Thủy sản Cà Mau: Phát huy lợi thế, tiềm năng

Chưa có đánh giá về bài viết

Với tiềm năng và thế mạnh từ gần 300.000 ha nuôi trồng thủy sản, với tổng sản lượng ước đạt gần 363.000 tấn/năm, Cà Mau đang nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức; phấn đấu trở thành địa phương dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực thủy sản.

Phát huy lợi thế

Theo nhiều nhà chuyên môn, thuận lợi lớn nhất của thủy sản Cà Mau năm 2013 là giá tôm tăng cao (bình quân tăng hơn 20.000 đồng/kg so năm trước). Ðiều này đã tác động tích cực đến gần 200 nghìn hộ nuôi tôm và các doanh nghiệp. Sở dĩ có được thành công này là do Cà Mau luôn chú trọng xúc tiến thương mại. Sản phẩm tôm của tỉnh Cà Mau đang được tiêu thụ tại hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ; chủ lực là Mỹ và Nhật Bản (chiếm hơn 70%).

Năm 2013, tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt trên 7.971 tỷ đồng, chiếm 37,3% tổng GDP trong tỉnh, tăng 5% so cùng kỳ năm 2012. Trong đó, thủy sản 6.856 tỷ đồng, tăng 5,06%. Tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản ước 441.635 tấn, đạt 101,8% kế hoạch, tăng 3,6% so cùng kỳ năm 2012. Diện tích nuôi tôm đạt 265.000 ha, chiếm 86,8% diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh, trong đó, tôm nuôi theo hình thức công nghiệp đạt 5.898 ha.

Năm 2014, dự kiến diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến tại Cà Mau đạt 60.000 ha – Ảnh: Trần Út       

Ðể tạo khâu đột phá mới, Cà Mau đã lựa chọn theo các mô hình nuôi tôm công nghiệp, nuôi quảng canh cải tiến; Cùng với “Ðề án nâng cao toàn diện hiệu quả sản xuất tôm – lúa” được triển khai rộng rãi từ năm 2008, bước đầu nâng hiệu quả sản xuất 20 – 25%; được nông dân hưởng ứng mạnh mẽ…; gần đây, UBND tỉnh tiếp tục phê duyệt chương trình nuôi tôm công nghiệp; chỉ đạo ngành nông nghiệp và các địa phương trọng điểm nuôi trồng thủy sản rà soát, đánh giá thực trạng; xây dựng quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản, phấn đấu nâng diện tích lên 20.000 ha vào năm 2020.

 

Trở ngại không mới

Bên cạnh những thành tích đã đạt được, nuôi trồng thủy sản của tỉnh nói chung và nuôi tôm nói riêng vẫn phải đối diện với những thách thức không mới đó là vấn đề dịch bệnh, nguồn nguyên liệu và thị trường tiêu thụ. Theo ông Nguyễn Công Quốc, Chi cục Nuôi trồng Thủy sản tỉnh, mặc dù sản xuất có bước phát triển khá, nhưng nghề nuôi tôm ở Cà Mau vẫn ẩn chứa nhiều yếu tố thiếu bền vững. Năm 2013, toàn tỉnh có gần 10.000 ha các loại hình tôm nuôi bị thiệt hại; trong đó, gần 1.000 ha tôm nuôi công nghiệp (chủ yếu là do bệnh đốm trắng, đỏ thân và bệnh gan tụy). Song, điều đáng quan tâm là đến nay, bệnh gan tụy trên tôm vẫn chưa có thuốc chữa trị đặc hiệu và các giải pháp phòng, ngừa thiếu hiệu quả.

Mặt khác, theo các chuyên gia thủy sản, tuy là tỉnh đứng đầu cả nước về diện tích, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu thủy sản, nhưng người chịu thiệt nhất vẫn là người dân (nuôi tôm). Sau thu hoạch có tới 95% hộ nuôi tôm bán sản phẩm qua thu gom cho thương lái; trong khi, mọi yếu tố đầu vào lại phải qua đại lý các cấp, do đó lợi nhuận từ sản xuất “teo tóp” dần.

 

Cần thêm giải pháp

Để phát huy được thế mạnh của địa phương, Chi cục Nuôi trồng Thủy sản tỉnh đã đề xuất nhiều giải pháp quan trọng, trong đó lấy quy hoạch làm trọng tâm. Cụ thể, sẽ rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển theo hướng thành lập các cụm, vùng sản xuất giống tập trung, để hạn chế lây lan mầm bệnh, nhằm nâng cao chất lượng tôm giống và hạn chế gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, cần có biện pháp xử lý các trại sản xuất, kinh doanh giống ngoài quy hoạch; kiên quyết đình chỉ hoặc ngưng hoạt động đối với các trại giống không đủ tiêu chuẩn chất lượng.

Mặt khác, cần tăng cường kiểm tra, quản lý chất lượng tôm giống (thực hiện từ tỉnh đến tận cơ sở, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị chức năng), xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm về quản lý chất lượng.

Khuyến cáo người nuôi tôm quan tâm giống chất lượng cao được kiểm dịch; nâng cao ý thức, tập quán sản xuất của người nuôi có sự liên kết với nhau để cùng lấy chung mẫu đi xét nghiệm, giảm chi phí sản xuất.

>> Năm 2014, diện tích nuôi tôm nước lợ toàn tỉnh Cà Mau khoảng 266.000 ha, sản lượng dự kiến 298.500 tấn (tăng 3,65% so với năm 2013). Mô hình nuôi công nghiệp tiếp tục chủ công với khoảng 7.000 ha, kế đó là quảng canh cải tiến 60.000 ha; còn lại là tôm – rừng, tôm – lúa kết hợp và nuôi quảng canh.

Nguyễn Chi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!