Thủy sản thế giới 2020: Sản lượng tăng, giá giảm

Chưa có đánh giá về bài viết

Nhận định về thị trường thủy sản thế giới trong những năm tiếp theo, các chuyên gia quốc tế và trong nước đều cho rằng, sản lượng của ngành thủy sản tiếp tục tăng và giá thủy sản sẽ không tăng mà có thể sẽ giảm dần do nguồn cung ngày càng phong phú hơn.

Dịch chuyển sang NTTS

Trước kia, khi nói tới ngành thủy sản, người ta đều nói tới khuynh hướng đánh bắt tự nhiên, song khi dân số thế giới ngày càng phát triển, nguồn tài nguyên thiên nhiên dần cạn kiệt, những năm gần đây hầu hết các nước đều dần chuyển sang NTTS để tránh việc phụ thuộc vào đánh bắt tự nhiên. Xu hướng này vẫn tiếp tục lan rộng khắp thế giới và ngày càng xuất hiện nhiều quốc gia nuôi trồng, xuất khẩu thủy sản. 

Nuôi trồng thủy sản ngày được chú trọng hơn tại nhiều quốc gia – Ảnh: PTC

Thông tin tại Hội nghị Triển vọng toàn cầu cho các Lãnh đạo Nuôi trồng thủy sản (GOAL) 2019 dự báo rằng, sản lượng tôm thế giới tăng 5% năm 2020 đạt trên 5 triệu tấn. GOAL cũng dự báo sản lượng tăng thêm 5% năm 2021 lên gần 5,3 triệu tấn. Như vậy, sản lượng tôm tăng liên tục từ 6,2% trong giai đoạn 2015 – 2017 đến 2021 và dự kiến sau năm 2021 sản lượng tôm vẫn tăng, nhưng sẽ ở một tốc độ chậm hơn. GOAL dự kiến Đông Nam Á sẽ thu vượt 1,8 triệu tấn tôm vào năm 2021, Trung Quốc có thể đạt 1,5 triệu tấn, châu Mỹ ước đạt 1,2 triệu tấn. Ấn Độ dự kiến vẫn ổn định ở dưới mức 600.000 tấn. Sản lượng tôm Thái Lan dự kiến đạt gần 300.000 tấn, Indonesia dự kiến vượt 400.000 tấn năm 2021. Tại châu Mỹ Latinh, sản lượng tôm của Ecuador dự kiến tăng 13% trong giai đoạn 2013 – 2021 với sản lượng ước đạt 600.000 tấn năm 2020 và đạt gần 700.000 tấn năm 2021.

 

Khó khăn ngành tôm chỉ là tạm thời

Hoạt động sản xuất TTCT Ấn Độ gặp nhiều khó khăn trong năm 2019, khiến sản lượng tôm Ấn Độ giảm khoảng 15 – 20%. Hai nguyên nhân chính là dịch bệnh và mưa nhiều. Tôm Ấn Độ hiện hiệu quả chưa cao, tôm nuôi chậm lớn và size nhỏ; song các doanh nghiệp Việt Nam đánh giá cao tiềm năng của Ấn Độ và cho rằng Ấn Độ sẽ sớm khắc phục được hạn chế của họ và tôm nước này sẽ có sản lượng và chất lượng tương đương với tôm Việt Nam trong một thời gian không xa nữa. 

Sản xuất tôm tại các quốc gia lớn ở châu Á (2013 – 2021) – Nguồn: GOAL

Năm 2020, các nhà nuôi tôm Ấn Độ dự kiến sẽ khôi phục được sản lượng, do đó, giá tôm Ấn Độ đưa ra trong năm 2020 khả năng cũng không tăng. Ngành tôm Thái Lan cũng phục hồi chậm do dịch bệnh vẫn tiềm ẩn. Trao đổi với phóng viên, một doanh nghiệp nuôi tôm hàng đầu tại Thái Lan cho biết: “Chính phủ chúng tôi chủ động hạn chế nuôi tôm, tránh dịch bệnh lan rộng. Khi khắc phục được dịch bệnh, chúng tôi sẽ nhanh chóng khôi phục được sản lượng, do ngành tôm Thái Lan chủ động được con giống, thức ăn và có thị trường”. Khảo sát các vùng nuôi tôm của Thái Lan cho thấy, các doanh nghiệp Thái Lan đang âm thầm nỗ lực cải tạo con giống, hiện đại hóa các vùng nuôi, nhiều vùng nuôi của Thái Lan đã có đầu tư tương đương với Việt Nam. Năm 2020, Thái Lan rất kỳ vọng sẽ phục hồi ngành tôm của mình và tăng cường xuất khẩu. Trong khi, Ecuador cũng nổi lên như một đất nước nuôi tôm với tỷ lệ thành công cao, rất hiệu quả và giá thành hạ; điều này cho thấy, đây cũng là một đối thủ tiềm tàng của ngành tôm thế giới.

 

Bỏ cá rô phi, nuôi cá tra

Năm 2019, giá cá tra tại các vùng nuôi của Việt Nam có xu hướng giảm; chủ yếu do nguồn cung thế giới ngày càng dồi dào. Năm 2020, tình hình được dự báo cũng không sáng sủa hơn. Sản lượng cá tra của Ấn Độ sẽ tăng. Ấn Độ mở rộng vùng nuôi cá tra từ bang Andhra Pradesh sang các bang Bihar, Tripura, Uttar Pradesh và West Bengal. Liên đoàn Hợp tác Nghề cá (COFFED) cho rằng, sản lượng thủy sản của bang Bihar có thể tăng gấp 10 lần trong 2 năm tới khi nông dân chuyển sang nuôi cá tra thay cá chép bản địa và các loại cá da trơn khác. 

Theo số liệu của Tổng cục Thủy sản, Việt Nam đã sản xuất 1,42 triệu tấn cá tra trong năm 2018, trong khi đó Ấn Độ đã đạt sản lượng 590.000 tấn; Bangladesh và Indonesia sản lượng lần lượt là 524.000 tấn và 485.000 tấn. Sản lượng cá tra của Ấn Độ sẽ tăng 8% lên 630.000 tấn vào năm 2020, trong khi Indonesia sẽ tăng 16% lên 562.000 tấn trong cùng khoảng thời gian này. 

Diện tích nuôi cá tra tăng đột biến trong mấy năm gần đây là do nhiều quốc gia đã chuyển từ nuôi cá rô phi sang cá tra, dựa trên nền tảng ao nuôi có sẵn, việc dịch chuyển sang nuôi cá tra diễn ra rất nhanh chóng. Hiện tại, đa số các quốc gia như Ấn Độ, Indonesia chỉ nuôi cá tra để cung ứng cho thị trường nội địa. Trung Quốc cũng khuyến khích nuôi cá tra. Khả năng các nước tham gia xuất khẩu cá tra chỉ là vấn đề thời gian.

 

Thích ứng

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo một doanh nghiệp thủy sản lớn chia sẻ: “Chúng tôi là một trong những nhà xuất khẩu tôm lớn của thế giới. Theo dõi xu hướng của thị trường, có thể thấy nguồn cung của thế giới ngày càng phong phú, do vậy, giá tôm trong năm 2020 và những năm tiếp theo sẽ khó tăng, thậm chí sẽ giảm”. Theo doanh nghiệp này, nguyên tắc của một ngành nuôi trồng phát triển đó là giá thành sẽ giảm, giá bán giảm, nhưng sản lượng tiêu thụ sẽ tăng. Giá tôm giảm, sẽ kích thích tiêu dùng, nhiều người sẽ ăn tôm thường xuyên. Như vậy, bù lại việc giá giảm thì sản lượng tiêu thụ sẽ tăng. Bởi vậy, nhìn tổng thể thì các doanh nghiệp cũng không thiệt hại nhiều, mà người tiêu dùng lại có cơ hội tiếp cận với sản phẩm giá cả rẻ hơn.

Theo các doanh nghiệp, ngành tôm đã có bước đột phá về khoa học, hiện nay đã có những quy trình nuôi trồng mà tỷ lệ thành công lên tới 95%, thay vì 50% như trước đây. Trong bối cảnh như vậy, việc sản lượng tôm thế giới ngày càng tăng là điều tất yếu. Để có lợi nhuận tốt, các doanh nghiệp ngành tôm Việt Nam sẽ cần giảm thiểu chi phí, đồng thời tăng sản lượng, mở rộng vùng nguyên liệu.

>> Theo dự báo của FAO, khoảng 31% tổng sản lượng cá tự nhiên và nuôi trồng sẽ được xuất khẩu trong năm 2030 (38% với EU). Tính về lượng, giao dịch sản phẩm dùng cho con người dự báo tăng 24% đạt hơn 48 triệu tấn (60,6 triệu tấn nếu tính cả giao dịch nội khối EU). Tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu hàng năm dự báo giảm từ mức 2,3% trong giai đoạn từ 2013 – 2016 xuống mức 1,5% trong giai đoạn từ 2017 – 2030.

Nguyên Anh 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!