T2, 06/07/2020 09:48

Thủy sản Việt Nam: Phát triển nhưng cần “bền vững”

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Năm 2010, ngành thủy sản Việt Nam đã kết thúc với nhiều thắng lợi, kim ngạch xuất khẩu đạt 4,94 tỷ USD, tăng 16,3%, vượt qua con số dự kiến là 4,5 tỷ USD. Thủy sản đang trở thành một trong những ngành kinh tế chủ lực, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của đất nước. Ông Michael Akester (ảnh) – Cố vấn cao cấp của Chương trình FSPS II dã thẳng thắn đưa ra một cái nhìn tổng thể về ngành thủy sản Việt Nam.

 

Ông đánh giá như thế nào về ngành thủy sản Việt Nam?

Ngành thủy sản Việt Nam rất năng động với một số lượng lớn các bên liên quan, những người phụ thuộc vào nguồn tài nguyên trong một cơ sở lâu dài trong khi một số ngành khác thì thay đổi theo từng thời vụ. Các nguồn tài nguyên (nước ngọt, nước lợ và biển: Ngành nuôi trồng và đánh bắt thủy sản) cũng cung cấp một "mạng lưới an toàn" cho các hộ nghèo như một phương tiện để cung cấp thêm protein động vật. Những khó khăn của ngành cũng gắn liền với số lượng lớn những người phụ thuộc vào nó. Nhiều người nghèo và họ cảm thấy thật khó để thực hiện Luật Thủy sản và các Quyết định, Thông tư liên quan về việc áp dụng Luật. Tuy nhiên, mức độ của việc tuân thủ các quy tắc và luật lệ đang tăng lên, đồng thời các vụ đánh bắt bất hợp pháp và việc sử dụng các ngư cụ đánh bắt bị cấm đang giảm dần.

 

Ngành thủy sản Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn, vậy theo ông, khó khăn lớn nhất là gì?

Khó khăn lớn nhất chính là việc tìm kiếm thu nhập thay thế hoặc thu nhập bổ sung cho ngư dân và trong một số trường hợp là dành cho ngư dân cần chuyển nghề. Hiện nay, có quá nhiều người và quá nhiều tàu đánh bắt nên số lượng này cần phải được giảm bớt. Tuy nhiên để làm được điều này, những người dân phụ thuộc vào nguồn tài nguyên thủy sản cần phải được giúp đỡ từ nhiều phía, nhiều tổ chức để được tham gia vào các hoạt động khác nhằm đảm bảo được an ninh lương thực và giảm nghèo, cũng như bảo vệ được nguồn tài nguyên một cách bền vững.

 

Ông có thể điểm qua vài nét về những chính sách từ phía Việt Nam nhằm phát triển ngành thủy sản bền vững?

Việt Nam có một Kế hoạch chiến lược mới đến năm 2020 và sẽ sớm có Kế hoạch Tổng thể mới cho ngành thủy sản 2011 – 2015. DANIDA đã giúp Bộ Thủy sản (nay là Bộ NN&PTNT) Dự thảo Kế hoạch tổng thể ngành thủy sản giai đoạn 2006 – 2010. Kế hoạch Tổng thể cho ngành thủy sản đến năm 2020 sẽ tập trung vào 5 mục tiêu chính để đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành thủy sản như sau:

– Chuyển đổi ngành để trở nên cạnh tranh hơn bằng cách sử dụng lợi thế thiên nhiên như bờ biển dài, thời tiết ấm áp, nguồn nước sản xuất;

– Nâng cao hiệu quả;

– Cải thiện đời sống của cộng đồng ngư dân;

– Đảm bảo sự phát triển thủy sản bền vững (môi trường, xã hội và kinh tế…);

– Nâng cao năng lực quản lý nhà nước bằng cách đưa cộng đồng và các ngành khác vào tham gia quản lý.

 

Đánh bắt quá mức đang là một thách thức lớn của ngành thủy sản hiện nay. Việt Nam nên làm gì để ngăn chặn hành động này?

Thúc đẩy đồng quản lý nghề cá bằng cách nâng cao nhận thức của các Hiệp hội và trao quyền cho họ để họ có thể quản lý các nguồn lợi mà họ phụ thuộc tốt hơn. Giao quyền khai thác cho các nhóm tổ chức khai thác… Tất cả những điều này có thể làm cho chất lượng các sản phẩm đánh bắt được cải thiện, tăng giá trị nhưng lại giảm được áp lực khai thác. Tuy nhiên, để làm được những điều này cần có một quá trình lâu dài và cũng cần phải thúc đẩy nguồn thu nhập thay thế hoặc thu nhập bổ sung từ các hoạt động ngành thủy sản cho ngư dân, người nuôi muốn chuyển nghề như đã nói ở trên.

 

Là một trong năm quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, Việt Nam cần làm gì để duy trì được sản lượng thủy sản, thưa ông?

Việt Nam là nước đứng thứ 4 trên thế giới chịu rủi ro của biến đổi khí hậu vào năm 2010 (theo bản đồ). Xếp hạng này được dựa theo nhiều sự kiện như ảnh hưởng nặng nề của các cơn bão, thiệt hại nặng nề về người và cả GDP… Việt Nam cần cải thiện chất lượng mùa màng sau thu hoạch cho tất cả các sản phẩm thủy hải sản, và nhờ đó giảm sản lượng nhưng lại tăng cao về giá trị. Bằng cách này, sẽ cần ít đội tàu đánh bắt lớn hơn và việc sử dụng đất canh tác cho nuôi trồng thủy sản cũng giảm… Chính điều này sẽ làm giảm các thảm họa thay đổi của khí hậu. Bên cạnh đó, cũng cần khuyến khích nuôi trồng thủy sản biển và sử dụng những loài ít dinh dưỡng hơn như rong biển, nhuyễn thể hai mảnh vỏ và những loài cá ăn thực vật như cá dĩa… Điều này sẽ đa dạng hóa nuôi trồng thủy sản và giảm áp lực lên đất ven biển.

Trân trọng cảm ơn ông!


FSPS II là Chương trình hỗ trợ ngành Thủy sản giai đoạn II (2006 – 2010) do Chính phủ Đan Mạch viện trợ không hoàn lại với khoản tiền là 245,7 triệu Curon Đan Mạch, tương đương 44,7 triệu USD. FSPS II hoạt động dựa trên những kinh nghiệm và các hoạt động đã triển khai từ pha một của chương trình và bao gồm bốn hợp phần sau:

– Tăng cường bộ máy hành chính của ngành thuỷ sản;

– Tăng cường công tác quản lý đánh bắt thuỷ sản;

– Phát triển nuôi trồng thuỷ sản bền vững;

– Tăng cường năng lực xử lý sau thu hoạch và tiếp cận thị trường.

Hồng Thắm

                (Thực hiện)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!