Tuy đã đạt được những kết quả nhất định, song hoạt động nuôi trồng thủy sản vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức, như điều kiện môi trường ao nuôi, nguồn nước ngày càng xấu đi, dịch bệnh thường xuyên xảy ra, đặc biệt là địa bàn miền Trung thường xuyên bị thiên tai gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động nuôi trồng thủy sản.
Tỷ lệ thành công ở nuôi trồng thủy sản phụ thuộc rất nhiều yếu tố như con giống, môi trường, dịch bệnh, quy hoạch… tuy nhiên, đây chính là điểm yếu của hầu hết các tỉnh ven biển miền Trung trong những năm qua.
Bà Võ Thị Tuyết Hồng, Chi cục trưởng Chi cục nuôi trồng thủy sản Thừa Thiên Huế lo lắng, nguồn giống là yếu tố có vai trò quyết định, nhưng hiện nay nguồn tôm giống trên địa bàn tỉnh sản xuất ra chỉ đáp ứng từ 10 – 20% nhu cầu toàn tỉnh, số còn lại phải nhập từ các tỉnh phía Nam.
Trong khi đó, nuôi trồng thủy sản có tính mùa vụ cao, đường vận chuyển lại xa, nên người mua thường không chọn kỹ giống, một số hộ ham rẻ mua giống trôi nổi, không đảm bảo đây cũng chính là nguyên nhân gây bệnh.
Sợ bị dịch bệnh nên nhiều hồ nuôi tôm ở huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế phơi nắng – Ảnh: Chinhphu.vn
Theo thống kê, từ năm 2005 đến nay số trại giống trên địa bàn tỉnh ngày càng giảm, từ 29 trại xuống còn 12 trại năm 2009, mà nguyên nhân là do điều kiện thời tiết ngày càng khắc nghiệt không phù hợp với sản xuất giống, thị trường tiêu thụ nhỏ, tính mùa vụ lại cao tập trung vào một thời điểm ngắn và cán bộ kỹ thuật còn non, không cạnh tranh nổi với các địa phương phía Nam.
Đối với Quảng Nam, tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có 37 trại sản xuất tôm sú hoạt động, cùng với các trại giống nước ngọt ở Phú Ninh và Công ty TNHH Viet No, đang sản xuất giống cá rô phi và các nhóm cá truyền thống, đã cơ bản đáp ứng nhu cầu giống thủy sản nước ngọt tại địa phương và một phần xuất đi các tỉnh phía Bắc.
Phát triển nuôi trồng ồ ạt, thiếu quy hoạch làm môi trường ở đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, Thừa Thiên Huế ngày càng bị ô nhiễm – Ảnh: Chinhphu.vn
Theo ông Ngô Tấn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam, nguồn giống thiếu ổn định, không đảm bảo làm tôm nuôi bị bệnh là nguyên nhân chính gây ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của nghề này. Bệnh tôm nuôi xảy ra hàng năm, nhất là trong bốn tháng đầu năm làm thiệt hại hơn 600 ha/1.200 ha thả nuôi tại thời điểm đó.
Ông Ngô Tấn nói thêm, không chỉ Quảng Nam, bệnh tôm nuôi còn xảy ra ở nhiều tỉnh, thành miền Trung làm cho hoạt động sản xuất giống ngưng trệ dẫn đến thiếu hụt con giống trong 6 tháng cuối năm, gây cản trở đến tiến độ sản xuất trở lại của người nuôi.
Trong khi Thừa Thiên Huế và Quảng Nam gặp khó khăn về nguồn giống tôm thì Đà Nẵng vẫn đang đối diện với thực trạng quy hoạch. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đà Nẵng, tốc độ đô thị hóa cao đã làm diện tích nuôi trồng thủy sản của thành phố ngày càng thu hẹp, đến thời điểm này chỉ còn khoảng hơn 500 ha, trong đó diện tích nuôi nươc lợ còn chưa đầy 50 ha. Thương hiệu tôm sú giống Đà Nẵng phát triển mạnh cách đây 5 năm, thời điểm cao nhất có đến 200 trại giống nhưng đến nay chỉ còn 37 trại, hoạt động thiếu ổn định. Mặt khác, Đà Nẵng chưa có chính sách khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản đã ảnh hưởng rất lớn đến ngành nghề này.
Một thực trạng khá phổ biến ở các tỉnh miền Trung hiện nay là phát triển nuôi trồng ồ ạt, thiếu quy hoạch làm môi trường ngày càng bị ô nhiễm, dịch bệnh thường xuyên xảy ra khiến người nuôi lao đao. Mặt khác ý thức và nhận thức về môi trường của phần lớn người nuôi chưa cao, người dân tự ý xả nước tôm bị bệnh ra môi trường đã đe dọa nghiêm trọng đến tính bền vững nghề nuôi trồng thủy sản.
Số liệu năm 2010 cho thấy, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế, có gần 1.000 ha tôm bị bệnh trên tổng số 3.600 ha nuôi tôm. Tại Quảng Nam, bệnh trên tôm nuôi xảy ra trong những tháng đầu năm 2010, làm giảm sút năng suất tôm nuôi nên sản lượng nước lợ vùng triều giảm 1.130 tấn, nguyên nhân chính của hiện tượng này là do ô nhiễm môi trường, và thời tiết nắng nóng.
Thế Lực
Theo Website Chính Phủ VN