(TSVN) – Hiệp định EVFTA đã mở rộng cơ hội xuất khẩu cho nông sản Việt Nam, tạo lợi thế vượt trội về giá bán tại thị trường EU. Cùng đó, xung đột giữa Nga và Ukraine chắc chắn sẽ làm thay đổi lịch sử và tạo ra một diện mạo mới của châu Âu không chỉ về địa chính trị mà còn cả trong lĩnh vực kinh tế. Xuất khẩu vào EU trong đó có nhóm hàng thủy sản chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi trong thời gian tới.
Theo bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm VASEP.PRO, EU là thị trường lớn với nhiều phân khúc và sản phẩm, thuận lợi cho việc xuất khẩu các sản phẩm thủy sản của Việt Nam. Ngoài ra, người châu Âu ngày càng ưa chuộng sản phẩm cá thịt trắng vì yếu tố sức khỏe, trong khi ý thức bảo vệ môi trường và nguồn lợi hải sản ngày càng cao nên cơ hội cho thủy sản nuôi xuất khẩu càng lớn, đặc biệt là cá tra. Doanh số tiêu thụ thủy sản đang phục hồi sau đại dịch COVID-19 và EU cũng là thị trường đang phát triển các sản phẩm tiện lợi và ăn liền. Ngoài ra, Hiệp định EVFTA tạo ra lợi thế cạnh tranh thuế nhập khẩu vào EU so với các nước sản xuất khác, cùng đó Brexit có tác động với thị trường thủy sản EU cũng là những cơ hội để ngành thủy sản Việt Nam nắm bắt và khai phá.
Với mức tiêu thụ thủy sản bình quân đầu người 24,35 kg/người, EU luôn cần nguồn thủy sản nhập khẩu dồi dào. Trong hoàn cảnh chiến tranh xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra ngay trong lòng châu Âu, hơn bao giờ hết, nhu cầu tích trữ, tiêu thụ sản phẩm thủy, hải sản càng được nâng cao.
Theo Bộ Công thương, 2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cá tra sang EU đạt 28 triệu USD, tăng gần 76%, tôm xuất khẩu đạt 159 triệu USD, tăng 66% so cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu sang 3 thị trường chính là Hà Lan, Đức, Bỉ tăng lần lượt là 77%, 59% và 82%.
Trong các mặt hàng có lợi thế tại thị trường EU, thì sản phẩm nghêu đang có những tín hiệu khả quan nhất về tình hình xuất khẩu. Hiện, EU là thị trường nhập khẩu lớn nhất, chiếm hơn 70% tổng sản lượng xuất khẩu, sau đó đến Mỹ, Singapore và Nhật Bản. Sản phẩm nghêu được sản xuất theo tiêu chuẩn MSC đảm bảo vệ sinh, ATTP, dễ dàng thâm nhập vào siêu thị, nhà hàng cao cấp hay xuất khẩu sang các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản… Trên bao bì sản phẩm có dán nhãn Chứng nhận MSC giúp người tiêu dùng nhận biết đây là sản phẩm an toàn, có trách nhiệm về môi trường, xã hội.
Thị trường EU yêu thích các sản phẩm như nghêu thịt, nghêu trắng/nâu hấp nguyên con, sản phẩm giá trị gia tăng chế biến sẵn như nghêu hấp bơ tỏi, nghêu sốt gia vị tomyum… Trong bối cảnh lạm phát, giá cả thực phẩm tăng cao tại EU khiến mặt hàng nghêu Việt Nam càng nhận được sự quan tâm lớn từ khách hàng và các nhà nhập khẩu tại EU. Cùng với những ưu đãi thuế từ Hiệp định EVFTA, xuất khẩu nghêu Việt Nam sang thị trường EU trong năm nay dự kiến sẽ tăng trưởng tốt. Trong khối EU, các thị trường nhập khẩu lớn nhất bao gồm Italy, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Bỉ. Quý đầu năm nay, duy nhất xuất khẩu nghêu sang Bồ Đào Nha giảm nhẹ 9%; các thị trường khác tăng 2 con số, từ 33 – 45%. Quý I/2022, Italy cũng là thị trường đơn lẻ nhập khẩu nghêu lớn nhất của Việt Nam, đạt 6,4 triệu USD, tăng 45% so cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu nghêu sang Tây Ban Nha đạt 6,3 triệu USD, tăng 44%.
Hội chợ thủy sản toàn cầu 2022 được tổ chức tại TP Barcelona, Tây Ban Nha từ ngày 26 – 28/4. Tại đây, có 3 doanh nghiệp của Việt Nam tham gia trưng bày giới thiệu sản phẩm nghêu là: Công ty CP Thủy sản Gò Đàng (Godaco), Công ty CP Thủy sản Bến Tre (Beseaco), Công ty CP XNK Thủy sản Bến Tre (Aquatex). Trong 2 ngày đầu tiên của Hội chợ, gian hàng nghêu Việt Nam đã có gần 100 nhà nhập khẩu, phân phối, chủ yếu đến từ Tây Ban Nha, Italy, Pháp, Mỹ, Bồ Đào Nha, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ, Hà Lan, UAE, Hàn Quốc, Ai Cập, Israel, Đan Mạch… ghé thăm.
Thông qua trao đổi với khách hàng, các doanh nghiệp Việt Nam nhận thấy những yêu cầu rõ ràng cũng như tính cần thiết trong việc thực hiện chứng nhận MSC, là chứng nhận sản phẩm được khai thác từ một ngư trường bền vững, được quản lý tốt và được khai thác một cách có trách nhiệm. Hiện nay, MSC là một trong số các loại nhãn hiệu sinh thái được chú trọng trên thế giới, giúp chứng nhận các ngành ngư nghiệp bền vững. MSC có giá trị như giấy thông hành, đảm bảo phát triển thủy sản an toàn và là thương hiệu bảo hộ cho các sản phẩm thủy sản Việt Nam.
Xung đột Nga – Ukraine, khiến nhiều khách hàng tại EU quay lưng lại với các sản phẩm từ Nga. Hệ thống bán lẻ tại Anh có động thái “tẩy chay” sản phẩm thủy sản từ Nga. Xu thế này có thể diễn ra tại nhiều nước khác nếu chiến tranh còn kéo dài. Tây Ban Nha đã đề xuất các biện pháp trừng phạt đối với Nga là cấm xuất nhập khẩu và cấm tàu thuyền của Nga cập cảng Tây Ban Nha và các cảng của các thành viên EU khác.
Các sản phẩm cá thịt trắng của Nga bị “đóng băng” trên các thị trường vì bị tẩy chay và rất khó thanh toán bằng ngoại tệ khiến nhu cầu cá thịt trắng tăng cao trên thị trường. Đây là một trong những lý do mà sản phẩm cá tra xuất khẩu Việt Nam có sự phục hồi thần kỳ, 3 tháng đầu năm xuất khẩu ước đạt 646 triệu USD, tăng 88% so cùng kỳ năm 2021.
Xung đột tại châu Âu cũng khiến rất nhiều sản phẩm đầu vào của ngành thủy sản thế giới tăng cao, như giá nguyên liệu chế biến thức ăn thủy sản, chi phí vận chuyển… Giá lúa mỳ, ngô… đã tăng lên khoảng 10 – 20%. Hiện giá cá tra nguyên liệu tại Việt Nam cũng tăng từ 30 – 40% khiến các nhà máy rất khó thu mua nguyên liệu chế biến.
Tuy nhiên, việc xuất khẩu vào EU và Nga chắc chắn sẽ tiếp tục có nhiều thuận lợi cho Việt Nam, dựa vào các hiệp định thương mại cũng như mối quan hệ đối tác lâu dài. Các doanh nghiệp và người dân Việt Nam đều mong hòa bình sớm được lập lại tại châu Âu và việc xuất khẩu sẽ có sự tăng trưởng vững chắc, sản phẩm từ Việt Nam sẽ dễ dàng đến được với người tiêu dùng tại Nga, Ukraine cũng như các quốc gia khác tại EU.
Nguyễn Anh – Diệu An