(TSVN) – Những hệ lụy thời kỳ hậu COVID-19 vẫn dẳng trong bối cảnh thị trường ảm đạm do lạm phát kinh tế sâu sắc tại nhiều quốc gia trên thế giới đã khiến doanh nghiệp thêm nhiều khó khăn, thách thức. Nhằm tránh tình trạng giao thương gián đoạn và đứt gãy sản xuất trong nước, Chính phủ đã tiếp tục có những chỉ đạo để tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh.
Ngày 15/7/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết 105/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương.
Theo đó, nhằm tiết giảm chi phí tăng khả năng tiếp cận thị trường, tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, người dân để phục hồi nhanh hoạt động sản xuất; quyết liệt cải cách đồng bộ, hiệu quả, thực chất thủ tục hành chính; đồng thời cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, xử lý vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp, người dân; Chính phủ đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan trong tháng 7/2023, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch cải cách thủ tục hành chính trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023, trong đó xác định rõ yêu cầu cắt giảm, đơn giản hóa, nâng cao chất lượng quy định, thủ tục hành chính trong các ngành, lĩnh vực cụ thể. Trong tháng 8/2023, trình Thủ tướng Chính phủ kiện toàn Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ theo hướng gọn nhẹ, thực chất, hiệu quả.
Chính phủ tiếp tục có những chỉ đạo để tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp. Ảnh: PTC
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi Nghị định số 132/2020/NĐ-CP ngày 5/11/2020, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp sản xuất liên quan đến quy định quản lý thuế đối với giao dịch có liên kết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý IV năm 2023.
Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan giảm tối đa các hoạt động thanh tra chưa cần thiết theo quy định; giảm triệt để việc chồng chéo trong hoạt động thanh kiểm tra thuế, bảo hiểm xã hội và các hoạt động kiểm tra chuyên ngành khác.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan rà soát, sửa đổi các quy định còn bất cập về tiêu chuẩn nước thải nuôi trồng thủy sản trong tháng 7/2023.
Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, bảo đảm ổn định, bền vững, hiệu quả; linh hoạt tổ chức, triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm duy trì, củng cố các thị trường truyền thống và phát triển các thị trường mới, tiềm năng; Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu; kịp thời thông tin, cảnh báo, chủ động hướng dẫn doanh nghiệp ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại, các tiêu chuẩn, kỹ thuật mới của nước đối tác xuất khẩu.
Chính phủ cũng đề nghị Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương triển khai nhanh, kịp thời, hiệu quả chính sách giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng đã được Quốc hội thông qua, chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt. Đồng thời chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan rà soát, cắt giảm thủ tục không cần thiết, nhất là về quản lý, kiểm tra chuyên ngành để giảm chi phí, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa cho doanh nghiệp, đẩy nhanh xuất khẩu các sản phẩm nông sản, các nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ đạo.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan tiếp tục nghiên cứu, rà soát và sửa đổi ngay các quy định liên quan nhằm đơn giản hóa thủ tục cho vay; khẩn trương rà soát, xem xét, sửa đổi phù hợp, thuận lợi hơn một số tiêu chí, điều kiện, hướng dẫn cho vay theo hướng tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp; Đôn đốc, chỉ đạo, giám sát các tổ chức tín dụng rà soát, cắt, giảm thủ tục hành chính, các loại phí dịch vụ ngân hàng nhất là liên quan đến hoạt động xuất khẩu theo hướng tiết giảm chi phí, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu; cương quyết cắt giảm các loại phí không cần thiết để hỗ trợ khách hàng vay vốn.
Ngày 13/7/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện 644/CĐ-TTg yêu cầu các bộ ngành, địa phương chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm và nâng cao hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Theo đó, để nâng cao hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh tập trung rà soát, loại bỏ ngay theo thẩm quyền những thủ tục hành chính đang là rào cản cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống người dân. Đồng thời, khẩn trương ban hành văn bản theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản thực thi 797 thủ tục hành chính, giấy tờ công dân, 627 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh và 445 thủ tục hành chính phải phân cấp theo quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Thời gian hoàn thành trong tháng 9/2023.
Xử lý triệt để, dứt điểm các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, để phản ứng chính sách kịp thời trước yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống.
Đồng thời, đổi mới việc thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông và trên môi trường điện tử; Thực hiện việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính và kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, Cổng Dịch vụ công quốc gia phục vụ giải quyết thủ tục hành chính.
Ngoài ra, Chính phủ cũng yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện có hiệu quả Kế hoạch rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước giai đoạn 2022 – 2023, bảo đảm mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa tối thiểu 20% thủ tục hành chính nội bộ và cắt giảm tối thiểu 20% chi phí tuân thủ.
Phạm Thu