Ngày 14/9, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, từ ngày 04/9/2012, nhóm kháng sinh Nitroimidazoles đã được Cơ quan Thanh tra Thực phẩm Canada (CFIA) đưa vào chương trình thanh tra kiểm soát các sản phẩm thủy sản và giáp xác nuôi tại nước này.
Doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý đối với nhóm kháng sinh Nitroimidazoles để tránh ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản tại thị trường Canada.
Với quy định mới tại thị trường Canada, các nhà xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào thị trường này cần có biện pháp kiểm soát đối với nhóm kháng sinh Nitroimidazoles ngay từ bây giờ để tránh nguy cơ bị cảnh báo chất lượng cũng như khả năng ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào thị trường Canada. Tuy vậy, điều khó khăn hiện nay là đa số các trung tâm kiểm nghiệm ở Việt Nam chưa kiểm định được chất này.
VASEP cũng cho biết, dù Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chưa có khẳng định về việc có chương trình kiểm soát nhóm kháng sinh Nitroimidazoles, nhưng có khả năng FDA cũng sẽ yêu cầu kiểm soát nhóm kháng sinh này trong thời gian tới.
Nitroimidazoles là nhóm kháng sinh được sử dụng để điều trị bệnh do tác nhân vi khuẩn trên động vật nuôi, trong đó có thủy sản. Dư lượng nhóm kháng sinh này có nguy cơ gây ngộ độc, rối loạn thần kinh, giảm bạch cầu, hạ huyết áp, buồn nôn, sần da. Chính vì vậy, hiện nhóm kháng sinh Nitroimidazoles bị cấm lưu hành và sử dụng đối với các loài động vật dùng làm thực phẩm tại Canada. Tại Việt Nam, các kháng sinh thuộc nhóm Nitroimidazoles cũng bị cấm sử dụng trong sản xuất, khi doanh thủy sản theo quy định tại Thông tư số 15/2009/TT-BNN.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Canada trong tháng 8 đạt 12,548 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường này trong 8 tháng đầu năm 2012 đạt 90,37 triệu USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái.