T5, 20/07/2023 03:13

Thủy sản Nhật Bản đứng trước nguy cơ bị tẩy chay

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Từ khi Nhật Bản đưa ra kế hoạch xả 1 triệu tấn nước nhiễm phóng xạ đã xử lý ra Thái Bình Dương khi các thùng đựng nước sẽ hết sức chứa vào đầu năm 2024, những lo ngại và căng thẳng đã không ngừng dấy lên trong khu vực.

Phản đối mạnh mẽ từ Trung Quốc

Theo thông tin từ Reuters, ngày 19/7/2023, một số lô hàng thủy sản của Nhật Bản xuất khẩu qua hải quan Trung Quốc đã bị chặn lại để tiến hành xét nghiệm phóng xạ. 

Trước đó, Trung Quốc đã thẳng thắn phản đối kế hoạch của Nhật Bản và cho rằng “Đại dương không phải kênh tháo nước của riêng Nhật Bản”, đồng thời Trung Quốc cũng mở rộng lệnh cấm nhập khẩu thủy sản từ Fukushima, theo đó, thủy sản có nguồn gốc từ 10/47 tỉnh của Nhật Bản sẽ bị cấm xuất sang Trung Quốc, bao gồm cả thủ đô Tokyo. Thủy sản của các tỉnh khác phải được xét nghiệm phóng xạ trước khi vào Trung Quốc.

Ông Wang Wenbin, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc cho rằng: “Nếu việc thải nước nhiễm phóng xạ này thực sự không nguy hiểm, vậy tại sao nghề cá ở Fukushima lại được dự báo là sẽ bị ảnh hưởng? Nếu không vì bản án lương tâm, tại sao chính phủ Nhật Bản lại xoa dịu người dân bằng cách trả tiền bồi thường?”.

Những thùng đựng nước từ nhà máy hạt nhân Fukushima Dai-ichi ở thị trấn Okuma, tỉnh Fukushima, Nhật Bản. Ảnh: Reuters/Kim Kyung-Hoon

Hồng Kông sẵn sàng tìm sản phẩm thay thế

Các nhà hàng bán đồ ăn Nhật Bản tại Hồng Kông đang chạy đua tìm sản phẩm thay thế trước thông tin sẽ có lệnh cấm nhập khẩu thủy sản Nhật Bản vào Hồng Kông.

Shinya Goshima, Quản lý nhà hàng đồ ăn Nhật Omakase Godenya ở Hồng Kông cho biết đang tìm kiếm nguyên liệu thay thế cho nhum biển nhập khẩu từ tỉnh Miyagi hoặc Hokkaido. 10% nguyên liệu chế biến tại nhà hàng của anh đều được mua trực tiếp từ các nhà cung cấp Nhật Bản. 

Dennis Wu, giám đốc điều hành của Hiệp hội Nhà hàng Nhật Bản tại Hồng Kông cho biết các thành viên đều lo ngại và đang chuẩn bị cho phương án thay thế nếu lệnh cấm chính thức ban hành, bởi hầu hết sản phẩm thủy sản nhập khẩu theo mùa đều từ Nhật Bản. Nhiều thành viên đang tìm kiếm nhà cung cấp mới. Tuy vậy, họ cũng không ngần ngại bày tỏ quan điểm phản đối trước kế hoạch của Nhật Bản: “Nếu chính quyền Nhật Bản có đủ tự tin về việc xử lý nước thải, tại sao họ không tìm nguồn tiêu thụ trong nước thay vì phải thải ra đại dương?”

Ông Wu cho biết người tiêu dùng Hồng Kông cũng đang rất quan tâm vấn đề này, một số đã lên tiếng nếu Nhật Bản thực sự thải nước ra đại dương, họ sẽ tẩy chay thực phẩm thủy sản Nhật Bản.

Sushi và sashimi ở siêu thị Hồng Kông. Ảnh: Getty Images

Người dân Hàn Quốc biểu tình phản đối

Tại Hàn Quốc, mặc dù Chính phủ nước này xác nhận mức độ an toàn trong kế hoạch xả thải của Nhật Bản, mức độ nhiễm phóng xạ trong nước nằm trong tiêu chuẩn cho phép; nhưng tuyên bố này đã vấp phải phản ứng trái chiều vô cùng gay gắt của người dân xứ sở kim chi. Hàng ngàn người phản đối đã xếp hàng dài trên đường cùng băng rôn khẩu hiệu tại khu vực thương mại ở Seoul.

Ông Kim Kwang-shik, một ngư dân ở Hàn Quốc lên tiếng: “Nếu những thùng nước ở Fukushima đó an toàn (như lời Nhật Bản nói) thì tại sao không để trên mảnh đất của Nhật mà phải đổ ra biển như thế!”. Trong một tuyên bố, Hiệp hội các ngư dân ở Hàn Quốc đã nói: “Chính phủ Nhật Bản nên đưa ra nhiều giải pháp bao gồm giải pháp lưu trữ lâu dài trên đất liền, thay vì phá hủy sự sống của Thái Bình Dương và tất cả ngư dân đang sống nhờ vùng biển này”.

Người dân Hàn Quốc biểu tình phản đối kế hoạch của Nhật Bản. Ảnh:Xinhua

Một bản khảo sát được thực hiện bởi 1.000 người dân trưởng thành ở Hàn Quốc cho thấy 85,4% phản đối kế hoạch xả nước từ nhà máy Fukushima của Nhật Bản, và 72% nói rằng họ sẽ tẩy chay sản phẩm thủy sản của Nhật Bản.

An Vy

Theo Japantimes

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!