(TSVN) – Theo Cục Thống kê Tiền Giang, sản lượng thủy sản thu hoạch trong tháng 7/2024 ước đạt 26.382 tấn. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2024, sản lượng ước đạt 171.257 tấn, tăng 2,1% so cùng kỳ; trong đó, sản lượng nuôi trồng là 115.465 tấn, tăng 1,3% so cùng kỳ.
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT Tiền Giang, trong thời gian qua, mặc dù tình hình hạn mặn, thiên tai diễn ra trên diện rộng nhưng việc phát triển nuôi thủy sản trên địa bàn vẫn phát triển tương đối ổn định. Diện tích nuôi thủy sản trong tháng 7/2024 ước đạt 1.162 ha, lũy kế 7 tháng đầu năm 2024 diện tích ước đạt 13.508 ha, đạt 91,9% kế hoạch, giảm 2,3% so cùng kỳ; trong đó: diện tích nuôi tôm đạt 6.893 ha, tăng 1,6%; diện tích nuôi cá đạt 3.795 ha, giảm 0,8%; diện tích nuôi thủy sản khác đạt 2.820 ha, giảm 12,1% so cùng kỳ.
Các mô hình nuôi tôm siêu thâm canh cho năng suất, hiệu quả cao. Ảnh: Trần Liêm
Sản lượng thủy sản thu hoạch trong tháng 7/2024 ước đạt 26.382 tấn. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2024, sản lượng đạt 171.257 tấn, tăng 2,1% so cùng kỳ; trong đó: sản lượng thu hoạch từ nuôi 115.465 tấn, tăng 1,3%; sản lượng khai thác 55.792 tấn, tăng 3,8%.
Với những lợi thế về điều kiện tự nhiên, thời gian qua tỉnh Tiền Giang đã khai thác, hình thành những vùng nuôi trồng thủy hải sản tập trung lớn. Qua đó, tạo ra nguồn nguyên liệu chế biến dồi dào, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Hiện, huyện Gò Công Đông và huyện Tân Phú Đông là hai vùng nuôi thủy sản nước lợ, mặn trọng điểm của tỉnh Tiền Giang. Nhờ phát huy tốt tiềm năng kinh tế quan trọng này, nhiều hộ nông dân khấm khá lên, nông nghiệp và nông thôn đổi mới, giúp nhiều xã sớm hoàn thành các tiêu chí và ra mắt xã nông thôn mới. Diện tích mặt nước đưa vào nuôi thủy sản của hai huyện đến nay là gần 8.900 ha. 7 tháng đầu năm 2024, toàn vùng đã thu hoạch đạt sản lượng trên 34.000 tấn tôm, cá các loại. Tại hai địa phương này, đã có hàng trăm hộ áp dụng mô hình nuôi tôm thâm canh 2 giai đoạn hoặc 3 giai đoạn, cho năng suất rất cao, từ 40 tấn đến 50 tấn/ha, cao gấp nhiều lần so với nuôi tôm trong ao đất truyền thống trước đây. Năm 2024, Gò Công Đông và Tân Phú Đông phấn đấu đạt sản lượng nuôi trồng thủy sản gần 60.000 tấn sản phẩm cung ứng ngành chế biến thủy sản xuất khẩu và thị trường tiêu dùng trong nước.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn, nhằm khai thác tốt thế mạnh nuôi thủy sản hạ lưu sông Tiền, ngành Nông nghiệp tích cực chuyển giao khoa học công nghệ cho vùng nuôi, khuyến khích nông dân đa dạng mô hình nuôi và đối tượng nuôi.
Trong đó, đối với nuôi tôm, khuyến khích bà con chuyển đổi từ các mô hình nuôi ao đất, diện tích ao nuôi lớn, quản lý ao nuôi khó khăn và tiềm ẩn nhiều rủi ro, hiệu quả không cao sang các mô hình nuôi ứng dụng công nghệ cao, nuôi tôm 2 – 3 giai đoạn có quy mô diện tích mặt nước nhỏ nhưng mật độ thả cao, chủ động được thời vụ sản xuất, năng suất cao, thích ứng biến đổi khí hậu…
Ngoài con tôm, con nghêu truyền thống, tùy theo điều kiện thực tế của từng vùng, các địa phương đưa thêm nhiều đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao: nuôi cua, cá chẽm, sò huyết… vào cơ cấu nuôi trồng, phù hợp định hướng thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai vừa phát triển bền vững.
Duy An