Tiền Giang: Nghề nuôi cá tra rơi vào cảnh khổ

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Những tháng gần đây, giá cá tra thịt lẫn cá tra giống giảm mạnh trong khi chi phí sản xuất vẫn tăng khiến nông dân ương, nuôi cá tra gặp rất nhiều khó khăn.

Lao đao cá giống

Theo kết quả khảo sát của Chi cục Thủy sản Tiền Giang, hiện trên địa bàn tỉnh có 357 hộ ương cá tra giống với diện tích khoảng 321,48 ha, tăng 121 ha so với cùng kỳ năm 2011. Diện tích ương cá tra giống tăng thêm này chủ yếu phát sinh trong những tháng đầu năm từ diện tích trồng lúa do thời điểm này giá giống rất cao (cá giống cỡ 1,7 – 2cm giá 1.500 – 1.700 đồng/con), người ương cá lãi lớn. Hàng năm, các cơ sở ương cá giống này cung cấp cho thị trường khoảng 125 triệu con cá tra giống, đáp ứng đủ nhu cầu nuôi trong tỉnh và xuất bán ngoài tỉnh.

Người nuôi cá tra lâm vào tình cảnh vô cùng khó khăn khi giá cá giảm mạnh

Tuy nhiên, các vùng ương giống hiện còn tồn đọng lượng cá tra giống khá nhiều, giá cá tra giống cũng vì vậy mà giảm mạnh. Từ đầu tháng 5 đến nay giá tra giống chỉ nằm ở mức 600 – 700 đồng/con, giảm 200 – 500 đồng/con so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương khoảng 18.000 – 21.000 đồng/kg). Với giá này, người ương giống từ huề vốn đến lỗ, do chi phí đầu tư để tạo ra 1 kg cá tra giống cũng trên 20.000 đồng/kg.

 

Người nuôi cá thịt lỗ nặng

Chi cục Thủy sản Tiền Giang cho biết, toàn tỉnh có 127 ha ao nuôi cá tra thâm canh đã được đánh mã số đến từng ao nuôi theo hướng dẫn của Tổng cục Thủy sản nhằm tiến tới truy xuất nguồn gốc sản phẩm, trong đó huyện Cái Bè có 46,26 ha, huyện Cai Lậy có 74,59 ha, huyện Châu Thành có 2,55 ha và huyện Chợ Gạo có 3,6 ha.

Đến nay, bà con nuôi cá tra đã thu hoạch được 19.198 tấn (62,95 ha), tăng 4.276 tấn so với năm ngoái. Giá bán cá dao động trong khoảng 18.000 – 27.000 đồng/kg, đa phần giá cá tra nằm ở mức 22.000 – 25.000 đồng/kg, so với chi phí sản xuất khoảng 22.000 – 23.000 đồng/kg, người nuôi hòa vốn hoặc lời ít. Tuy nhiên, từ giữa tháng 6 đến nay, giá bán sụt giảm chỉ còn 18.000 – 19.000 đồng/kg nên nông dân bán cá trong giai đoạn này bị lỗ nặng (1,2 – 1,5 tỷ đồng/ha).

 

Lạc quan tương lai cá tra

Theo đánh giá của ngành chức năng, tình hình nuôi cá tra những tháng đầu năm 2012 gặp nhiều khó khăn. Các hộ nuôi cá tra chưa mạnh dạn trong việc đầu tư tái sản xuất do giá cả thị trường không ổn định, người nuôi lại khó tiếp cận nguồn vốn vay để nuôi cá tra. Hiện nay, diện tích chưa thả nuôi hoặc chuyển qua nuôi đối tượng khác chiếm đến 30%, chủ yếu nằm trong nhóm hộ nuôi cá tra độc lập. Hoạt động nuôi cá tra trên địa bàn tỉnh còn thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa người nuôi và doanh nghiệp, chưa hình thành vùng sản xuất giống tập trung và có thương hiệu để cung cấp cho các cơ sở nuôi theo tiêu chuẩn GAP.

Bên cạnh đó, việc lạm dụng thuốc thú y thủy sản trong công tác phòng và trị bệnh cho cá cũng là nguyên nhân gây ra việc các loại vi khuẩn gây bệnh trên cá kháng lại các loại kháng sinh gây khó khăn trong việc trị bệnh và cá nuôi chậm lớn, dẫn đến tăng chi phí sản xuất.

Giá cá tra thương phẩm trong thời gian gần đây biến động theo chiều giảm, trong khi giá các loại thức ăn lại tăng dẫn đến tâm lý lo ngại của người nuôi. Điều này có thể dẫn đến tình trạng các hộ ương cá tra giống chuyển sang ương các loại cá giống khác hay quay trở lại trồng lúa, nuôi tôm. Người nuôi cá tra thịt có xu hướng “treo ao”, bán, cho thuê ao hoặc chuyển sang nuôi các đối tượng khác. Tất cả những điều này sẽ khiến ngành cá tra còn phải đối diện với nhiều khó khăn.

>> Hiện nay, trước những giải pháp cứu ngành cá tra được đưa ra, đặc biệt là gói tín dụng 9.000 tỷ đồng hỗ trợ cho người nuôi và doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu, ông Phan Hữu Hội – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Tiền Giang lạc quan: “Nghề nuôi cá tra sẽ sớm ổn định trở lại trong thời gian tới”.

Thành Công

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!