Thủy lợi cho thủy sản: Cấp thiết!

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Thủy sản rõ ràng là kinh tế mũi nhọn của đất nước với kim ngạch xuất khẩu mỗi năm lên đến 5 tỷ USD. Thế nhưng, bất cập ở chỗ, đầu tư cho ngành sản xuất mũi nhọn này không tương xứng, đặc biệt là quy hoạch mà yếu nhất là hệ thống thủy lợi…

Thủy lợi quá yếu

Minh chứng thấy rõ ở ven biển vùng ĐBSCL, nhất là khu vực bán đảo Cà Mau, điều kiện cơ sở hạ tầng, hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi thủy sản quá yếu.

Lúc đầu một số địa phương lúng túng trước tình trạng tranh chấp “mặn – ngọt”, do bị động trong việc ngăn mặn, giữ ngọt hay phá đập tháo nước mặn vào nuôi tôm. Tuy về sau việc đầu tư thủy lợi mỗi năm được tiếp tục bổ sung, điều chỉnh, nhưng qua diễn biến tình hình dịch bệnh tôm các năm gần đây, nhận diện thủy lợi ở vùng này vẫn còn bất cập.

Theo các nhà chuyên môn, trong nhiều năm qua hệ thống thủy lợi ĐBSCL được đầu tư chủ yếu phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, ngăn mặn, cấp và giữ ngọt cho vùng trồng lúa rất thành công. Tuy nhiên ở một số địa phương thực hiện chuyển đổi mục đích sang nuôi trồng thủy sản (NTTS), đầu tư thủy lợi theo qui hoạch vùng nuôi nhìn chung chậm, chưa đồng bộ.

Ông Võ Hồng Ngoãn ở tỉnh Bạc Liêu bên hệ thống thủy lợi nuôi tôm của mình       Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Bạc Liêu, vùng từng rầm rộ phong trào nuôi tôm, bắt đầu từ năm 2001, khi thực hiện chuyển đổi sản xuất, quy hoạch thủy lợi phục vụ NTTS cũng đã được đặt ra. Từ đó đến nay một số công trình hoàn thành như phân ranh mặn – ngọt ở vùng Bắc Quốc lộ 1A, hình thành hệ thống đập thời vụ, ổn định vùng ngọt 80.600 ha và vùng chuyển đổi 75.600 ha đưa mặn vào trong khoảng 6 – 8 tháng. Tuy nhiên, công trình điều tiết cấp thoát nước đến nay vẫn chưa làm được. Bên cạnh đó, hệ thống kênh cấp III và nội đồng không đồng bộ với hệ thống cấp I, cấp II. Mặt khác, do gần biển nên tốc độ bồi lắng nhanh, hầu hết các kênh cấp II sau 2-3 năm thì bị bồi lấp trở lại. Đó là chưa kể tới hệ thống công trình ngăn mặn chưa đủ khả năng kiểm soát và điều tiết mặn. Hệ thống đập thời vụ phân ranh mặn – ngọt còn quá tạm bợ, chưa chủ động ngăn mặn giữ ngọt, dễ gây ô nhiễm môi trường.

Còn ở Cà Mau, có mạng lưới sông rạch chằng chịt ăn thông ra hai phía biển Đông và biển Tây cũng trong hiện trạng tương tự. Vấn nạn sạt lở, triều cường bồi lắng diễn ra triền miên.

 

Không dịch bệnh mới lạ!

Chính vì do chưa chú trọng đầu tư cải tạo hệ thống thủy lợi nên vùng nuôi thủy sản thường xuyên gặp bất trắc, rủi ro. Cụ thể, từ đầu vụ nuôi tôm đến nay nhiều tỉnh ĐBSCL liên tục xảy ra dịch bệnh tôm chết. Trong đó vùng nuôi tôm công nghiệp của tỉnh Sóc Trăng chịu thiệt hại nặng nề nhất. Tính đến cuối tháng 5/2011, diện tích nuôi tôm tỉnh này bị thiệt hại 19.805 ha, chiếm trên 76% diện tích thả nuôi, trị giá ước tính khoảng 584 tỉ đồng.  

Hệ thống thủy lợi tốt thuận lợi cho phát triển thủy sản ở ĐBSCL     Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Dân nuôi tôm nhiều kinh nghiệm của Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) thừa nhận: Thủy lợi rất quan trọng, quyết định thành bại trong chuyện nuôi tôm. Thử hình dung, cả một vùng nuôi tôm rộng lớn 48.600 ha ở Sóc Trăng hàng năm tạo sản lượng 68.600 tấn tôm, xuất khẩu thủy sản hơn 382 triệu USD nhưng chỉ có con sông Mỹ Thanh dẫn nước cung cấp cho các kênh nhánh cung cấp nguồn nước cho hàng vạn ao nuôi. Vì thế dân nuôi tôm luôn than phiền về điều kiện cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo. Thật vậy, đi qua nhiều vùng nuôi tôm ở Trần Đề, Vĩnh Châu (Sóc Trăng) sẽ thấy hầu như chỉ có một kênh cấp đồng thời cũng là đường thoát nước. Qua bao vụ nuôi tôm, nào chất xử lý ao nuôi, thuốc phòng trị bệnh… đều thải ra duy nhất theo một con kênh. Hiểm họa tiềm tàng chất lứa lâu ngày đã góp phần bộc phát gây nên tác hại lớn làm ô nhiễm môi trường.

Ông Nguyễn Trung Hiếu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng thừa nhận: Đến nay hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh mới cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất lúa. Thủy lợi cho thủy sản còn rất dở dang, nhiều nơi phải nói chưa có đầu tư gì. Vùng ven biển Đông hệ thống đê xuống cấp, không đảm bảo trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng; vùng nuôi thủy sản thiếu hệ thống cống phục vụ kiểm soát nguồn nước, đặc biệt chưa có hệ thống kênh lấy nước và thoát nước riêng biệt. Từ những khó khăn trên cần thiết phải ngăn mặn thời vụ, đầu tư hệ thống đê, cống ngăn mặn, điều tiết nước ổn định cho vùng sản xuất nông nghiệp, cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư nâng cấp hệ thống đê phòng tránh thiên tai vùng Biển Đông và đầu tư hệ thống kênh, cống đảm bảo kiểm soát nguồn nước, ngăn chặn ô nhiễm môi trường vùng nuôi tôm.

>> Tình trạng tôm chết hàng loạt diễn ra trên tất cả các mô hình thả nuôi khiến người nuôi tôm hết sức lo lắng. Truy tìm nguyên nhân, ngoài nghi vấn đặt ra từ chất lượng con giống thì nguyên nhân còn lại do môi trường ô nhiễm, thủy lợi không đảm bảo…

ĐỨC MINH

 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!