Thủy sản Tuy Phong (Bình Thuận): Nuôi trồng khó khăn, tôm giống hiệu quả

Chưa có đánh giá về bài viết

Ngoài thế mạnh khai thác hải sản, nuôi trồng thủy sản Tuy phong cũng có những ưu thế nhất định. Nhưng riêng năm qua, tình hình nuôi trồng thủy sản Tuy Phong gặp nhiều khó khăn chỉ có sản xuất tôm giống là khá hiệu quả.

Điều dễ nhận thấy đối với nuôi thủy sản nước lợ năm nay, là tình hình thời tiết không chỉ Tuy Phong mà cả tỉnh Bình Thuận rất phức tạp, nắng nóng bất thường, môi trường vùng nuôi bị ô nhiễm và nguồn giống có lúc không bảo đảm chất lượng; phần nào làm ảnh hưởng đến tôm phát triển, dịch bệnh đỏ thân, bệnh hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu vẫn còn xảy ra rải rác hầu hết ở các khu vực nuôi. Vì vậy, đã gây thiệt hại đến tình hình sản xuất, sản lượng tôm không đạt, giá tôm thành phẩm lại thấp so với năm 2011. Tổng diện tích trên địa bàn Tuy Phong thả tôm nuôi trong năm khoảng 600 ha, diện tích hiện còn đang nuôi khoảng 100 ha. Diện tích phải thu non trên 70 ha, diện tích đã thu hoạch đến nay được trên 400 ha/ 4.260 tấn đạt so với cùng kỳ nhưng chỉ đạt 85% so kế hoạch.

Đối với sản xuất tôm giống, mặc dù nghề nuôi tôm thịt không thuận lợi nhưng các cơ sở sản xuất tôm giống lại hoạt động khá hiệu quả, sản lượng đạt hơn năm trước. Nguồn tiêu thụ chủ yếu tập trung ở các tỉnh phía Nam và miền Trung. Sản lượng tôm giống năm nay là 14 tỷ post, đạt 155,5% so với kế hoạch và 112% so với cùng kỳ.

Về nuôi trồng thủy sản nước ngọt trên địa bàn Tuy Phong hầu như không đáng kể, chủ yếu nhỏ lẻ. Trong năm chỉ có 2 hộ nuôi cá lóc với diện tích mặt nước 0,9 ha tại Phong Phú với quy mô công nghiệp, trong đó có 0,4 ha đã thu hoạch, sản lượng đạt 25 tấn. Hiện còn 0,5 ha ao nuôi cá được khoảng 6 tháng và phát triển bình thường.

Riêng về nuôi lồng bè, trên vùng biển tại xã Vĩnh Tân tình hình nuôi thủy sản cũng gặp nhiều khó khăn, trước đây có 213 lồng nhưng do ảnh hưởng đợt thủy triều đỏ trong năm 2011 làm một số lồng nuôi cá bị chết nên số lồng nuôi đã giảm nhiều. Tuy nhiên gần đây, do giá tôm hùm giống thấp nên hầu hết người nuôi trước đây đều thả tôm nuôi lại. Hiện nay có 12 bè với khoảng 168 lồng đang nuôi chủ yếu  là tôm hùm xanh, một số bè nuôi cá giò và cá mú thương phẩm.

Nhiệm vụ đặt ra cho nuôi trồng thủy sản Tuy Phong trong thời gian tới là phải chú trọng quản lý tình hình nuôi tôm thẻ và sản xuất giống thủy sản trên địa bàn huyện tránh để dịch bệnh gây thiệt hại cho người nuôi. Về giải pháp nhằm khôi phục và phát triển nuôi trồng thủy sản, trong đó chính quyền Tuy Phong lưu ý việc thực hiện tốt công tác quản lý các vùng nuôi tôm tập trung, từng bước tháo gỡ khó khăn và phục hồi nuôi tôm hùm lồng ở Vĩnh Tân.

Đông Bình

Báo Bình Thuận

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!