Thực trạng xúc tiến thương mại cá tra hiện nay

Chưa có đánh giá về bài viết

Tuy được xác định là ngành kinh tế chủ lực và có nhiều thế mạnh tại ĐBSCL, mang lại nguồn thu nhập cho nhiều hộ gia đình và các doanh nghiệp chế biến; cũng như đóng góp lớn vào giá trị kim ngạch toàn vùng; Nhưng, nội tại ngành hàng này thời gian qua vẫn chưa hết bất ổn, nguyên nhân phần nào từ công tác xúc tiến thương mại.

Qua 13 năm (2000 – 2013), diện tích nuôi cá tra tăng từ 1.200 ha lên hơn 5.900 ha; sản lượng từ 37.500 lên 1,3 triệu tấn; giá trị xuất khẩu từ 40 triệu USD lên 1,76 tỷ USD. Thị trường xuất khẩu, từ một số nước châu Á, mở rộng tới149 quốc gia và vùng lãnh thổ ở tất cả các châu lục; trong đó EU chiếm 21,9%, Mỹ21,6%, ASEAN 7,1%, Brazil 6,9%.

Ngành cá tra Việt Nam đang phát triển “nóng”, thiếu bền vững. Mấy năm nay, nghề nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra có nhiều dấu hiệu bất ổn: diện tích và sản lượng giảm, mất cân đối cung cầu, cạnh tranh yếu, giá không ổn định.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) từng khuyến cáo, giá cá tra xuất khẩu phải ở mức tối thiểu 3 USD/kg thì mới bảo đảm các bên có lãi. Nhưng do tranh giành khách hàng, nhiều doanh nghiệp đã chào giá 1,8 – 2,3 USD/kg.Sản phẩm chủ yếu là fillet đông lạnh, tươi, nguyên con (mã HS03), chiếm trên 99% tỷ trọng, còn sản phẩm giá trị gia tăng (mã HS16) chỉ chiếm dưới 1%. Một số doanh nghiệp chế biến cá tra đã phải giảm 2/3 công suất và 30 – 50% lao động. Hiện tượng xuất khẩu cá tra nguyên con (giá 1USD/kg), cá tra bỏ đầu và nội tạng (1,5-1,6 USD/kg) khá phổ biến. Việc cạnh tranh bằng cách hạ giá bán sản phẩm khiến các nhà nhập khẩu lo ngại rủi ro nên nhập khẩu nhỏ giọt để ép giá, hậu quả cuối cùng lại ép giá mua cá nguyên liệu trong nước.

 

Còn nhiều yếu kém

Thời gian qua, công tác xúc tiến thương mại cá tra có được tập trung vào quảng bá hình ảnh sản phẩm tại các thị trường EU, Mỹ, Nga, Trung Đông, Nam Mỹ, châu Á. Đồng thời, tổ chức sự kiện thủy sản Việt Nam để tạo cơ hội cho doanh nghiệp kinh doanh thủy sản Việt Nam gặp doanh nghiệp nước ngoài. Hội chợ Triển lãm Quốc tế Thủy sản Việt Nam (VIETFISH) ra đời từ năm 1999 đã tạo được dấu ấn. Qua 16 kỳ, VIETFISH trở thành sự kiện thường niên hội chợ thủy sản lớn nhất Đông Nam Á. VIETFISH 2014 có 300 gian hàng của hơn 170 đơn vị thủy sản trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, theo Tổng cục Thủy sản, hoạt động xúc tiến thương mại còn nhiều yếu kém. Trước tiên là thông tin về thị trường chưa đầy đủ và chính xác để giúp các doanh nghiệp làm cơ sở xây dựng chiến lược kinh doanh. Các cơ quan quản lý nhà nước thiếu quyết sách giải quyết kịp thời khó khăn nảy sinh trong xuất khẩu.

Cá tra xuất vẫn thiếu thương hiệu sản phẩm quốc gia – Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Thẳng thắn nhìn nhận thì công tác quảng bá hình ảnh đẹp về sản phẩm cá tra chưa hiệu quả, chưa đến được nhiều người tiêu dùng ở các thị trường chính Mỹ và EU. Nhất là cá tra fillet đông lạnh của Việt Nam ngày càng cao tỷ lệ mạ băng và hàm lượng nước cùng với việc thiếu nhãn hiệu chất lượng Việt Nam để quảng bá đã làm ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm. Thời gian qua, mới tập trung vào xuất khẩu mà chưa chú trọng thị trường trong nước và xuất khẩu tiểu ngạch.

Nguyên nhân của yếu kém, theo Tổng cục Thủy sản, tổ chức bộ máy và chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại chưa có tính hệ thống, thiếu chiến lược tổng thể. Đồng thời, còn thiếu cán bộ chuyên nghiệp, hiểu biết về thị trường, sản phẩm, lại thiếu kinh nghiệm quản lý xúc tiến thương mại. Sự phối hợp giữa các cơ quan trong Bộ NN&PTNT cũng như giữa Bộ NN&PTNT với các bộ ngành khác chưa hiệu quả.

Từ đó dẫn đến hậu quả, chưa có “thương hiệu sản phẩm cá tra chất lượng cao” của quốc gia để quảng bá trên các thị trường.

 

Cần sự đột phá

Nghị định 36 và các văn bản hướng dẫn được ban hành vừa qua đã tạo cơ sở pháp lý phát triển công tác xúc tiến thương mại cá tra “có tính chất đột phá với quy mô lớn để mở rộng thị trường và nâng cao kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam”, theo Tổng cục Thủy sản. Một số mô hình xúc tiến thương mại thành công ở các nước phát triển đã được quan tâm nghiên cứu.Trong đó, đáng chú ý là kinh nghiệm của Na Uy với Hội đồng Xuất khẩu Thủy sản tập trung vào hoạt động xúc tiến thương mại cho chủ yếu cá hồi.

So sánh với nhiều loại cá trên thế giới, sản phẩm cá tra Việt Nam đã chứng minh khả năng vượt trội về phẩm chất ngon, sạch, được khách hàng nhiều nước ưa chuộng. Tuy nhiên, xúc tiến thương mại cần điều tra nhu cầu của người tiêu dùng ở từng thị trường để đáp ứng chính xác, nhất là nhu cầu sử dụng tiện lợi, nhanh và an toàn cho sức khỏe.

Đề án xúc tiến thương mại cá tra coi trọng cả thị trường ngoài nước lẫn trong nước. Mục tiêu, nâng cao giá xuất khẩu và giá trị gia tăng các mặt hàng sản phẩm cá tra, quảng bá chất lượng và thương hiệu sản phẩm cá tra Việt Nam, nâng cao thu nhập cho người nuôi và doanh nghiệp. Đồng thời, hoàn thiện bộ máy, chính sách, năng lực xúc tiến thương mại sản phẩm cá tra.

Nhiều hoạt động cụ thể được hoạch định, trên cơ sở hợp tác chặt chẽ các cơ quan liên quan: Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương, Hiệp hội Cá tra Việt Nam, VASEP… Kinh phí thực hiện đề án là Quỹ Xúc tiến thương mại cá tra (thu từ xuất khẩu cá tra), ngân sách nhà nước, các doanh nghiệp và nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế. Thời gian thực hiện từ năm 2015 đến 2020, chia thành hai giai đoạn, với các mục tiêu cụ thể.

>> Hoạt động xúc tiến thương mại không thể tồn tại một cách tự phát như các dịch vụ sinh lời, mà phải có sự quan tâm và định hướng của nhà nước để có chiến lược xây dựng thương hiệu sản phẩm quốc gia, bảo đảm phát triển ổn định.

Sáu Nghệ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!