(TSVN) – Các nhà khoa học Thụy Điển lần đầu tiên thành công trong việc nuôi cấy hải sâm đỏ ở giai đoạn con non trong điều kiện nuôi nhốt.
Bước đột phá này là một phần của dự án nhằm củng cố quần thể hải sâm hoang dã và xem xét việc sử dụng tiềm năng của chúng trong nuôi trồng thủy sản. Bà Ellen Schagerström, một nhà sinh vật biển tại Đại học Gothenburg, cho biết: “Đây là một bước quan trọng để có thể nuôi số lượng lớn hải sâm nhằm thả chúng ra biển và củng cố các quần thể đã giảm vì nhiều lý do khác nhau”. Năm 2019, bà Schagerström lần đầu tiên thành công trong việc nhân đôi những con hải sâm đỏ trong điều kiện nuôi nhốt ở Thụy Điển. Năm nay, hai ấu trùng hải sâm cũng trải qua cả ba giai đoạn ấu trùng và phát triển thành con non.
Hải sâm đỏ có thể bán được hơn £300/kg khi sấy khô
Cũng theo bà Schagerström, trong quá trình sinh sản, hải sâm tụ tập thành từng nhóm và giải phóng các giao tử của chúng ra biển. Nhưng trong nước, các tế bào bị loãng ra. Ngay cả một quả trứng đã thụ tinh cũng có cơ hội thấp để trải qua tất cả các giai đoạn phát triển và cuối cùng trở thành một con hải sâm phát triển đầy đủ.
Hải sâm sống dưới đáy biển và ăn chất thải của cá, trai và các mảnh tảo chết chìm xuống đáy. Điều này khiến chúng trở thành ứng cử viên tiềm năng để sử dụng trong các hệ thống nuôi trồng thủy sản đa dinh dưỡng (IMTA) tích hợp.
Các loài này phát triển nhanh như thế nào, khi nào chúng đạt đến độ tuổi thành thục sinh dục và sống được bao lâu vẫn đang được nghiên cứu. Bằng cách theo dõi hai con non lần này, bà Schagerström hy vọng sẽ sớm nhận được câu trả lời. Được biết, việc nhân giống hải sâm là một phần của Thông tư dự án SWEMARC, được tài trợ bởi Ban Nông nghiệp Thụy Điển.