T2, 06/07/2020 10:20

Tiền Giang: Bội thu nhờ chuyển mô hình đánh bắt hải sản

Chưa có đánh giá về bài viết

Trước thực trạng nguồn lợi thủy sản ngày càng khan hiếm khiến một số tàu lưới rê phải nằm bờ vì hoạt động đánh bắt không hiệu quả. Được sự vận động của Trung tâm khuyến nông tỉnh nhiều ngư dân đã mạnh dạn chuyển đổi từ cách đánh bắt truyền thống sang đánh bắt bằng lưới rê hỗn hợp mang lại hiệu quả cao.

Ngư dân ở xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông cho biết, nghề lưới rê ở địa phương này đã hình thành từ rất lâu đời và phát triển cho tới tận ngày nay theo kiểu cha truyền con nối. Trước đây, những tàu lưới rê này hoạt động khá hiệu quả do nguồn lợi từ biển còn  khá dồi dào.

 

Chuyển đổi phương thức khai thác, ngư dân lãi bạc tỷ. Ảnh VGP

Tuy nhiên, những năm gần đây chi phí đầu vào cho chuyến biển ngày càng gia tăng trong khi nguồn lợi thủy sản ngày càng khan hiếm khiến có thời điểm một số tàu cá này phải nằm bờ thời gian dài vì phải chịu thua lỗ nặng. Trước tình hình này, ngư dân đã mạnh dạn chuyển đổi từ đánh bắt bằng lưới rê sang khai thác bằng lưới rê hỗn hợp mang lại hiệu quả cao.

Bà Nguyễn Thị Dừa, ấp 4, xã Tân Phước là một trong hai ngư dân thực hiện chuyển đổi nghề đầu tiên ở địa phương này vào năm 2011. Kết quả khai thác của tàu TG –  92447 – TS do bà Dưa làm chủ chỉ trong một chuyến biển đầu tiên kéo dài 4 tháng đã thu về 50 tấn hải sản, trị giá 2 tỷ đồng, trong khi chi phí khai thác khoảng 750 triệu đồng nên bà Dưa vẫn còn lãi trên 1,25 tỷ đồng.

Cũng thực hiện mô hình chuyển đổi, tàu cá TG – 93639 – TS do ông Nguyễn Thanh Nguyên, ấp 4, xã Tân Phước làm chủ cũng có hiệu quả khai thác cao. Ngay trong chuyến biển đầu tiên khoảng 2,5 tháng năm 2011, tàu này đã khai thác được 15 tấn hải sản các loại, trị giá 600 triệu đồng; trong khi chi phí khai thác chỉ 300 triệu đồng nên lợi nhuận thu được hơn 300 triệu đồng.

Không chỉ có hộ bà Dừa, ông Nguyên, kết quả khai thác trong những chuyến biển đầu tiên của những tàu thực hiện mô hình chuyển đổi cho thấy sản lượng tăng hơn 50% mỗi mẻ và hiệu quả tăng khoảng 45% so với hành nghề truyền thống.

Từ những hiệu quả bước đầu của mô hình chuyển đổi nêu trên là mô hình điểm thúc đẩy các tàu khai thác hải sản khác ở địa phương này cùng làm theo. Đến cuối năm 2012, ở xã Tân Phước đã có hơn 10 tàu thực hiện chuyển đổi nghề đánh bắt xa bờ và mang lại hiệu quả cao.

Hầu hết các ngư dân thực hiện chuyển đổi mô hình đều vui vẻ cho biết nhờ Trung tâm Khuyến nông tỉnh vận động chuyển đổi nghề đúng hướng nên hiệu quả mang lại rất cao. Bên cạnh đó, việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, hỗ trợ dầu đánh bắt ở vùng biển xa giúp cho như dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Quang Trí

chinhphu.vn

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!