(TSVN) – Công nghệ số được dự đoán là yếu tố quan trọng nhất trong việc phát triển xã hội nói chung và kinh tế nói riêng trong thế kỷ 21. Công nghệ số ngày nay được tích hợp như một phần của ngành nông nghiệp, thủy sản, nhằm nâng cao năng lực quản lý chất lượng sản phẩm và dự báo về thị trường tiêu thụ.
Năm 2020, Việt Nam bắt đầu khởi động chuyển đổi số quốc gia với 3 trụ cột chính là Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Có thể nói, Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong trên thế giới đã xây dựng một chương trình chuyên đề về chuyển đổi số quốc gia, được Chính phủ phê duyệt. Năm 2021 được nhận định là thời điểm “vàng” cho chuyển đổi số. Tất cả các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân cần phải hành động ngay để khát vọng chuyển đổi số của Việt Nam sớm thành hiện thực.
Trong thời đại công nghệ số thì ngành nông nghiệp nói chung và thủy sản nói riêng cũng phải đáp ứng đồng bộ với nền kinh tế số. Trong đó có sự phát triển của công nghiệp 4.0, công nghệ robot, automation (tự động hóa), IT (công nghệ thông tin), IoT (công nghệ internet kết nối vạn vật), Drone (thiết bị không người lái), thương mại điện tử, marketing số big data, AI (trí tuệ nhân tạo).
Chuyển đổi số đang được áp dụng rộng rãi trong ngành nông nghiệp, song có lẽ thành công của chuyển đổi số trong ngành thủy sản là rõ nét nhất, vì sản phẩm thủy sản được xuất khẩu, có thị trường rộng rãi và theo tiêu chuẩn quốc tế. Công nghệ số áp dụng trong nuôi tôm giúp phân tích các dữ liệu về chất lượng nước; quản lý thức ăn và sức khỏe của tôm nuôi. Công nghệ số cũng áp dụng trong khâu chế biến thủy sản từ phân loại, hấp, đóng gói, dây chuyền sản xuất. Ngành thủy sản cũng đang khá thành công với các sản phẩm chế biến, sản phẩm giá trị gia tăng… trong đó có đóng góp của công nghệ số. Ngành thủy sản cũng chuyển đổi số mạnh mẽ trong việc sử dụng thiết bị dò cá sử dụng sóng siêu âm, máy đo dòng chảy, điện thoại vệ tinh; máy thu lưới vây (đứng); hệ thống thu – thả lưới chụp, công nghệ GIS và hệ thống định vị toàn cầu (GPS) giúp quản lý đội tàu khai thác hải sản xa bờ.
Các công nghệ sinh học chọn lọc, lai tạo các giống có năng suất, chất lượng cao, có khả năng kháng bệnh, chịu đựng tốt với môi trường, công nghệ nuôi thủy sản tuần hoàn (RAS), công nghệ biofloc, công nghệ nano, công nghệ nuôi lồng trên biển, công nghệ nuôi cá nước lạnh… cũng phát triển.
Hiện nay, tại các vùng nuôi tôm ở ĐBSCL công nghệ số đã và đang cải thiện quản lý thời gian, giảm sử dụng nước và thức ăn giúp tôm nuôi khỏe mạnh hơn, đạt năng suất cao hơn, giảm ô nhiễm môi trường. Có mặt tại huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, phóng viên được các chủ trang trại nuôi tôm cho biết: “Tôm là loài rất mẫn cảm với sự thay đổi về môi trường, điều kiện sống, vì vậy việc áp dụng kỹ thuật số như cho ăn đúng giờ, lượng thức ăn vừa đủ, quản lý về nồng độ ôxy, nhiệt độ ao nuôi, chất lượng nước sẽ giúp tỷ lệ thành công tăng cao. Ngày nay rất ít nơi còn cho ăn bằng tay như trước đây”. Năm 2020, dù dịch COVID-19 bùng phát mạnh, cả thế giới lao đao nhưng ngành thủy sản Việt Nam vẫn phát triển, nhất là ngành tôm. Các chuyên gia nước ngoài, các nhà phân tích quốc tế đều chung nhận định: “Thành công cơ bản của Việt Nam đó là đã chủ động được nguồn nguyên liệu nhờ nuôi tôm theo xu hướng công nghiệp”.
Tại Cà Mau, nếu 10 năm trước việc nuôi quảng canh là phổ biến, thì hiện nay các vùng nuôi đều đang hình thành những mô hình siêu thâm canh. Từ chỗ diện tích nuôi siêu thâm canh chỉ quanh quẩn 100 ha, đến năm 2020 đã đạt 700 ha TTCT. Năm 2021, tỉnh đang phấn đấu xây dựng 5 vùng nuôi siêu thâm canh với diện tích 1.000 ha đạt chứng nhận quốc tế. Tính chung, Cà Mau hiện có 19.000 ha được đánh giá và cấp các chứng nhận nuôi tôm theo tiêu chuẩn quốc tế như: Naturland, BAP, EU, Selva Shrimp và VietGAP, với khoảng 4.200 hộ dân tham gia, sản lượng tôm có chứng nhận đạt năng suất trên 10.000 tấn/năm. Việc chuyển đổi số được đánh giá là một trong những nền tảng để Cà Mau phát triển thành công ngành thủy sản. Đó là việc nhờ công nghệ số mà sự kết nối giữa các cấp chính quyền với doanh nghiệp với vùng nuôi dễ dàng hơn, sự liên kết giữa các HTX với doanh nghiệp, sự kết hợp giữa nuôi trồng chế biến, việc nắm bắt yêu cầu của thị trường và kết nối quốc tế đều diễn ra nhanh chóng, thuận lợi.
Rõ ràng các tỉnh như Cà Mau, Bạc Liêu, Đồng Tháp, An Giang… đều đang chủ động kết nối với các thị trường trong ngoài nước nhờ công nghệ số, chủ động đầu ra và nắm bắt thị trường, tổ chức liên kết chuỗi, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và nâng cao vị thế sản phẩm Việt Nam trên trường quốc tế bằng việc xây dựng thương hiệu vùng nuôi an toàn, sạch bệnh.
Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đã ký kết Thỏa thuận hợp tác chiến lược và Hợp đồng Tư vấn chuyển đổi số với Tập đoàn FPT, với mục tiêu tập trung thực hiện dự án xây dựng lộ trình chuyển đổi số hướng đến tối ưu hóa quy trình vận hành, giảm thiểu chi phí và nâng cao năng lực sản xuất, với hướng phát triển thành công ty công nghệ thủy sản trong top đầu thế giới và đạt 25% thị phần tôm thế giới vào năm 2045. Do vậy, các nhiệm vụ vận hành cấp bách đặt ra với Minh Phú là: Tự động hóa trong sản xuất; xây dựng Big data cho ngành tôm – bao gồm xây dựng cộng đồng cho ngành thủy sản; xây dựng hệ thống liên kết chặt chẽ thông tin, cũng như hoạt động trong chuỗi giá trị kinh doanh của cả Tập đoàn; áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc.
Tham quan trại tôm giống của Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, có thể thấy việc đánh giá tôm giống từ cảm quan đã được chuyển sang phân tích bằng kỹ thuật số, từ cân nặng, chiều dài, màu sắc, sự linh hoạt, thể chất. Nhờ vậy, việc sản xuất cung ứng tôm giống của C.P được người nuôi đánh giá cao. Hay việc Tập đoàn Việt – Úc sản xuất tôm giống bố mẹ chất lượng cao cũng được coi là một thành công minh chứng cho việc chuyển đổi công nghệ số trong ngành tôm giống tại Việt Nam.
Nguyễn Anh