(TSVN) – Thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang có khoảng gần 300 ha sản xuất cá giống với trên 500 hộ và 1.500 lao động tham gia sản xuất. Năm 2020 đến nay dù khó khăn do hạn mặn, nguồn nước bị ô nhiễm, nhưng thông qua nghề ương, ép cá giống cũng giúp nhiều nông hộ thoát nghèo và vươn lên làm giàu; điển hình có gia đình chị Phạm Thị Ngọc Phượng ở ấp Tân Hòa, xã Tân hội.
Gia đình chị Phạm Thị Ngọc Phượng có 5 nhân khẩu, trong đó có 4 lao động chính. Chị Phượng cho biết, khi mới lập gia đình được cha mẹ cho ở riêng với 1,3 ha đất sản xuất 3 vụ lúa/năm, năng suất thấp. Do thu nhập chính từ cây lúa nên kinh tế gia đình chỉ tạm đủ sống, vì đây là vùng đất gò khó giữ nước nên lúa thường có năng suất thấp.
Khoảng 10 năm trước, thông qua lớp tập huấn của ngành nông nghiệp và học hỏi kinh nghiệm qua sách, báo, chị Phượng đã mạnh dạn vay vốn để cải tạo 0,5 ha ruộng kém hiệu quả lên 1 ao ương cá giống. Năm đầu tiên do chưa có kinh nghiệm nên tỷ lệ ương đạt không cao và lợi nhuận ít. Nhưng các vụ tiếp theo với bản tính cần cù, chịu khó học hỏi tích lũy kinh nghiệm nên tỷ lệ ương cá giống của chị đã đạt kết quả khá hơn. Thấy hiệu quả kinh tế từ nghề ương cá giống mang lại cao hơn so với trồng lúa, nên sau đó chị tiếp tục chuyển 0,8 ha đất trồng lúa còn lại lên 2 ao ương cá giống. Những năm trước đây do đầu ra cá tra xuất khẩu ổn định, nhu cầu nuôi cá thương phẩm tăng cao, từ đó con giống khan hiếm, giá cá luôn ở mức cao, bình quân từ 60.000 – 70.000 đồng/kg, cỡ 50 – 70 con/kg. Khoảng 2 năm gần đây, giá cá tra giống xuống ở mức thấp chị Phượng đã chủ động chuyển sang ương các giống cá khác như: cá tai tượng, cá trê lai, chép Koi, điêu hồng, tùy theo mùa vụ và nhu cầu của thị trưởng.
Chị Phượng đang tạt thuốc xử lý nước ao. Ảnh: TB
Theo chị, nhờ áp dụng đúng các quy trình kỹ thuật trong NTTS như: cải tạo ao thật tốt, xử lý ao nuôi thường xuyên, dùng lưới tấn các địch hại, tấn bạt xung quanh ao, chọn con giống tốt sạch bệnh, khẩu phần ăn hợp lý không dư thừa; nên đàn cá giống của chị tăng tưởng nhanh và hạn chế hao hụt do dịch bệnh; đồng thời chủ động thị trường nên nghề ương cá giống của gia đình luôn mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Hàng năm, gia đình chị Phượng thu hoạch và cung cấp cho thị trường khoảng 12 – 15 tấn cá giống, trừ các khoản chi phí như: thuốc hóa chất xử lý, thức ăn, con giống và công chăm sóc, chị thu lãi khoảng 350 – 400 triệu đồng. Ngoài việc ương cá giống, gia đình chị Phượng còn bỏ tiền mua sắm các dụng cụ thu hoạch như lưới kéo, sọt đựng cá giống và thành lập tổ kéo cá đẻ giúp bà con chủ động trong việc thu hoạch; giải quyết việc làm thường xuyên cho 20 lao động nhàn rỗi tại địa phương, với thu nhập từ 300.000 – 400.000 đồng/người/ngày.
Theo chị Phượng, để ương cá giống thành công thì bí quyết trong sản xuất là cần phải:
– Chủ động chuyển đổi cơ cấu vật nuôi phù hợp từng thời điểm, từng năm để thích nghi với giá cả, điều kiện hạn mặn, biến đổi khí hậu…;
– Phải cần cù, chí thú làm ăn;
– Am hiểu nắm chắc kỹ thuật nuôi từng giống loài;
– Phải có kiến thức về phòng, trị bệnh;
– Cần liên kết trong sản xuất, thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm, nhất là hợp đồng tiêu thụ…
Hiện nay với 4 ao nuôi hiện có, gia đình chị Phượng tập trung sản xuất cá trê lai, tai tượng và cá chép Koi, dù giá cả bất lợi nhưng nhờ tỷ lệ sống khá nên chị vẫn có lãi.
Nhờ thành công trong sản xuất, chị Phượng đã mua thêm được 8 công ruộng và xây dựng nhà ở khang trang, mỗi năm chị còn hướng dẫn chia sẻ kinh nghiệm giúp đỡ 15 – 20 hộ dân xung quanh sản xuất, vươn lên làm giàu. Với những kết quả đạt được, nên nhiều năm liền chị Phượng được bình chọn nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh, gia đình văn hóa tiêu biểu ở địa phương là một điển hình cần được khuyến khích nhân rộng trong thời gian tới.
Ks Đặng Tấn Bá