(TSVN) – Tận dụng thế mạnh tự nhiên, đặc biệt là sự nỗ lực, năng động, sáng tạo trong hoạt động sản xuất – kinh doanh của ngư dân, của các doanh nghiệp cũng như vai trò quản lý của ngành chức năng, sản lượng thủy sản đã có những kết quả tích cực mặc dù tốc độ tăng trưởng trong năm qua có giảm nhẹ vì nhiều khó khăn.
Chế biến cá tra xuất khẩu tại Tiền Giang. Ảnh: LHV
Cụ thể, ngành thủy sản giảm 2,14% so cùng kỳ, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 310.556 tấn, giảm 11% so cùng kỳ. Hoạt động thủy sản giảm chủ yếu ở khai thác thủy sản: sản lượng nuôi trồng đạt 211.489 tấn, tăng 0,2%, nhưng sản lượng thủy sản khai thác chỉ đạt 99.077 tấn, giảm 28,1%. Hoạt động khai thác thủy sản còn nhiều khó khăn do giá nhiên liệu tăng cao, biển động liên tục, gió nhiều, sóng lớn nên các đội tàu gặp khó khăn trong quá trình đánh bắt, sản lượng khai thác ít, số lượng tàu ra khơi đánh bắt ít hơn cùng kỳ, làm cho sản lượng thủy sản khai thác giảm, tuy nhiên cơ cấu sản phẩm khai thác thay đổi theo hướng tăng sản phẩm có giá trị nên tốc độ tăng trưởng ngành thủy sản giảm ít.
Tiền Giang nhận định ngành thủy sản đứng trước không ít khó khăn, như: Thời tiết, khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, ảnh hưởng bất lợi nhiều hơn đến hoạt động thủy sản; việc liên kết theo chuỗi giá trị để tiêu thụ sản phẩm còn nhiều bất cập; cơ sở hạ tầng chưa theo kịp sự phát triển; thông tin chưa đến người dân kịp thời; công tác đảm bảo an toàn thực phẩm cho các sản phẩm thủy sản có đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng trước những yêu cầu nghiêm ngặt đối với các thị trường xuất khẩu, cùng với các rào cản thương mại khác của các nước nhập khẩu trong thời hội nhập đã, đang và sẽ là một thách thức lớn cho ngành thủy sản Tiền Giang nói riêng và thủy sản Việt Nam nói chung.
Để phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, ngành thủy sản tỉnh tích cực khắc phục các khó khăn nêu trên, tập trung thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững…
Vũ Mưa