Thủy sản Việt – Thương hiệu lớn trên toàn cầu

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Suốt từ giai đoạn hội nhập đến nay, ngành thủy sản luôn là “Cánh chim hải âu” đầu đàn đưa sản phẩm Việt Nam tới bạn bè thế giới. Rất nhiều người dân trên khắp các châu lục đã có những thiện cảm đặc biệt với đất nước hình chữ S từ việc thưởng thức các món ăn được chế biến từ thủy sản của Việt Nam.

“Tên tuổi quá lớn”

Trong một hội thảo về thị trường thủy sản toàn cầu tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, một chuyên gia thị trường từ châu Âu đã nhận xét: “Sản phẩm thủy sản Việt Nam là một tên tuổi quá lớn không chỉ với châu Âu mà còn trên cả thế giới. Đất nước của các bạn rất đẹp và những cánh đồng tôm, những rừng tôm sinh thái đã được cả thế giới yêu thích”.

Năm 2020, với 8,41 tỷ USD, Việt Nam là nước xuất khẩu thủy sản đứng thứ 3 thế giới, sau Trung Quốc và Na Uy. 2021 là năm cực kỳ khó khăn do dịch COVID-19 bùng phát tại các tỉnh phía Nam, nhưng ước tính giá trị xuất khẩu thủy sản khoảng 8,9 tỷ USD. Như vậy, nhiều khả năng Việt Nam vẫn vững vàng ở ngôi vị thứ 3 thế giới về xuất khẩu thủy sản.

Một tiến sĩ ngành tôm Thái Lan nói với tôi: “Chúng tôi đi trước các bạn trong xuất khẩu, nhưng thực sự tiềm năng và lợi thế xuất khẩu thủy sản Việt Nam là quá lớn. Bản thân các nhà máy thủy sản hiện đại nhất của Thái Lan cũng đều được đặt ở Việt Nam”.

Công nghệ chế biến tôm là một trong những lĩnh vực phát triển mạnh mẽ nhất của ngành thủy sản Việt Nam những năm qua. Ảnh: Vũ Sinh

Phát triển thần tốc nhưng bài bản

Hiện cả nước có 2.362 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ, sản xuất được là 79,3 triệu con tôm giống. Khu vực ĐBSCL có khoảng 120 cơ sở sản xuất giống cá tra bố mẹ, gần 4.000 ha ương dưỡng cá tra giống; sản xuất được khoảng 2 tỷ con giống cá tra.

Việt Úc là một trong những tập đoàn sản xuất tôm giống bố mẹ nổi tiếng toàn cầu. Ông Lương Thanh Văn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, nói: “Tôi nghĩ rằng Việt Nam không thể phát triển ngành tôm mà cứ phải đi cầu cạnh con giống từ nước khác được. Vì thế chúng tôi đã tập trung mọi nguồn lực làm tôm giống bố mẹ. Hiện rất nhiều nước đặt mua tôm giống bố mẹ của Việt Úc, nhưng chúng tôi ưu tiên cho việc nuôi trồng tại Việt Nam”.

Thực tế những năm vừa qua, do dịch bệnh nên ngành tôm của Thái Lan chỉ phát triển cầm chừng, ngành giống cũng vì thế bị ảnh hưởng ít nhiều. Trong khi đó, các trại tôm giống Việt Nam vẫn ăn nên làm ra.

>> Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, giá trị xuất khẩu thủy sản khoảng 14 – 16 tỷ USD và có thể vươn lên đứng thứ hai thế giới.

Trong xuất khẩu, Tập đoàn Minh Phú của Việt Nam nằm trong top 50 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lớn nhất toàn cầu. Chiến lược kinh doanh dài hạn của Tập đoàn là đạt 25% thị phần tôm thế giới vào năm 2045. Đây là một tính toán có cơ sở, vì Minh Phú hiện có rất nhiều chuyên gia giỏi của thế giới đang làm việc và đưa ra những lộ trình bài bản từ xây dựng vùng nuôi, đổi mới công nghệ và mở rộng thị trường.

Hội nhập sâu rộng

Theo số liệu thống kê, từ 1995 – 2020 sản lượng khai thác thủy sản của Việt Nam tăng hơn 4 lần, tăng trưởng trung bình 6%/năm. Toàn quốc có hơn 94.000 tàu cá. Đặc biệt có 4.227 tổ đội hoạt động với 29.588 tàu cá, 179.601 lao động trên biển.

Có thể nói, ngành thủy sản Việt Nam đang song song “hai mái chèo” là nuôi trồng và khai thác. Nhờ đó, xuất khẩu tăng trưởng vững chắc. Từ 1997 – 2020, xuất khẩu tăng gấp 11 lần, tăng trưởng trung bình hàng năm 10%.

Theo VASEP, sản phẩm thủy sản Việt Nam đang có mặt hơn 160 thị trường trên thế giới. Trong đó top 10 thị trường gồm: Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN, Australia, Anh, Canada, Nga. Nhờ uy tín và tiềm lực, ngành thủy sản đang vận hành tốt với 16 FTA, (chiếm 73% giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam).

Ngày 11/3/2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu: “Phát triển thủy sản thành ngành kinh tế quan trọng của quốc gia, sản xuất hàng hóa lớn gắn với công nghiệp hóa – hiện đại hóa, phát triển bền vững và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; có cơ cấu và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; có thương hiệu uy tín, khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế…”. Đến năm 2030, Việt Nam xuất khẩu thủy sản khoảng 14 – 16 tỷ USD và có thể vươn lên đứng thứ hai thế giới.

Bảo vệ nguồn lợi và giảm giá thành

Có một thời kỳ phát triển thủy sản quá nóng, người dân phá rừng nuôi tôm, nhưng giờ đây ngành thủy sản Việt Nam đã chuyển sang phát triển bền vững, kết hợp nuôi tôm với việc giữ rừng ngập mặn, phát triển tôm sinh thái, bảo vệ các nguồn lợi thủy sản.

Để bù đắp sản lượng, các tỉnh phía Nam, nhất là Bạc Liêu và Cà Mau đã đẩy nhanh tiến độ nuôi tôm công nghiệp, nuôi thâm canh, để giảm tải cho các vùng nuôi tôm sinh thái. Nhiều khu bảo tồn biển và rừng ngập mặn đã và đang được bảo vệ nghiêm ngặt, nhằm tạo môi trường di cư và sinh sản của các loài thủy sản.

Việt Nam đứng thứ 16 trong số các quốc gia có đa dạng sinh học cao nhất thế giới với hơn 11.000 loài sinh vật biển đã được phát hiện, trong đó có 1.385 loài hải sản, nhiều loài quý hiếm. Đây là một tiềm năng du lịch biển sẽ được khai thác trong tương lai gần.

Tuy nhiên, ngành thủy sản Việt Nam đang đối mặt với một số thách thức mới cần được giải quyết triệt để. Nổi cộm nhất là vấn đề chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Dự kiến trong quý I/2022, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang kiểm tra thực tế tình hình triển khai thực hiện các khuyến nghị về chống khai thác IUU của Việt Nam. Hy vọng, với những nỗ lực của Chính phủ và người dân, EC sẽ sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam.

Ngành thủy sản đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 9 tỷ USD trong năm 2022. Theo các chuyên gia thì mục tiêu này có thể hoàn thành sớm, do các thị trường vẫn đang “ăn” hàng Việt Nam rất mạnh trong những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, tạo tiền đề tốt cho xuất khẩu trong năm tới.

Tuy nhiên, theo VASEP, so với các đối thủ cạnh tranh là Ấn Độ và Ecuador tại thị trường Mỹ thì giá tôm của Việt Nam đang cao hơn từ 3 – 4 USD/kg. Như vậy, để có thể phát triển bền vững, ngành thủy sản Việt Nam cần nỗ lực giảm giá thành sản phẩm, nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường thế giới, đồng thời giúp người tiêu dùng toàn cầu có thể tiếp cận sản phẩm đến từ Việt Nam với giá cả phù hợp nhất trong hoàn cảnh mọi người đều khó khăn vì đại dịch COVID-19.

>> Nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc từng chia sẻ: “Giá bán của thủy sản Việt Nam có cao hơn một số nước, nhưng vì sao thị trường thế giới vẫn chấp nhận và xuất khẩu vẫn tăng trưởng mạnh? Đó là vì ngay từ đầu khi tham gia hội nhập quốc tế, Việt Nam đã lấy tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm đặt lên hàng đầu. Rất nhiều vùng nuôi trồng của Việt Nam đạt các chứng nhận khắt khe nhất của thế giới, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm cũng như đổi mới công nghệ chế biến liên tục được cập nhật”.

Trần Nguyễn Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!