thủy sản giai đoạn 2021 – 2025

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 255/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2025, trong đó, ngành thủy sản sẽ có chương trình cụ thể cho từng đối tượng, từng vùng để phát huy tối đa tiềm năng.

Một trong những mục tiêu của Kế hoạch này là đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thích ứng với biến đổi khí hậu và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.

Về thủy sản, trong cơ cấu sản phẩm chủ lực quốc gia có hai mặt hàng là cá tra và tôm. Trong đó, sẽ phát triển nuôi cá tra bền vững, tăng diện tích và sản lượng phù hợp với nhu cầu thị trường; duy trì diện tích nuôi khoảng 5.500 – 6.000 ha, sản lượng đạt khoảng 1,6 triệu tấn/năm. Tăng cường chế biến sâu, đa dạng sản phẩm chế biến, đặc biệt là các sản phẩm có giá trị gia tăng cao; Với con tôm, sẽ phát triển ngành tôm theo quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học. Tổng diện tích nuôi tôm nước lợ đạt khoảng 660.000 ha, sản lượng đạt khoảng 950.000 tấn/năm. Tăng cường chế biến sâu, đa dạng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của cả thị trường trong nước và xuất khẩu.

Cùng đó, cơ cấu lại lĩnh vực thủy sản theo hướng phát triển nuôi trồng và khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế, bảo vệ quốc phòng, an ninh trên các vùng biển, hải đảo. Đẩy mạnh nuôi biển xa bờ, tập trung vào các đối tượng có giá trị kinh tế cao; phát triển nuôi trồng thủy sản hữu cơ. Tăng cường khai thác thủy sản vùng khơi hiệu quả, bền vững trên cơ sở trữ lượng nguồn lợi thủy sản; xây dựng cơ cấu tàu thuyền, nghề nghiệp, xác định và phân bổ hạn ngạch khai thác thủy sản phù hợp với tình tình thực tế và khả năng cho phép khai thác của nguồn lợi thủy sản. Tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản vùng lộng, ven bờ và khai thác nội địa hợp lý, gắn phát triển sinh kế của cộng đồng ngư dân với nuôi trồng thủy sản và du lịch sinh thái.

Đảm bảo tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân từ 3,5 – 4%/năm, giá trị gia tăng bình quân từ 3,3 – 3,8%/năm. Cơ cấu lại sản xuất theo hướng tăng tỷ trọng sản lượng nuôi trồng lên khoảng 60%, giảm tỷ tọng sản lượng khai thác xuống còn khoảng 40%.

Bên cạnh đó, sẽ cấu lại ngành thủy sản theo từng vùng miền. Cụ thể, vùng Đồng bằng sông Hồng sẽ phát triển nuôi trồng thủy sản tập trung ở vùng ven biển với các đối tượng là cá biển, tôm, nhuyễn thể (ngán, ngao, hàu, tu hài, sá sùng, bào ngư, ngọc trai), rong biển; nuôi các loài thủy sản nước ngọt (cá rô phi, cá truyền thống). Đổi mới cơ cấu nghề khai thác hải sản, phát triển hiệu quả các nghề khai thác gắn với các ngư trường vịnh Bắc bộ và vùng cửa vịnh.

Vùng Bắc Trung bộ: Phát triển nuôi trồng thủy sản nước lợ khu vực cửa sông, ven biển; nuôi thâm canh, công nghệ cao, an toàn sinh học trên đất cát ven biển; phát triển nghề nuôi biển và nuôi nước ngọt ở các hồ thủy lợi, thủy điện. Các đối tượng nuôi chính là tôm, nhuyễn thể, các loài cá biển, rong biển, cá song, cá giò, cá hồng, cá chim… Tổ chức hợp lý khai thác vùng lộng, vùng ven bờ, chuyển đổi cơ cấu thuyền, nghề, lao động phù hợp với điều kiện tự nhiên, nguồn lợi hải sản.

Vùng duyên hải Nam Trung bộ: Phát triển nuôi thủy sản nước lợ ở các khu vực cửa sông, ven biển, nuôi tôm trên cát, vùng trọng điểm sản xuất tôm giống. Tổ chức hợp lý khai thác vùng lộng, vùng khơi, nhất là nghề câu cá ngừ đại dương và nghề vây; chuyển đổi cơ cấu thuyền, nghề, lao động phù hợp với điều kiện tự nhiên, nguồn lợi hải sản.

Vùng Tây Nguyên: Phát triển nuôi thủy sản trên các hồ chứa, lưu vực sông, suối với các đối tượng nuôi truyền thống như cá, tôm nước ngọt và các loài cá nước lạnh có giá trị kinh tế cao.

Vùng Đông Nam bộ: Phát triển các đối tượng nuôi chính là cá biển, tôm sú, tôm thẻ chân trắng, nhuyễn thể, cá rô phi, cá da trơn, cá cảnh… Nâng cấp đội tàu khai thác hải sản vùng khơi; chuyển đổi cơ cấu thuyền, nghề phù hợp.

Còn vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ phát triển mạnh nuôi thủy sản thâm canh và công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, hình thành vùng nuôi trồng thủy sản lớn nhất cả nước gắn với chế biến sâu, đa dạng sản phẩm với các sản phẩm chủ lực là cá tra và tôm, đa dạng đối tượng nuôi thủy sản nước mặn, lợ và nước ngọt để tận dụng lợi thế của vùng; phát triển nuôi trên biển và ven các đảo, nuôi thủy sản sinh thái vùng rừng ngập mặn. Giảm số tàu khai thác vùng lộng và vùng ven bờ; chuyển đổi cơ cấu thuyền, nghề phù hợp. Cùng đó, xem xét nuôi trồng thủy sản ở những vùng bị nhiễm mặn hoặc thiếu nước ngọt; kết hợp sản xuất lâm nghiệp với nuôi trồng thủy sản và phát triển du lịch sinh thái. 

Phạm Thu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!