Thủy sản Hà Nội: Vẫn ưu tiên phát triển nhiều loài mới

Chưa có đánh giá về bài viết

Với hơn 30.840 ha nuôi trồng thủy sản (NTTS) và một số con sông lớn có khả năng phát triển nuôi cá lồng bè và khai thác tự nhiên, cộng với thị trường tiêu thụ rộng lớn, ngành NTTS Hà Nội có điều kiện phát triển mạnh hơn nữa.

Tiềm năng lớn

Ông Hoàng Tiến Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội, cho biết: Năm 2012, tổng diện tích NTTS của Hà Nội đạt 20.700 ha (tăng 0,7% so năm 2011); trong đó nuôi thâm canh khoảng 10.000 ha, năng suất bình quân 5,2 tấn/ha. Diện tích hồ lớn 4.327 ha chủ yếu khai thác thủy lợi và du lịch (sản lượng trên 500 tấn/năm). Diện tích ao hồ nhỏ 6.706 ha nuôi tận dụng (sản lượng 13.500 tấn/năm). Sản lượng đạt 70.488 tấn (tăng 11,5% so năm 2011). Ngoài diện tích tự nhiên lớn, đối tượng nuôi và hình thức nuôi đa dạng hơn, chất lượng con giống đã được đảm bảo… Thời gian qua, đã có nhiều mô hình nuôi thương phẩm với đối tượng mới có hiệu quả cao như: trắm đen, rô phi đơn tính, rô đầu vuông, chép lai,… Cùng với đó là sự phát triển các dự án NTTS tập trung cho các huyện, thị xã Ba Vì, Quốc Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Thanh Oai, Thường Tín, Chương Mỹ.

6 tháng đầu năm 2013, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 20.700 ha; trong đó diện tích thủy sản có khả năng nuôi thâm canh 9.627 ha, diện tích hồ lớn 4.373 ha, diện tích ao nuôi tận dụng trong khu dân cư 6.700 ha. Các vùng chuyển đổi ruộng trũng sang NTTS tập trung (có diện tích trên 50 ha) tại các huyện Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Ba Vì, Chương Mỹ, Thanh Oai, Sóc Sơn… Sản lượng 6 tháng đầu năm đạt gần 34.000 tấn, bằng 45% kế hoạch năm.

 

Hà Nội có nhiều tiềm năng nuôi trồng thủy sản – Nguồn: Trung tâm Khuyến nông Hà Nội

Năng suất thấp

Cũng theo ông Hoàng Tiến Minh, ngành NTTS Hà Nội còn một số khó khăn. Giống sản xuất chủ yếu là giống thủy sản truyền thống, số lượng mới đáp ứng 70 – 75%, toàn thành phố hiện có 17 cơ sở sản xuất nhân tạo cá giống với tổng diện tích 50 ha. Mỗi năm sản xuất được 700 – 750 triệu con cá bột, 170 – 185 triệu con cá giống các loại. Giống thủy sản chất lượng nuôi đạt năng suất cao chủ yếu được nhập về, do vậy khó chủ động. Sản phẩm không tập trung, một số đối tượng nuôi có chất lượng và giá trị kinh tế cao còn chiếm tỷ lệ thấp trong cơ cấu nuôi thả. Hằng năm, Hà Nội nhập 30 – 35% cá giống từ các tỉnh lân cận. Các giống mới có khả năng xuất khẩu (cá rô phi vằn, cá điêu hồng) và các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao (ba ba, cá trắm đen, cá lăng) phần lớn phải nhập từ địa phương khác.

Năng suất, sản lượng NTTS thấp so với tiềm năng; diện tích nuôi thủy sản thâm canh chiếm tỷ lệ thấp. Cơ sở hạ tầng của nhiều cơ sở sản xuất giống xuống cấp, chất lượng đàn cá bố mẹ và con giống nuôi thương phẩm chưa đảm bảo, một số giống cá chất lượng và hiệu quả kinh tế cao (như chép lai, rô phi đơn tính…) mới đáp ứng được một phần của sản xuất. Việc phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thủy sản chưa đồng bộ: Chưa có cơ sở thu gom, bảo quản, sơ chế, chế biến sản phẩm thủy sản nước ngọt, chợ đầu mối chưa được quy hoạch và đầu tư xây dựng… Nguyên nhân của tình trạng trên do việc quy hoạch ngành thủy sản của thành phố vẫn còn bỏ ngỏ. Dịch vụ nuôi trồng chưa phát triển, nguồn nước NTTS phải tận dụng và sử dụng chung với trồng lúa nên tiềm ẩn nguy cơ thiếu bền vững. Ngoài ra, do thói quen tiêu thụ sản phẩm tươi sống, khả năng tiêu thụ sản phẩm chế biến kém đã không khuyến khích được người nuôi, nhất là doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất các giống chất lượng cao. Hiện, toàn thành phố có 3 cơ sở chế biến thủy sản, sản lượng 15 tấn/ngày, tỷ lệ sản phẩm chế biến mới đạt 8,4%.

 

Chú trọng thủy sản thế mạnh

Để khắc phục những hạn chế trên, theo ông Minh, cần tiếp tục triển khai công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực thủy sản trên địa bàn thành phố; tập trung phát triển một số loài có giá trị kinh tế và là mũi nhọn, mở rộng một số loài nuôi mới có giá trị kinh tế cao. Rà soát công tác quy hoạch thủy sản tại các địa phương về các dự án phát triển vùng nuôi trồng tập trung. Tuyên truyền bảo vệ nguồn lợi thủy sản, kiểm dịch động vật thủy sản; triển khai công tác kiểm tra định kỳ về điều kiện vệ sinh thú y thủy sản đối với một số cơ sở sản xuất giống đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh.

Theo mục tiêu phát triển NTTS giai đoạn 2011 – 2016, định hướng đến 2020, ngành thủy sản Hà Nội sẽ chuyển dịch theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa, tập trung quy mô lớn và có năng suất, chất lượng sản phẩm cao. Trong đó, đến năm 2016, diện tích mặt nước NTTS đạt 21.500 ha, sản lượng 130.000 tấn và đến năm 2020 diện tích đạt 22.500 ha, sản lượng 212.000 tấn.

Để đạt được mục tiêu đó, theo đại diện các sở, ngành, cần hoàn thiện quy hoạch các vùng NTTS đồng bộ, ứng dụng công nghệ tiến bộ vào sản xuất. Trong đó, chú trọng công tác sản xuất giống nhằm đáp ứng yêu cầu cao về cả số lượng lẫn chất lượng. Tăng cường công tác quản lý, thanh kiểm tra, kiểm dịch con giống lưu thông trên địa bàn thành phố để loại những đàn giống kém chất lượng.

Sở NN&PTNT Hà Nội mong muốn cơ quan quản lý hỗ trợ đầu tư xây dựng một trại sản xuất giống cá rô phi tại huyện Ba Vì, để chủ động con giống sớm, đảm bảo chất lượng; hỗ trợ đầu tư nuôi thâm canh công nghệ cao đảm bảo an toàn thực phẩm tại một số vùng nuôi tập trung quy mô 100 – 200 ha…

>> Ông Hoàng Tiến Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội: Cùng với các loài truyền thống, sắp tới, Thành phố chủ trương mở rộng đầu tư loài mới như: cá rô, chim trắng, ưu tiên phát triển tại các huyện có tiềm năng lớn về NTTS như: Ứng Hòa, Phú Xuyên, Thanh Oai, Mỹ Đức… Cùng đó, thành phố sẽ đầu tư xây dựng trung tâm giống công nghệ cao sản, đáp ứng nhu cầu nuôi theo mùa vụ (cá rô phi), đưa các đối tượng khác để làm mô hình nhân rộng. 

Dương Thảo

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!