T6, 09/08/2024 09:00

Thủy sản bền vững là con đường đi tới tương lai

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đã nhấn mạnh nhu cầu phát triển ngành thủy sản nhằm đảm bảo nguồn thực phẩm phục vụ cho dân số thế giới ngày càng tăng cho đến năm 2050. Tuy nhiên, FAO cũng lưu ý phải quản lý, phát triển ngành thủy sản một cách bền vững. Suốt một phần tư thế kỷ qua, việc sử dụng nguyên liệu từ biển trong nuôi trồng thủy sản luôn là chủ đề đáng quan tâm.

Trong thập niên 80 – 90, nhiều loài cá được nuôi chủ yếu bằng bột cá và dầu cá vốn giàu dưỡng chất, đạm, vitamin, khoáng chất và acid béo. Tuy nhiên, sự phát triển của ngành thủy sản cũng kéo theo nhu cầu về nguồn nguyên liệu thức ăn từ biển. Điều này đặt ra nhiều câu hỏi về tính bền vững của việc lấy cá nuôi cá, nhất là khi nguồn tài nguyên từ biển này có thể trực tiếp nuôi dưỡng con người.

Giải pháp đang được áp dụng là chuyển dần việc nuôi những loài cá có thị hiếu thấp sang những loài được ưa chuộng, có giá trị cao như cá hồi, cá mú, cá tráp hoặc tôm, trong khi vẫn đảm bảo các thông lệ, quy trình chăn nuôi tác động tối thiểu đến hệ sinh thái đại dương. Mặc dù vậy, để nuôi dưỡng dân số ngày càng đông thì ngành thủy sản phải không ngừng phát triển, kéo theo việc gia tăng nhu cầu tiêu thụ bột cá và dầu cá – vốn cũng là nguyên liệu cần dùng trong nhiều ngành nghề khác. Tài nguyên thì hữu hạn mà cạnh tranh ngày càng gay gắt, vậy chúng ta làm cách nào để nhận diện và phát triển nguồn nguyên liệu thay thế bền vững, trong khi vẫn tiếp tục sử dụng nguyên liệu từ biển một cách có trách nhiệm?

Quản lý ngư nghiệp bền vững là một quy trình phức tạp. Khi nghề cá thuộc quyền kiểm soát của một quốc gia, giới chức lãnh đạo cần tuân thủ bộ Quy chuẩn Ứng xử cho Nghề cá có trách nhiệm do FAO ban hành, nhằm đảm bảo việc đánh giá và điều phối trữ lượng phù hợp. Tuy nhiên, khi nghề cá có liên quan đến nhiều quốc gia thì thách thức sẽ lớn hơn, đòi hỏi phải có sự hợp tác giữa cơ quan quản lý của các quốc gia và ngư dân, trong bối cảnh quyền đánh bắt cá đang là chủ đề chính trị hết sức nhạy cảm đối với các quốc gia ven biển.

Không dừng lại ở đó, biến đổi khí hậu làm nước biển ấm lên khiến nguồn cá di cư, thậm chí có thể vượt khỏi biên giới biển, ảnh hưởng đến quyền tiếp cận và đánh bắt cá của ngư dân. Ở Đông Bắc Đại Tây Dương, luồng cá thu di chuyển giữa Na Uy, Iceland và các nước EU là ví dụ trực quan cho thấy cần có sự hợp tác quốc tế trong quản lý nghề cá nhằm ứng phó với những thay đổi trong tương lai.

Một trong những loài cá được nuôi bằng thức ăn EWOS

Công tác quản lý nghề cá hiệu quả phụ thuộc vào sự hợp tác giữa các ngư dân, cơ quan quản lý, và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Dự án Cải thiện Nghề cá (FIP) là một ví dụ điển hình cho việc gắn kết các bên liên quan nhằm tăng cường cải thiện thông lệ, quy trình quản lý nghề cá. Là khái niệm do Tổ chức Đối tác Nghề cá Bền vững (SFP) phát triển, các dự án FIP đóng vai trò thiết yếu trong việc quảng bá, thúc đẩy thực hành bền vững. Đây là thành quả từ sự hợp tác giữa ngư dân, cơ sở chế biến, nhà cung cấp, và các tổ chức bảo tồn nhắm đến việc cải thiện tính bền vững của nghề cá.

FIP hoạt động theo nguyên lý xác định những thách thức môi trường chủ yếu và đặt ra mục tiêu cụ thể nhằm đo lường và khắc phục thách thức. Chúng tập trung vào thực hiện những thay đổi có thể giúp khảo sát, đánh giá thành công các tiêu chuẩn MarinTrust vốn được phát triển đặc thù cho tài nguyên biển, hoặc chuẩn hóa nghề cá theo tiêu chuẩn của Hội đồng Quản lý Biển (MSC).

Thức ăn EWOS đẩy mạnh sử dụng nguồn nguyên liệu biển có chứng nhận hoặc FIP

FIP cũng là phương tiện giúp thúc đẩy cải thiện nghề cá thông qua các mục tiêu quản lý bền vững có hạn định thời gian, thường là trong vòng 5 năm. Cách thức tiếp cận này đảm bảo được trách nhiệm của các bên liên quan và duy trì tiến độ liên tục, là một công cụ hữu hiệu để xây dựng ngư nghiệp bền vững.

Chương trình nâng cao tiêu chuẩn MarinTrust Improver Program được thiết kế riêng cho ngành đánh bắt hải sản, thúc đẩy cải thiện tiêu chuẩn ở cả trên biển lẫn trong nhà máy chế biến và thiết lập một chuỗi quản lý sản phẩm. Được công nhận rộng rãi trong ngành thủy sản, chương trình tạo ra một điểm khởi đầu lý tưởng cho lộ trình phát triển bền vững của nghề khai thác nguyên liệu biển khơi. Không chỉ vậy, các dự án FIP toàn diện khác cũng có thể tập trung hướng đến mục tiêu cao hơn, chẳng hạn như đạt chứng chỉ MSC cho nghề cá.

Trong tương lai gần, nguyên liệu từ biển vẫn tiếp tục là thành phần thiết yếu trong ngành thủy sản, miễn là khai thác từ các ngư trường được quản lý bền vững. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao cũng như đối phó với biến động môi trường, chúng ta phải mở rộng quy mô nghề cá bền vững trên phạm vi toàn cầu, không chỉ với ngành chế biến bột cá và dầu cá, mà còn với cả ngành đánh bắt cá làm thực phẩm cho con người.

Cá nuôi bằng thức ăn EWOS

Nhiều quốc gia như Nhật Bản, Ấn Độ và Mauritania đang có những cơ hội đầy hứa hẹn để phát triển ngư nghiệp bền vững. Tuy nhiên, kèm theo đó là không ít thách thức đặc thù như môi trường chính trị phức tạp và luật lệ bản địa hay thay đổi. Những sáng kiến như Quỹ Cải thiện Nghề cá, do doanh nghiệp xã hội Finance Earth và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) hợp tác thực hiện, ra đời nhằm hỗ trợ các nỗ lực này và đảm bảo một tương lai bền vững cho trữ lượng cá toàn cầu.

Hiện nay, ngành Dinh dưỡng Thủy sản Cargill trên toàn cầu đã sử dụng 84% nguyên liệu từ biển có chứng nhận hoặc FIP; con số này tại Việt Nam ở mức ~65% (năm 2023) và đang không ngừng tăng lên theo định hướng ưu tiên chung của công ty.

Có mặt tại Việt Nam từ 1995 và luôn đồng hành với nỗ lực toàn cầu, Cargill Việt Nam triển khai nhiều sáng kiến phát triển bền vững trong ngành dinh dưỡng vật nuôi và thủy sản. Bên cạnh việc kiểm soát và tăng cường sử dụng nguyên liệu đầu vào được sản xuất bền vững, các nhà máy của Cargill Việt Nam đạt nhiều chứng nhận quốc tế về quản lý chất lượng và môi trường như ISO 9001, ISO 14001, ISO 45001, Global G.A.P. và BAP.

Công ty cũng chuyển sang sử dụng bao bì thức ăn công nghệ mới được giảm lượng nhựa, thân thiện hơn với môi trường. Đến cuối năm tài chính 2023, Cargill Việt Nam đã giảm được 700 tấn nhựa/năm và hướng đến mục tiêu giảm 2.000 tấn nhựa/năm. Mỗi năm, công ty ngăn ngừa khoảng 125 tấn nhựa nguyên sinh bị thải vào lòng đất và đại dương, giảm tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên, qua đó đáp ứng quy định về Trách nhiệm Mở rộng của Nhà Sản xuất, hưởng ứng nền kinh tế tuần hoàn, gia tăng tính thân thiện với môi trường.

Tóm lại, quản lý nghề cá bền vững không chỉ là vấn đề cấp bách về mặt thương mại mà còn mang trọng trách sinh thái và xã hội. Đây là con đường đầy chông gai, nhưng cũng mang lại rất nhiều lợi ích cho hệ sinh thái, cho các cộng đồng địa phương, và cả nguồn cung cấp thực phẩm toàn cầu. Thông qua kết nối, thúc đẩy hợp tác quốc tế và áp dụng các thực tiễn quản lý mang tính sáng tạo, chúng ta có thể đẩy mạnh khai thác một cách có trách nhiệm và bảo vệ nguồn nguyên liệu biển cho các thế hệ mai sau. Thêm vào đó, cũng cần nhìn nhận rằng, không phải mọi ngành nghề thủy sản đều phụ thuộc vào nguyên liệu biển. Nhiều nhà sản xuất đã và đang kết hợp sử dụng thức ăn thay thế hoặc có nguồn gốc thực vật nhằm tăng tính bền vững. Áp dụng những chiến lược đa dạng này, chúng ta sẽ có thể bảo đảm được tính bền vững cho ngành thủy sản.

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!