Thực hiện Quy Chế IUU: Vẫn “mắc” ở nhận thức

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Ngày 22/4 vừa qua, Tổng cục Thủy sản, đã tổ chức Hội nghị triển khai Thông tư 28/2011/TT-BNNPTNN quy định việc chứng nhận, xác nhận thủy sản khai thác vào châu Âu nhằm thực hiện Quy chế truy xuất nguồn gốc thủy sản đánh bắt (IUU). Hội nghị đã dành nhiều thời gian phân tích những khó khăn cũng như nỗ lực của ngành thủy sản để đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu hải sản trong năm 2010 sang châu Âu, hiện tăng gần 9% so với 2009.

Sau hơn 1 năm thực hiện Quy chế IUU, mặc dù gặp một số khó khăn ban đầu nhưng ngành thủy sản Việt Nam đã đáp ứng được tất cả những yêu cầu về giấy chứng nhận khai thác, không có lô hàng thủy sản nào xuất sang châu Âu bị trả về trong thời gian qua. Tuy nhiên, để thực hiện tốt Quy chế IUU, nhận thức của ngư dân vẫn cần những đột phá quan trọng.

 

Thích nghi tốt với yêu cầu từ châu Âu

Năm 2009, do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu hải sản đánh bắt sang châu Âu chỉ còn 95.000 tấn, tương đương 338 triệu USD, giảm hơn 15% về sản lượng nhưng giảm gần 29% về giá trị so với năm 2008. Chính vì vậy, ngay sau khi có thông tin các nước châu Âu bắt buộc ngành thủy sản đánh bắt muốn xuất vào những quốc gia này phải có giấy chứng nhận nguồn gốc khai thác kể từ ngày 1/1/2010 đã khiến  nhiều người dự đoán rằng, năm 2010 sản lượng và kim ngạch xuất khẩu thủy sản sẽ tiếp tục giảm. Điều này được thể hiện khá rõ trong 6 tháng đầu năm 2010 với sản lượng giảm 9%, kim ngạch giảm 11% so với năm 2009.

Để thực hiện Quy chế IUU, ngư dân cần ghi chép đầy đủ nhật ký khai thác          Ảnh: Phan Thanh Cường

Ngay sau đó, ngày 22/7/2010, Tổng cục Thủy sản, Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản và Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) đã tổ chức một cuộc họp với tất cả những tỉnh thành, doanh nghiệp để tìm nguyên nhân và giải pháp khắc phục nhằm tránh một năm thất bại cho ngành thủy sản đánh bắt. Cụ thể, Cục KT&BVNLTS sản đã ban hành sổ tay hướng dẫn, cùng với trên 20 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các Chi cục, doanh nghiệp và 8 thư trao đổi với DG-MARE để giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện những thủ tục chứng nhận nguồn gốc đánh bắt, khai thác thủy sản của ngư dân. Đồng thời, in 60.000 cuốn sổ ghi nhật ký khai thác, 30.000 tờ rơi phát miễn phí cho ngư dân, mở 300 lớp tập huấn cho khoảng 20.000 ngư dân và doanh nghiệp có hàng xuất khẩu đi châu Âu.

Ngoài ra, Tổng cục Thủy sản do Thứ trưởng Bộ NN&PTNN Vũ Văn Tám dẫn đầu đã có những chuyến đi thực tế tại các cảng biển, những buổi nói chuyện với ngư dân, doanh nghiệp để tìm hiểu những khó khăn trong việc ghi chép nhật ký khai thác, cải thiện thủ tục hành chính giấy tờ nhằm giải quyết nhanh nhất những thủ tục hành chính cho ngư dân và doanh nghiệp.

Kết quả, 6 tháng cuối năm 2010, xuất khẩu thủy hải sản sang châu Âu đã lấy lại được nhịp độ, góp phần kéo mức tăng sản lượng lẫn giá trị của cả năm 2010, với gần 103.500 tấn, thu về hơn 376 triệu USD, tăng 8,8% về sản lượng, 11,4% giá trị so với năm 2010. Và chưa có lô hàng nào của Việt Nam bị trả về vì thiếu những giấy chứng nhận như phía bạn yêu cầu.

 

Vẫn còn đó những khó khăn

Tại Hội nghị ngày 24/4, tổng kết 1 năm thực hiện IUU, ông Trần Lê Nguyên Hùng, Trưởng phòng Khai thác, Cục KT&BVNLTS cho biết, khó khăn lớn nhất của ngành thủy sản đánh bắt là thiếu sự hợp tác của ngư dân, đặc biệt là chủ tàu cá trong việc ghi nhật ký khai thác.

Cũng theo ông Hùng, một nguyên nhân khác khiến ngành đánh bắt thủy sản gặp khó là do sự quan tâm của UBND các tỉnh, Sở NN&PTNN đối với công tác cán bộ chưa đúng mức cũng như phương tiện, kinh phí hoạt động thanh, kiểm tra tại các cảng cá, đặc biệt là vùng xa bờ gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn kinh phí để duy trì hoạt động này.

 

Những giải pháp cụ thể

Đứng trước khó khăn đó, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đã yêu cầu Cục KT&BVNLTS phối hợp với các Chi cục, các đơn vị có liên quan để thực hiện tốt thông  tư 28/2011/TT-BNNPTNT được ban hành ngày 15/4 một cách thống nhất, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của ngư dân, doanh nghiệp trong thời gian ngắn nhất. Đối với doanh nghiệp, Thứ trưởng yêu cầu doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản cần nghiên cứu kỹ hơn các quy định, trình tự thủ tục, cách ghi biểu mẫu… và góp ý cho cơ quan quản lý những khó khăn, hướng giải quyết trong quá trình thực hiện IUU vì mục đích phát triển chung của toàn ngành thủy sản.

Cục KT&BVNLTS còn cho biết, đã đề nghị Bộ NN&PTNN kiện toàn hệ thống kiểm ngư từ Trung ương đến địa phương nhằm ngăn ngừa và hạn chế hoạt động đánh bắt bất hợp pháp không báo cáo và không theo Quy chế IUU. Cục cũng kiến nghị Bộ NN&PTNN cho xây dựng kế hoạch hành động quốc gia thực hiện các quy định đối với IUU.

Và để tránh trường hợp ngư dân đánh bắt ở vùng biển này nhưng lại cập cảng cá khác để bán, Cục KT&BVNLTS cho rằng, Bộ NN&PTNN cần quy định bắt buộc đối với các tàu phải nhập cảng và xem xét cỡ tàu cá buộc phải nhập cảng. Ngoài ra, Cục sẽ làm việc với Bộ Tài chính để thống nhất ban hành mức thu lệ phí chứng nhận thủy sản khai thác, tạo điều kiện tốt cho các đơn vị thực nhiệm vụ được thuận lợi hơn.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNN Vũ Văn Tám cho biết: Để sớm có chính sách hỗ trợ ngư dân ra khơi trong tình trạng xăng dầu tăng như hiện nay, thời gian qua, Tổng cục Thủy sản đã cử ba đoàn công tác đến từng địa phương để tìm hiểu tình hình. Ba đoàn công tác này có nhiệm vụ tìm hiểu được tại sao ngư dân không ra khơi, khó khăn mà họ đang gặp phải là gì, số lượng tàu cá đánh bắt xa bờ nằm bờ là bao nhiêu, cũng như những đề xuất của ngư dân để trình lên Chính phủ chính sách hỗ trợ. Nếu không có gì thay đổi thì dự kiến vào tháng 5 này, Tổng cục Thủy sản sẽ hoàn tất bản đề xuất trình Chính phủ phê duyệt.

Vũ Hạ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!