T3, 04/06/2024 09:53

Thủy sản Việt Nam ngày càng được ưa chuộng tại Canada

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 4/2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Canada đạt 22,7 triệu USD, tăng 45,6% so với tháng 3/2023. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Canada đạt 73,1 triệu USD, tăng 47,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Xuất khẩu khả quan

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), tháng 4/2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Canada tiếp tục tăng mạnh tháng thứ 8 liên tiếp. Đây là mức tăng trưởng khả quan sau mức tăng 47,7% trong quý I/2024. 

Xuất khẩu thủy sản sang Canada tăng trưởng khả quan khi xuất khẩu các mặt hàng chủ lực tăng mạnh như xuất khẩu tôm đông lạnh tăng 59,8% về lượng và tăng 40,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023; Xuất khẩu cá tra đông lạnh tăng 65,5% về lượng và tăng 41,9% về trị giá; Xuất khẩu cá ngừ đông lạnh tăng 249,5% về lượng và tăng 208,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.

Trong thời gian tới, xuất khẩu thủy sản sang thị trường Canada sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt khi hầu hết người Canada thường xuyên ăn thủy sản. Trong một cuộc thăm dò do Phòng thí nghiệm Phân tích Thực phẩm Nông nghiệp tại Đại học Dalhousie và Viện Angus Reid Canada thực hiện, 87% người Canada thường xuyên đưa cá và các món hải sản khác vào bữa ăn của họ. Trong đó, 64% người người tham gia khảo sát cho rằng dinh dưỡng là động lực chính để họ ăn hải sản. Nhiều người Canada thích hải sản đông lạnh hơn tươi, nhưng có một số khác biệt về nhân khẩu học. Trong đó, những người trẻ tuổi hơn cho biết họ thích hải sản đông lạnh hơn so với những người lớn tuổi.

Trong khi theo Liên minh Công nghiệp Nuôi trồng Thủy sản Canada (CAIA), trong số thủy sản người Canada tiêu thụ, hơn 70% được nhập khẩu. Canada chủ yếu nhập khẩu thủy sản từ Mỹ với tỷ trọng chiếm 23,5% trong quý I/2024; Trung Quốc chiếm 13,4%, Chilê chiếm 9,6%. Theo số liệu của Cơ quan Hải quan Canada, quý I/2024, nhập khẩu thủy sản của Canada đạt 671,9 triệu USD, giảm 3,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Triển vọng lớn

Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 4 cho Canada, chiếm 8,08% trong tổng nhập khẩu của nước này, cao hơn so với mức 6,8% của cùng kỳ năm 2023. Điều này cho thấy thủy sản Việt Nam đang ngày càng được ưa chuộng tại thị trường Canada.

Cá tra Việt Nam được thị trường Canada ưa chuộng. Ảnh: ST

Để đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản sang Canada, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam phải đảm bảo tốt các tiêu chuẩn của Canada. Tất cả các sản phẩm thủy sản đến từ ngành đánh bắt cá của Canada đều phải được kiểm tra kỹ lưỡng và tuân thủ các tiêu chuẩn về sản phẩm và quy trình để tiêu thụ trong nước và quốc tế. Các tiêu chuẩn này cũng áp dụng cho các sản phẩm thủy hải sản nhập khẩu vào Canada và đảm bảo rằng các sản phẩm thủy hải sản được an toàn.

Đánh giá về triển vọng tại thị trường Canada, các chuyên gia cho rằng dư địa còn nhiều vì nhu cầu của người tiêu dùng ở Canada với các mặt hàng fillet cá tra, cá tra cắt miếng/khoanh/khúc đông lạnh của Việt Nam… là rất lớn. Năm 2023, nước này nhập khẩu từ nhiều thị trường trên thế giới gần 8.000 tấn sản phẩm fillet cá tra đông lạnh, trị giá hơn 23 triệu USD.

Xuất khẩu thủy sản sang Canada có nhiều triển vọng tích cực, tăng trưởng ổn định. Tuy nhiên, VASEP lưu ý đây là thị trường khá khắt khe đối với hàng hóa nhập khẩu, thường thực hiện kiểm tra, kiểm định nghiêm ngặt. Vì vậy, doanh nghiệp cần nắm rõ quy định và tuân thủ mọi yêu cầu để tiếp cận thành công thị trường này.

Để duy trì và phát triển thị trường này trong tương lai, các nhà sản xuất và xuất khẩu cần tiếp tục đầu tư vào nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn và quy định của Canada. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần xây dựng mối quan hệ đối tác ổn định và lâu dài, đặc biệt là việc hợp tác với các nhà phân phối và nhà bán lẻ tại Canada để đảm bảo sản phẩm Việt Nam được tiếp cận với người tiêu dùng một cách hiệu quả nhất.

Ngọc Diệp

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!