T2, 06/07/2020 10:39

Thủy sản Việt Long Sài Gòn: Thành công nhờ tạo sự khác biệt

Chưa có đánh giá về bài viết

Lấy chất lượng làm chủ đạo và thực hiện những bước đi riêng, từ một xí nghiệp nhỏ, Việt Long Sài Gòn đang tiến tới vị trí hàng đầu trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Ông Nguyễn Xuân Châu (ảnh), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Long Sài Gòn có những chia sẽ thú vị với Thủy sản Việt Nam về những giá trị cốt lõi mang lại thành công cho Công ty.

Những thành tựu nổi bật nhất Việt Long Sài Gòn đạt được sau gần 40 năm phát triển là gì, thưa ông?

Tiền thân của Việt Long Sài Gòn là một xí nghiệp chế biến hải sản của tư nhân được tiếp nhận từ năm 1976. Trải qua 38 năm xây dựng và phát triển, Việt Long đã đạt được nhiều thành tựu lớn.

Về cơ sở vật chất, Việt Long Sài Gòn đã xây dựng cho mình một nhà máy chế biến thủy sản đông lạnh tại Quận 8, TP Hồ Chí Minh, với diện tích khoảng 4.000 m2, gồm 4 dây chuyền sản xuất thủy sản đông lạnh và thực phẩm chế biến. Cùng đó, Việt Long Sài Gòn phát triển 30 ha nuôi cá chẽm tại Bạc Liêu và 40 ha nuôi thủy sản ở Phú Yên, chủ yếu tôm cá biển, nhằm chủ động nguồn nguyên liệu cho sản xuất.

Về phân phối lưu thông, Công ty đã phát triển một trung tâm kho lạnh phân phối tại quận Tân Bình với diện tích hơn 1.100 m2 và Trung tâm Nghiên cứu giống tại Nhà Bè 4.500 m2.

Về nguồn lực, Việt Long Sài Gòn đã xây dựng, đào tạo được đội ngũ quản lý và cán bộ nhân viên khá chuyên nghiệp. Số lượng công nhân lành nghề có thời điểm đạt hơn 1.000 người, 250 cán bộ hoạt động thường xuyên tại nhà máy và 200 công nhân tại các xí nghiệp nuôi trồng.

 

Thời gian qua, do ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế nên nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu gặp khó khăn. Giải pháp cho vấn đề này của Công ty thế nào, thưa ông?

Suy thoái đã tác động lớn đến sức mua của thị trường. Bên cạnh đó, những thay đổi của DOC cũng như những ràng buộc mang tính pháp lý về thuế suất của hàng Việt Nam khi vào thị trường thế giới đã trở thành một bài toán khó và là thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, xét về góc độ khác thì đó chính là động lực lớn để các doanh nghiệp lựa chọn những bước đi thích hợp cho mình.

Việt Long Sài Gòn đã chọn con đường không chạy theo số đông. Công ty có thế mạnh là con cá lưỡi trâu fillet vào thị trường Nhật Bản; giá có thể cao hơn một số doanh nghiệp khác nhưng các tập đoàn lớn của Nhật vẫn rất thích mua hàng của Công ty, sản phẩm của Công ty được xuất sang Nhật Bản hằng tháng và được bán tại nhiều siêu thị lớn tại đây. Cùng đó là sản phẩm cá chẽm từ nguồn đánh bắt xuất sang thị trường Australia và Anh, số lượng ổn định hằng tháng, có những đơn hàng được ký kết liên tục trong một năm – Đó là lối đi hẹp, ít cạnh tranh và lấy chất lượng làm chủ đạo.

 

Bên cạnh việc tạo dựng cho mình những lối đi riêng về chiến lược sản phẩm, thị trường, còn có những yếu tố nào đã góp phần làm nên thành công của Việt Long Sài Gòn?

Một trong những yếu tố giúp Việt Long Sài Gòn thành công trong những năm qua là việc đổi mới công tác quản trị. Tại Công ty, chúng tôi sử dụng phương pháp tối ưu hóa tất cả chi phí để đưa ra lợi thế cạnh tranh về hiệu quả tài chính, tài sản khấu hao hiện không còn cộng vào giá thành, do đó tạo được thêm lợi thế về giá. Bên cạnh đó, thực hiện tối ưu hóa tay nghề công nhân, với đội ngũ có tay nghề và làm việc lâu dài, đa phần 5 – 7 năm, có nhiều người gắn bó tới gần 30 năm.

Bên cạnh đó, Công ty cũng phát triển một số khách hàng tiềm năng cho những thị trường mới. Như, gần đây Việt Long Sài Gòn đã tham gia thị trường Trung Đông, Nam Mỹ và đã có những khách hàng mới ở Dubai, Brazil, Sirlanka (3 khách hàng này Công ty kết nối trong năm 2013).

 

Thời gian tới, mục tiêu và chiến lược của Công ty là gì?

Về chiến lược sản phẩm, chúng tôi sẽ tập trung cho các sản phẩm giá trị gia tăng cao, cụ thể là sản phẩm thực phẩm chế biến cho thị trường mới. Đồng thời, Công ty xác định, thời gian tới, thị trường nội địa và xuất khẩu sẽ 50/50. Nếu các doanh nghiệp trước đây làm thị trường nội địa trước rồi tiến tới xuất khẩu thì nay Việt Long Sài Gòn làm ngược lại, quay về thị trường nội địa và lấy TP Hồ Chí Minh làm chủ đạo. Mặt khác, tại đây chúng tôi không xác định những sản phẩm xa xỉ, giá cao mà đi vào phân khúc hàng bình dân, dành cho giới lao động, công nhân, công chức, cán bộ văn phòng vẫn có thể thưởng thức những sản phẩm mang tiêu chuẩn Nhật Bản, EU nhưng giá Việt Nam.

Trụ sở Công ty CP Việt Long Sài Gòn

Hiện nay, tại thị trường nội địa, Việt Long Sài Gòn có 3 dòng sản phẩm chính là nhóm sản phẩm phụ phẩm sau chế biến xuất khẩu (vẫn đảm bảo tiêu chuẩn, quy trình HACCP, cung cấp cho nhà hàng, khách sạn, quán ăn); nhóm sản phẩm dành cho công nhân viên chức (một số món ăn mặn “giá rẻ bất ngờ”) và nhóm sản phẩm đông lạnh chế biến (đưa vào siêu thị, nhà hàng lớn).

Việt Nam có nhiều lợi thế về mặt hàng thủy sản nhưng chưa tạo được vị thế tương xứng trên thị trường thế giới. Theo ông, vì sao như vậy và cần giải pháp thế nào?

Tôi chỉ có thể dùng từ “bát nháo” cho những gì đã diễn ra đối với hoạt động nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam thời gian qua. Chính chúng ta đang cạnh tranh thiếu lành mạnh với nhau và cùng nhau tạo ra khó khăn cho mình chứ không phải không đủ khả năng cạnh tranh.

Thực tế hiện nay nhiều doanh nghiệp không có mét vuông nhà xưởng nào nhưng vẫn đi ký kết hợp đồng xuất khẩu với các khách hàng trên thế giới và để có lợi nhuận nhiều khi họ lại tìm đến đặt hàng cho những nhà máy không đáp ứng tiêu chuẩn, không trung thực về bao bì, trọng lượng. Vấn đề nguyên liệu cũng vậy, nhiều doanh nghiệp nước ngoài bằng cách này cách khác thao túng nguồn nguyên liệu; hậu quả là các nhà máy trong nước thiếu nguyên liệu sản xuất, công nhân mất việc làm, kéo theo nhiều hệ lụy mà xã hội phải gánh chịu. Cá basa, cá tra là món quà thiên nhiên ban tặng mà chúng ta không làm chủ được thị trường thì thật đáng tiếc.

Theo tôi, để phát triển bền vững và tự cứu mình, mỗi doanh nghiệp cần có chiến lược riêng; nên chọn cho mình sản phẩm đặc trưng, không nên chạy theo phong trào. Về phía cơ quan quản lý cần có chế tài để loại trừ những doanh nghiệp ảnh hưởng xấu đến thị trường, nếu thấy cần thiết thì áp dụng giá sàn cho giá xuất khẩu, có như vậy mới ổn định được thị trường, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh và giúp ngành thủy sản phát triển bền vững.

>> Sản phẩm của Việt Long Sài Gòn đã có chỗ đứng vững chắc tại các thị trường EU, Nhật Bản, Mỹ… với doanh số chừng 20 triệu USD/năm. Doanh số chưa lớn, nhưng Công ty tự hào đã xây dựng được một thương hiệu phát triển bền vững; chưa khách hàng nào phàn nàn chất lượng về sản phẩm.

Quốc Hưng (thực hiện)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!