Thủy sản Na Uy: Nguyên tắc “xanh, sạch và bền vững”

Chưa có đánh giá về bài viết

Nhắc tới thủy sản Na Uy, người ta nghĩ ngay đến hiệu quả quản lý hoạt động toàn ngành. Quốc gia này gần như chưa bao giờ mắc sai phạm; bởi vậy, sản phẩm thủy sản Na Uy luôn gắn liền với “xanh, sạch và bền vững”.

Quản lý chặt

Na Uy là một trong những quốc gia chống nạn khai thác thủy sản trái phép và không khai báo (IUU) tích cực nhất. Đây cũng là nước tiên phong thành lập tổ chức quốc tế chống lại tội phạm ngành thủy sản. Gần đây nhất, quốc gia này đã thành lập Tổ chức tình báo hoạt động thủy sản bắc Đại Tây Dương tại Oslo, cùng các thành viên Na Uy, Anh, Đức, Hà Lan, Ireland, Đan mạch, Iceland. Các quốc gia đều quyết tâm nhổ bỏ tận gốc nạn IUU.

Na Uy nổi tiếng với thủy sản sạch – Nguồn: Visitnorway

Na Uy luôn giữ lập trường cứng rắn về việc loại bỏ sản lượng không mong muốn. Từ năm 1987,  trước khi EU đưa quyết sách về loại bỏ sản lượng không mong muốn và sửa đổi Chính sách nghề cá chung, Na Uy là một trong những quốc gia đầu tiên ở châu Âu thực thi lệnh cấm loại bỏ sản lượng không mong muốn. Việc loại bỏ sản lượng không mong muốn là một sự lãng phí nguồn tài nguyên, làm sai lệch thông tin sản lượng khai thác. Na Uy cũng thiết lập giới hạn cụ thể cho sản lượng đánh bắt không mong muốn đồng thời quy định ngư trường khai thác. Na Uy đã đóng cửa một số ngư trường để phục hồi nguồn lợi biển Barent từ năm 1984. Ngoài ra, Na Uy cũng áp dụng nhiều biện pháp hữu hiệu nhằm bảo tồn nguồn lợi, như quy định cỡ lưới khai thác, sử dụng ngư cụ khai thác hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, bảo tồn nguồn lợi, giảm thiểu sản lượng không mong muốn.

 

Liên kết xóa bỏ rào cản

Dù không phải là thành viên của EU nhưng Na Uy cũng được hưởng lợi thuế nhập khẩu thấp với mặt hàng cá hồi nguyên con và nhiều sản phẩm thủy sản khác thông qua Hiệp hội mậu dịch tự do châu Âu (EEA). Trước đây, các mặt hàng của Na Uy từng bị kiện bán phá giá tại thị trường EU. Ngư dân Na Uy bị cảnh sát biển EU cấm khai thác cá thu mackerel trên hải phận EU vào tháng 11/2009. Điều này tổn hại nghiêm trọng tới doanh thu của toàn ngành thủy sản. Rào cản thực sự được gỡ bỏ dần khi Na Uy và EU cùng thỏa hiệp tập trung giảm sản lượng đánh bắt không mong muốn. Đây là việc làm được EU hoan nghênh vì nó góp phần bảo tồn nguồn lợi, bảo vệ hệ sinh thái biển. Hiện nay, lệnh cấm vứt bỏ sản phẩm đánh bắt không mong muốn được thực thi trên khắp các ngư trường ở North Sea và biển Barent.

Theo hiệp ước ba bên giữa Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển, Cơ quan quản lý thủy sản Na Uy sẽ giám sát chặt hoạt động khai thác ở vùng biển Skagerrak và Kattegat. Sự thỏa hiệp trên góp phần tăng phạm vi quản lý, giám sát của các cơ quan lên 4 dặm hải lý từ đường biên giới trong khu vực. Không chỉ đồng hành với EU, Na Uy cũng xây dựng quan hệ tốt đẹp với Nga trong lĩnh vực quản lý ngành thủy sản, chia sẻ sản lượng cá tuyết cod, haddock và capelin với Nga trên vùng biển Barent.

Mọi sự nỗ lực đổi mới ngành thủy sản của Na Uy cũng được đền đáp xứng đáng. Năm 2014,  xuất khẩu thủy sản Na Uy tăng vọt, trị giá 68,8 tỷ NOK, tăng 12% so với năm 2013. Ngành nuôi trồng thủy sản cũng gặt hái nhiều thành công, và đang lớn mạnh suốt 1 thập kỷ qua, đặc biệt là hoạt động nuôi cá hồi. Sản lượng toàn ngành đạt 1,4 triệu tấn năm 2014, trong đó cá hồi chiếm 99%, tương đương trị giá 32,2 tỷ NOK. Sức tiêu thụ tại thị trường châu Á cũng đang tăng cao do sự sụt giảm từ thị trường Nga sau lệnh cấm. Thành công liên tiếp càng làm các nhà xuất khẩu thủy sản Na Uy nỗ lực phấn đấu, tìm kiếm và mở rộng nhiều thị trường khác. Trong tương lai không xa, Na Uy sẽ đàm phán thành công Hiệp định thương mại với Ấn Độ, mở rộng cửa vào thị trường tiềm năng này.

>> Chính phủ Na Uy đặt trọng tâm vào đầu tư nghiên cứu hải dương nhằm đổi mới ngành thủy sản và phát triển kinh tế. Quỹ nghiên cứu đại dương được cấp 3,2 tỷ NOK/năm, trong đó 2 tỷ từ chính phủ.

Tuấn Minh

Worldingfishing

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!