T4, 08/12/2021 09:45

Tiếp sức ngư dân

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Không chỉ chịu áp lực từ sự bùng phát trở lại của dịch COVID-19, mục tiêu kép của ngành thủy sản năm 2021 còn phải gánh chịu thêm sức ép mới đến từ đợt tăng giá xăng dầu từ sau ngày 26/10 đến nay. Điều này khiến cho hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân khó càng thêm khó, khi có rất nhiều tàu cá phải nằm bờ dài ngày.

Lao đao vì giá dầu “leo thang”

Kể từ đầu tháng 9 đến nay đã có 4 lần xăng dầu tăng giá, với mức tăng chung của các loại xăng vào khoảng 3.200 đồng/lít, tức tăng 24,1% so cùng kỳ. Còn nếu tính trong vòng hơn 1 năm qua, các mặt hàng xăng trong nước đã 17 lần tăng giá, 3 lần giảm giá và 3 lần giữ nguyên giá với mức tăng hơn 9.000 đồng/lít. Cụ thể, từ sau ngày 26/10 giá xăng RON92 đạt mức 23.110 đồng/lít, xăng RON95 giá 24.338 đồng/lít, dầu diesel giá 18.716 đồng/lít. Đối với lĩnh vực khai thác biển, xăng dầu là chi phí chính và chiếm phần lớn trong tổng chi phí cho mỗi chuyến ra khơi.

Xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình có 650 tàu tham gia khai thác thủy hải sản, trong đó tàu đánh bắt xa bờ có 170 chiếc. Theo ông Đồng Vinh Quang, Chủ tịch UBND xã, nhiên liệu chiếm từ 50 – 60% chi phí mỗi chuyến biển. Do đó, khi giá xăng dầu tăng cao, cùng với giá đầu ra thủy sản không ổn định đã tạo áp lực lớn cho hoạt động khai thác hải sản của ngư dân trên địa bàn. Số tàu khai thác xa bờ giảm do thời tiết không thuận lợi, giá thu mua hải sản thấp, lao động không có, giá xăng dầu tăng. Ngoài ra, nhiều tàu thuyền tạm thời nằm bờ do không có bạn thuyền… Tại cảng cá sông Gianh và khu neo đậu tránh trú bão cửa Gianh, tàu thuyền neo đậu chật kín, nhiều ngư dân không dám ra khơi vì sợ lỗ. Ông Nguyễn Trung Sơn, Phó Giám đốc BQL Cảng cá Quảng Bình, Trưởng BQL cảng cá Sông Gianh cho biết, khoảng 30% số tàu tại khu neo đậu đang trong tình trạng nằm bờ nhiều tháng nay. Trước đây, đến mùa biển, khu neo đậu thường rất vắng, nhưng nay nhiều tàu thuyền vẫn neo đậu. Hiện tại, khu neo đậu có hơn 300 tàu, trong đó gần 150 tàu đang trong tình trạng nằm bờ. Nguyên nhân là do lao động không có, dịch COVID-19 ở một số tỉnh, thành diễn biến phức tạp, giá nhiên liệu tăng, ngư dân nhiều tháng liền đi biển thua lỗ… Ngoài tiền xăng dầu, chủ tàu còn phải gánh các khoản phí, như: Nhân công, tiền thuê dịch vụ hậu cần nên tại cảng vẫn còn nhiều tàu chưa thể vươn khơi.

Giá nhiên liệu tăng cao, nhiều tàu cá phải nằm bờ, ngư dân thêm phần khốn khó hơn. Ảnh: Nhật Trường

Là một trong những cảng cá lớn ở tỉnh Bình Định, vào mùa cao điểm đánh bắt, mỗi ngày cảng Đề Gi (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát) đón nhận gần 100 tàu đánh bắt xa bờ, còn bình thường khoảng 50 chiếc cập bến. Vậy mà thời điểm này, dù đang trong vụ mùa đánh bắt chính cá ngừ sọc dưa và một số loại hải sản khác nhưng cảng cá Đề Gi lại im ắng đến lạ thường. Mỗi ngày, cảng này chỉ lác đác vài tàu đánh bắt xa bờ cập bến.

Theo ông Lư Tấn Hòa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, tùy theo loại hình và thời gian khai thác nhưng bình quân xăng dầu chiếm khoảng 50 – 60% tổng chi phí cho mỗi chuyến khai thác. Vì vậy, mỗi khi xăng dầu tăng giá mạnh sẽ tác động rất lớn đến hiệu quả khai thác của ngư dân. Trao đổi với phóng viên Tạp chí Thủy sản Việt Nam mới đây, ông Phạm Văn Hứa, Giám đốc BQL Cảng cá Trần Đề cho biết, đợt tăng giá xăng dầu lần này khiến nghề khai thác biển vốn đã khó, nay lại càng thêm khó. Ông Hứa chia sẻ: “Đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên phần lớn chi phí đầu vào như: xăng dầu, nhân công… đều tăng mạnh trong khi giá sản phẩm khai thác biển hầu hết đều giảm so cùng kỳ, nên có thời điểm có đến 50% số tàu khai thác phải nằm bờ. Đặc biệt, đợt tăng giá xăng dầu vào cuối tháng 10 vừa qua, cùng với dịch COVID-19 bùng phát trở lại trên địa bàn huyện khiến cho việc khai thác lẫn tiêu thụ sản phẩm càng thêm khó”.

Còn những ngư dân ở ĐBSCL thì ví von đợt bùng phát dịch COVID-19 và xăng dầu tăng giá lần này chẳng khác gì “bão chồng bão”, nên mỗi chuyến ra khơi đều phải tính toán kỹ lưỡng, nếu không sẽ rất dễ bị thua lỗ. Riêng các doanh nghiệp thủy sản, tuy chi phí xăng dầu không chiếm phần lớn trong giá thành sản xuất, nhưng do đã chịu quá nhiều chi phí vì dịch, nên khi xăng dầu tăng thêm cũng trở thành một gánh nặng. Tuy nhiên, điều mà các doanh nghiệp lo lắng nhất là một khi xăng dầu tăng giá mạnh sẽ kéo theo cước vận tải biển vốn đã tăng mạnh nhiều khả năng sẽ còn tăng thêm. Theo dự báo của Ngân hàng Goldman Sachs, giá dầu thô sẽ còn tiếp tục tăng trong vài năm tới do nhu cầu tăng mạnh trong khi nguồn cung hạn chế. Vì vậy trong thời gian tới, thị trường xăng dầu thế giới có thể còn biến động, khả năng giá xăng dầu vẫn tăng. Còn theo các tổ chức năng lượng thế giới, như: OPEC, Tổ chức Năng lượng Quốc tế và Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ đều dự báo giá dầu thô có thể chạm ngưỡng 100 USD/thùng vào mùa hè năm 2022.

Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang cho biết, sản lượng khai thác tại ngư trường trong thời gian gần đây có tăng so cùng thời điểm năm trước nhưng hiệu quả doanh thu không tăng do giá dầu tăng khoảng 3.000 đồng/lít. Trong khi đó, giá sản phẩm thủy sản giảm mạnh 20 – 40%, đặc biệt là sản phẩm mực khô giảm 20 – 30%, một số ít mặt hàng giảm đến 50% nhưng vẫn không có người mua.

Tiếp sức ngư dân

Để khắc phục tình trạng khó khăn vướng mắc trên thì cần có những giải pháp như xây dựng phương án tiêu thụ thủy sản cho ngư dân khi dịch bệnh kéo dài. Trước mắt, khuyến khích các công ty chế biến hàng đông lạnh xuất khẩu tiến hành thu mua thủy sản để chế biến ngay hoặc bảo quản. Sau đó, tăng cường xúc tiến thương mại và hỗ trợ phương tiện vận chuyển trên nhu cầu thực tế.

Hội Thủy sản và Hội Nghề cá thành phố Rạch Giá kiến nghị UBND tỉnh Kiên Giang vận động các doanh nghiệp thu mua, chế biến xuất khẩu thủy sản tăng cường năng lực sản xuất, đẩy mạnh chế biến xuất khẩu để giúp ngư dân tiêu thụ tốt các sản phẩm khai thác với giá cả hợp lý, tránh tình trạng ép giá gây thiệt hại cho người sản xuất. Tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện tàu, xe có đủ điều kiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu phục vụ cho yêu cầu khai thác thủy sản và chế biến xuất khẩu thủy sản… Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành cũng yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tạo điều kiện thuận lợi cho các dịch vụ cung ứng vật tư, trang thiết bị, các phương tiện tàu, xe của các doanh nghiệp khai thác, thu mua, sơ chế, chế biến thủy sản, người lao động, ngư phủ làm việc trên tàu khai thác, cảng cá, nhà máy chế biến thủy sản… trong việc đi lại, vận chuyển hàng hóa đảm bảo được thông suốt, không để trì trệ chuỗi sản xuất. Sở Công thương tăng cường công tác kiểm soát thị trường, giá cả đối với các sản phẩm thủy sản khai thác, kết nối với các doanh nghiệp thu mua, chế biến xuất khẩu ổn định giá để giảm thiệt thòi cho doanh nghiệp.

Để việc khai thác thủy sản trong thời gian tới đạt hiệu quả, thích ứng với tình hình mới, Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau cho biết, địa phương sẽ tiếp tục kiểm soát tàu cá ra, vào cảng, thực hiện đúng quy định về khai báo và kiểm soát sản lượng, thành phần loài thủy sản bốc dỡ qua cảng và đảm bảo các quy định phòng, chống dịch. Bố trí đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực để phục vụ hoạt động, đáp ứng được yêu cầu trong bốc dỡ sản phẩm thủy sản. Đồng thời, nhằm nâng cao năng lực bốc dỡ sản phẩm thủy sản, hàng hóa, tránh tập trung đông người tại các cảng cá, Cà Mau sẽ tham mưu cấp thẩm quyền cho phép các bến cá tư nhân cơ bản đảm bảo các điều kiện, tiêu chí để thực hiện bốc dỡ sản phẩm thủy sản, hàng hóa. Trong đó, có sự kiểm soát của các cơ quan chức năng về sản lượng, thành phần loài… và thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch.

>> Theo Tổng cục Thủy sản, trong quý III/2021, số lượng tàu cá ngừng khai thác là 43.200 tàu. Các tỉnh, thành có số lượng tàu nằm bờ nhiều, gồm: Đà Nẵng 1.680/1.830 chiếc (91,8%); Bà Rịa - Vũng Tàu 3.252/5.025 chiếc (64,72%); Khánh Hòa 3.269/5.580 chiếc (58,58%); Trà Vinh 540/1.196 chiếc (45,15%). 

An Xuyên – Ngọc Ngọc

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!