Tính đến thời điểm hiện nay, XK thủy sản của Việt Nam sang Nhật Bản vẫn chưa có dấu hiệu khôi phục. Tuy nhiên, theo nhận định của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), kinh tế Nhật Bản sau khi bị tác động mạnh do thảm họa động đất và sóng thần xảy ra hồi tháng 3 vừa qua sẽ phục hồi và tăng trưởng trở lại từ quý 3 năm nay.
Nhật Bản hiện là một trong 3 thị trường chính NK thủy sản từ Việt Nam, Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, XK thủy sản sang Nhật Bản trong 7 tháng đầu năm nay đạt 62.122 tấn, trị giá 464,088 triệu USD, giảm 18% về khối lượng và tăng nhẹ 0,1% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó tôm là nhóm mặt hàng đạt khối lượng và giá trị XK cao nhất nhưng vẫn giảm 15,1% về khối lượng và 7,1% về giá trị!
Mặc dù chiếm ưu thế trong các sản phẩm thủy sản XK sang Nhật Bản nhưng XK tôm của Việt Nam sang thị trường này từ tháng 3 đến nay liên tục giảm do 2 nguyên nhân chính: một là người tiêu dùng Nhật phải cắt giảm chi tiêu dành cho nhóm sản phẩm cao cấp (trong đó có tôm) vào thời buổi khó khăn; hai là Nhật Bản tăng cường kiểm tra chất lượng các lô hàng thủy sản NK từ nước ngoài, trong đó áp dụng chế độ kiểm tra dư lượng Trifluralin và Enrofloxacin đối với 100% lô hàng tôm NK từ Việt Nam khiến nhiều DN e ngại, dẫn đến giảm xuất hàng sang thị trường này.
Theo số liệu từ Bộ Y tế, Lao động và An sinh xã hội Nhật Bản, từ đầu năm đến ngày 13/9/2011 đã có 81 lô hàng thủy sản của Việt Nam XK sang thị trường Nhật Bản bị cảnh báo nhiễm dư lượng kháng sinh vượt quá mức cho phép, trong đó nhiều nhất là các lô hàng tôm. Đáng lưu ý là số lô hàng bị cảnh báo nhiễm Chloramphenicol và Nitrofuran giảm đáng kể, chỉ có 6 lô nhiễm Chloramphenicol và 3 lô nhiễm Nitrofuran.
Số lô hàng bị cảnh báo nhiễm Trifluralin cũng đang có xu hướng giảm dần. Từ đầu năm đến nay, có 26 lô bị nhiễm Trifluralin nhưng nhìn chung, số lô hàng bị cảnh báo trong vài tháng gần đây đã giảm và đặc biệt là không có lô hàng nào bị nhiễm Trifluralin trong tháng 7 và chỉ có 1 lô bị nhiễm trong tháng 8. Điều đó cho thấy chúng ta đã kiểm soát tốt hơn các chất Chloramphenicol, Nitrofuran và Trifluralin trong thủy sản XK. Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, số lô hàng bị cảnh báo nhiễm Enrofloxacin lại có chiều hướng tăng, cụ thể tháng 8 có 7/12 lô hàng bị cảnh báo và trong nửa đầu tháng 9/2011 là 4/5 lô hàng (tới 80%!).
Thời gian qua, các DN XK tôm sang Nhật cũng như Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) đã duy trì và tăng cường nhiều biện pháp kiểm soát dư lượng kháng sinh trong sản phẩm tôm XK. Tuy nhiên, có một thực tế là công tác kiểm soát thành phẩm sẽ không giải quyết triệt để được vấn đề nhiễm kháng sinh, nhất là với Enrofloxacin, khi mà các cơ sở nuôi tôm vẫn còn sử dụng phổ biến chất này để điều trị bệnh gan ở tôm nuôi – nhất là với tôm chân trắng! Và theo quy định hiện hành, Enrofloxacin lại không phải là kháng sinh bị cấm sử dụng mà chỉ bị hạn chế sử dụng, nên sẽ rất khó để kiểm soát. Bên cạnh đó, kiểm soát việc ngừng sử dụng chất này trước khi thu hoạch tôm nuôi gần như là “bất khả thi” đối với các DN!
Ngày 13/9/2011, VASEP đã có văn bản đề nghị Tổng cục Thủy sản sớm có biện pháp triệt để cấm sử dụng Enrofloxacin trong nuôi tôm và hướng dẫn chất thay thế để đảm bảo ngăn chặn từ gốc và tránh thiệt hại cho cả DN và người nuôi tôm nhằm giữ vững thị trường Nhật Bản đối với XK tôm của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh ngành hàng tôm có nhiều khó khăn như hiện nay.
Được biết, từ ngày 12 – 15/9 đoàn thanh tra của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản) đã có mặt tại Việt Nam để kiểm tra việc thực hiện các biện pháp kiểm soát sản xuất, kinh doanh thuốc thú y, tình hình sử dụng thuốc thú y tại các cơ sở nuôi trồng thủy sản và an toàn vệ sinh thủy sản tại các nhà máy chế biến. Nếu kết quả của đợt thanh tra lần này khả quan, cùng với những dự báo về sự phục hồi của kinh tế Nhật Bản trong 2 quý cuối năm nay, chúng ta có thể trông đợi sự tăng trưởng của XK thủy sản Việt Nam sang thị trường này trong những tháng còn lại của năm.
Ngọc Thủy
Theo Vasep