Thủy sản Việt Nam 2012: Nhận diện từ cơ sở

Chưa có đánh giá về bài viết

Một năm đầy khó khăn của ngành thủy sản trôi qua, giữa bộn bề lo toan và hy vọng, lắng nghe tiếng nói từ cơ sở để có cái nhìn đi tới trong năm mới.

Chất lượng tôm thấp

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Ủy ban Tôm của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty CP Chế biến Thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng) nói, chất lượng tôm nguyên liệu trong nước còn thấp. Ông lý giải: Chỉ riêng việc tồn dư chất Ethoxyquin đã là vấn đề khó khăn cho doanh nghiệp chế biến. Tình hình thiệt hại kéo dài khiến người nuôi tôm bất an nên một số hộ nuôi lén sử dụng kháng sinh dưỡng tôm giai đoạn đầu. Mặt khác, khi chúng ta siết chặt chất Cypermethrin, một số người nuôi tôm quay lại sử dụng chất Cloramphenicol và nhanh chóng bị các nước nhập khẩu phát hiện. Từ ngày 19/11/2012, Hàn Quốc bắt đầu kiểm tra chất Ethoxyquin đối với tôm Việt Nam, ngưỡng thấp như Nhật Bản là 10 ppb. Chúng ta tự gây khó, do quản lý đầu vào chưa tốt. Và ông Lực cảnh báo: Nếu tình trạng các chất cấm bị phát hiện kéo dài sẽ phát sinh hiệu ứng domino; khi đó sẽ có thêm hàng loạt nước tăng kiểm soát đối với con tôm Việt Nam.

Những rào cản kỹ thuật đối với con tôm Việt Nam đang được nhiều nước khác dựng nên. Vì vậy, các cơ quan thẩm quyền cần nhanh chóng hơn, linh hoạt hơn trong việc xử lý những hóa chất cần cấm hoặc hạn chế sử dụng sao tương đồng quy định từ thị trường tiêu thụ tôm chủ yếu của ta. Đối với chất kháng sinh Enrofloxacine, phía Nhật cho dư lượng 10 ppb, phía Mỹ là 1 ppb; đây là hai thị trường chủ yếu của doanh nghiệp Việt Nam, nên việc cấm sử dụng chất này phải được thực hiện sớm.

Ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng), phản ánh: “Khó khăn của ngành tôm hiện nay cũng có một phần lỗi của các cơ quan chức năng trong việc chậm trễ tìm ra tác nhân gây bệnh gan tụy. Từ đó, thiếu cập nhật thông tin, chậm ban hành các quy định về hóa chất cấm theo quy định từ thị trường nhập khẩu và đặc biệt là để cho lãi suất ngân hàng tăng quá cao trong thời gian dài”. 

 

Năm 2012, người nuôi cá tra chịu thiệt trăm bề – Ảnh: Duy Khương

Người nuôi cá tra ở rìa

Hàng năm, cá tra ĐBSCL xuất xuất khẩu 1,8 tỷ USD, nhưng lại ngày càng có thêm người nông dân nuôi cá bị tán gia bại sản. Nguyên do chính, người nuôi cá tra đang đứng ở rìa chuỗi giá trị gia tăng, thậm chí những lúc khó khăn còn phải hứng chịu mọi thua lỗ, kém hiệu quả của các khâu sản xuất và kinh doanh khác.

Những ngày cuối năm 2012, giá cá tra liên tục giảm xuống dưới giá thành. Với giá 21.500 – 22.000 đồng/kg, người nuôi bị lỗ ít nhất 1.500 – 2.500 đồng/kg. Mà nuôi cá, đến lứa bán không được là “nắm đằng lưỡi” trong quan hệ hợp đồng làm ăn với các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Cũng vì thế, nông dân thường phải bán cá tra dưới giá thành và điều này xảy ra đã nhiều năm.

Ông Lê Thanh Hùng ở phường Thuận An, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, trước đây sống khá với 1 ha lúa và chiếc ghe 30 tấn kinh doanh lúa gạo. Khi đào ao nuôi cá tra, gia đình ông nợ bạc tỷ, ông bị bệnh tai biến 2 năm nay, còn người con dâu trong gia đình chán nản bỏ đi. Ông Hùng nghẹn ngào: “Bao nhiêu vốn liếng đổ hết vào ao cá, rồi trông chờ sự may rủi. May thì ít rủi ro thì nhiều, sản phẩm đầu ra luôn bị doanh nghiệp ép giá. Đau hơn hết là tình trạng “cò” cá, nhiều lúc muốn bán được cá, phải chi hàng chục triệu đồng cho “cò”. Bán hầm cá xong, mỗi lần trên 2 tỷ đồng lại bị doanh nghiệp nợ 3 – 7 tháng mới trả hết”.

Cùng phường với ông Hùng, ông Võ Văn Đệ than thở: “Không nuôi cá tra thì biết làm gì, vì đất ruộng đã đào ao. Đợt thu hoạch cá vụ trước, mất gần 5 tháng doanh nghiệp mua mới trả hết tiền, dù hai bên có làm hợp đồng. Doanh nghiệp không chịu trả tiền, tôi chỉ biết hàng ngày đi năn nỉ họ”.

Ông Lê Văn Chiến, nhiều năm nuôi cá tra ở phường Thốt Nốt, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, cho rằng: “Giá cá tra ngày càng giảm là do tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh trong xuất khẩu giữa các doanh nghiệp, nhất là việc đua nhau giảm giá nhằm bán được hàng, dẫn đến làm lợi cho nước ngoài và gây thua thiệt cho sản xuất trong nước. Nếu tình trạng này không được chấm dứt, tới đây chắc sẽ có thêm nhiều nông dân nuôi cá tra phải treo ao, bỏ nghề”.

Để phát triển con cá tra bền vững, nhiều ý kiến cho rằng Nhà nước, Hội Nghề cá và các doanh nghiệp cần quan tâm nhiều hơn trong việc đảm bảo lợi ích của người nuôi. Đặc biệt, phải nhanh chóng chấn chỉnh hoạt động xuất khẩu và tổ chức lại sản xuất nhằm cân đối cung cầu, đảm bảo cho tất cả các bên tham gia chuỗi sản phẩm cá tra sống được với nghề.

>> “Ngành chức năng cần xem xét lại công tác quản lý vật tư đầu vào. Vì người dân chỉ cần nghe nói chất nào xài có hiệu quả là họ sử dụng chứ không nghĩ chất đó có độc hay không, có bị cấm hay không”, ông Hồ Quốc Lực đề xuất.

Sáu Nghệ - Xuân Trường

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!