(TSVN) – Dịch thủy phân tôm là nguồn cung peptide hoạt tính sinh học dồi dào, được xem là giải pháp ưu tiên để thúc đẩy hiệu suất tăng trưởng và sức khỏe cho ấu trùng và cá biển non.
Nhiều hệ thống cơ thể được tạo ra bởi các peptide trong chế độ ăn, gồm hệ thống miễn dịch, tiêu hóa, thần kinh, tim mạch và nhiều hoạt động sinh học như kháng khuẩn, chống ôxy hóa, điều hòa miễn dịch. Về mặt lý thuyết, những chất peptide hoạt tính sinh học này có thể được sản xuất từ thực vật trên cạn hoặc biển, nhưng nguyên liệu từ biển có tiềm năng nhất. Trong số nguyên liệu biển, động vật giáp xác khác biệt nhờ thành phần protein độc đáo và peptide đặc hiệu được tạo ra trong quá trình thủy phân protein.
Hãng thức ăn thủy sản Symrise sản xuất thủy phân đầu TTCT được lựa chọn cẩn thận tại các nhà máy chế biến thủy sản. Đầu tôm trải qua quá trình thủy phân tối ưu giúp tối đa hóa sản lượng peptide hoạt tính sinh học và đảm bảo sản phẩm cuối cùng được tiêu chuẩn hóa. Quy trình sản xuất chính xác và nghiêm ngặt này của Symrise đã tạo ra sản phẩm peptide cấu trúc độc đáo, hoạt tính mạnh mẽ, cân bằng axit amin tự do và có trọng lượng phân tử cao hơn. Sản phẩm cuối cùng mang đặc tính 85% peptide dưới 1000Da cùng hàm lượng protein 67% với độ hòa tan trên 90%.
Symrise cũng tài trợ nghiên cứu (Robert, 2014) và đã xác định hơn 1.000 chuỗi peptide trong quá trình thủy phân đầu tôm, nhiều chuỗi có nguồn gốc từ sự phân cắt protein hemocyanin. Hemocyanin là protein chiếm ưu thế trong động vật giáp xác, cần thiết cho vận chuyển ôxy và tham gia vào quá trình trao đổi chất và miễn dịch. Hemocyanin mã hóa các peptide kháng khuẩn khác nhau được giải phóng sau quá trình thủy phân như một phần của hệ thống miễn dịch không đặc hiệu trên tôm.
Dịch thủy phân đầu tôm cung cấp di-tripeptide và tripeptide cùng axit amin tự do cho ấu trùng cá, giúp thúc đẩy sự phát triển của ấu trùng trong giai đoạn hệ tiêu hóa còn non nớt và khả năng thủy phân protein hạn chế. Theo các nghiên cứu trước đó, dịch thủy phân đầu tôm thúc đẩy tốc độ tăng trưởng, giảm dị tật và cải thiện sức khỏe tổng thể tốt hơn so với các loại protein thủy phân khác hoặc protein thông thường (Delcroix et al., 2015; Printzi et al., 2024). Mức bổ sung thủy phân tôm khuyến nghị trong chế độ ăn của ấu trùng là 6 – 12%.
Đối với cá biển non, dịch thủy phân tôm kích thích tăng trưởng, kích thước đồng nhất và giúp cá khỏe mạnh hơn trước khi chuyển ra môi trường biển. Do đó, chất dinh dưỡng này chính là tiền đề cho sự thích nghi tốt hơn của cá non với mô hình lồng biển sau quá trình vận chuyển căng thẳng từ trại ương đến trại nuôi thương phẩm trên biển. Tỷ lệ bổ sung thủy phân tôm khuyến nghị trong giai đoạn cá non là 2 – 5%.
Khi sử dụng thủy phân tôm, các hãng thức ăn có thể cắt giảm tỷ lệ bột cá mà vẫn đảm bảo tính ngon miệng và giá trị dinh dưỡng của thức ăn. Trong các thử nghiệm thương mại trên nhiều vật nuôi thủy sản ở Hàn Quốc, Thái Lan, Ecuador, Pháp, Tây Ban Nha, chế độ ăn cắt giảm bột cá kết hợp thủy phân tôm cải thiện lượng ăn, tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ biến đổi thức ăn. Ví dụ, thử nghiệm trên cá tráp đỏ non ở Hàn Quốc được nuôi bằng chế độ ăn 5% thủy phân tôm và cắt giảm 50% bột cá cho hiệu suất nuôi tốt hơn và khả năng chống lại thách thức dịch bệnh hiệu quả hơn so với chế độ ăn có hàm lượng bột cá cao.
Trong tất cả các thử nghiệm, sức đề kháng của vật nuôi tăng lên đều nhờ đáp ứng miễn dịch được cải thiện khi bổ sung dịch thủy phân tôm. Tác dụng tăng cường miễn dịch có thể được xác định thông qua hàm lượng lysoenzyme và tổng globin miễn dịch trong máu tăng. Ngoài ra, hoạt tính kháng protease, tiêu diệt vi khuẩn, số lượng tế bào và biểu hiện của gen miễn dịch cũng tốt hơn, dẫn đến tỷ lệ sống tăng và thời gian phục hồi nhanh hơn. Cùng đó, khả năng tiêu hóa và hấp thu chất dinh dưỡng của nhóm cá thử nghiệm đều được cải thiện. Điều này chứng tỏ dịch thủy phân tôm tác động tích cực đến sức khỏe đường ruột.
Dũng Nguyên
(Theo Aquafeed)