Tiền Giang: Làm giàu từ nghề cá khô truyền thống

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Điển hình của mô hình này nằm ở thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông, nằm cạnh sông Soài Rạp, nơi đây có cảng cá lớn nhất khu vực Gò Công.

Với sản lượng hải sản lớn khoảng 16.000 – 18.000 tấn hải sản các loại được đánh bắt bởi những đội tàu cá của địa phương và các tỉnh cập cảng cá Vàm Láng, làng chế biến cá khô Vàm Láng cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh hàng trăm tấn khô mỗi năm.

Làng nghề chế biến cá khô Vàm Láng mỗi năm sử dụng khoảng 587 tấn cá các loại cung cấp cho thị trường trên 1.500 tấn khô các loại như khô cá mối, cá lưỡi trâu, cá chỉ vàng, cá đổng, cá đù… 

cá khô vàm láng

Làng chế biến cá khô Vàm Láng – Ảnh: TTXVN

Chị Trần Thị Thu, Khu phố 2, thị trấn Vàm Láng, chủ cơ sở chuyên cung ứng, sản xuất hải sản, khô, ruốc cho biết, khu vực sản xuất cá khô của chị trung bình mỗi ngày có khoảng 30 nhân công tham gia các khâu xẻ cá, phơi khô. Thu nhập bình quân mỗi người dao động từ 4 – 4,5 triệu đồng/tháng, vào những lúc tàu đánh bắt được mùa thì thu nhập có thể tăng hơn vì lượng cá xẻ khô nhiều. Sản phẩm khô của chị chủ yếu là tiêu thụ ở thị trường ngoài tỉnh, chủ yếu là TP. Hồ Chí Minh với lượng thành phẩm trung bình mỗi ngày 1 tấn khô các loại như khô cá mối, cá đổng, cá trâu, cá tra… 

Để giữ gìn truyền thống của làng nghề, UBND huyện Gò Công Đông đang tiến hành quy hoạch tổng thể Làng nghề chế biến thủy sản thị trấn Vàm Láng, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và hệ thống xử lý nước thải tập trung cho làng nghề. Đồng thời, kiến nghị cấp trên đầu tư ứng dụng công nghệ, trang bị một số máy móc thiết bị vào một số khâu như: chế biến, bảo quản và đóng gói sản phẩm… để đảo bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng cho sản phẩm. 

Anh Dũng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!