T4, 26/07/2023 09:46

Tiếp tục giảm sản lượng và tàu cá

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – “6 tháng đầu năm, sản lượng khai thác vẫn tăng, nhưng tăng nhiều không hoan nghênh, mà phải giảm”. Đây là ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến với lĩnh vực khai thác thủy sản tại Hội nghị sơ kết ngành thủy sản diễn ra đầu tháng 7 vừa qua.

Vẫn còn những bất cập

Theo Cục Thủy sản, 6 tháng đầu năm, 6 tháng đầu năm 2023, sản lượng khai thác cả nước đạt 1,934 triệu tấn, tăng 0,2% so cùng kỳ năm 2022 và đạt 52,5% chỉ tiêu kế hoạch năm. Sản lượng khai thác biển cơ bản không tăng, tuy nhiên chưa đáp ứng được kế hoạch và lộ trình theo Chiến lược đề ra.

Việc giảm số lượng tàu cá cần có lộ trình và sẽ chú trọng chất lượng đội ngũ ngư dân. Ảnh: Đoàn Kết

Tính đến hết năm 2022, tổng số tàu cá cả nước là 86.820 tàu, trong đó tàu cá từ 6 – 12 m là 38.500 chiếc; từ 12 – 15 m là 18.300 chiếc; từ 15 – 24 m là 27.500 chiếc; trên 24 m là 2.590 chiếc. Chỉ tiêu đặt ra đến cuối năm 2023 giảm còn 86.558 chiếc.

 

Với dịch vụ hậu cần, hiện cả nước có 80 cảng cá đủ điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật; 53 cảng cá đủ điều kiện hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác; 62 cảng cá cho tàu cá vùng khơi cập cảng. Đến ngày 15/6/2023, đã cấp 1.537 Giấy chứng nhận thủy sản khai thác với khối lượng 18.395 tấn; số giấy xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác đã cấp 627 với khối lượng 17.407 tấn. Các lô hàng xuất khẩu đều được thông quan.

Trong những khuyến nghị của EC về cảnh báo “thẻ vàng” thì việc tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài được đặc biệt quan tâm. Chính vì thế, các cấp ngành cũng rất nghiêm ngặt trong vấn đề này, tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường hợp bị “lọt lưới”.

Theo báo cáo của Cục Thủy sản, trong 6 tháng đầu năm, Cục đã tổ chức nhiều đoàn công tác do Lãnh đạo Bộ NN&PTNT làm trưởng đoàn đi kiểm tra tình hình chống khai thác IUU tại các địa phương, thực tiễn quá trình kiểm tra cho thấy, công tác triển khai chống khai thác IUU của các địa phương vẫn còn hạn chế, đặc biệt là tình hình tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn diễn ra.

Cụ thể, số liệu từ Cục Kiểm ngư cho thấy, tính đến ngày 20/6/2023, cả nước đã xảy ra 29 vụ/31 tàu/189 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ. Đây vẫn là con số rất lớn sau gần 6 năm Việt Nam nỗ lực chống khai thác IUU. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, con số này cũng ít đi đáng kể, giảm 18% số vụ việc xảy ra. Nhưng điều đáng lo ngại là sự việc trong 6 tháng qua, lực lượng Kiểm ngư đã ngăn chặn được khoảng 9.000 lượt tàu có ý định vượt ranh giới vi phạm vùng biển nước ngoài.

Đại diện Cục Kiểm ngư cho biết, tàu cá và ngư dân nước ta còn vi phạm rất nhiều trong quá trình hoạt động. Cụ thể, giấy phép khai thác đã hết hạn, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá hết hạn, không đầy đủ bằng thuyền trưởng, máy trưởng; tàu khai thác, neo đậu ở tỉnh khác, xa tỉnh đăng ký, không về tỉnh để làm các thủ tục để đủ điều kiện được phép khai thác hải sản; khai thác hải sản sai vùng, sai tuyến, nhất là tàu lưới kéo vào khai thác ở vùng bờ vùng lộng; vượt ranh giới khai thác ở vùng biển của quốc gia khác; tắt thiết bị giám sát hành trình; một tàu mang theo nhiều thiết bị hành trình của tàu khác…

Sớm khắc phục hạn chế

Theo đại diện ngành thủy sản, lĩnh vực khai thác biển ở nước ta hiện còn nhiều hạn chế. Ngoài công tác bảo quản sản phẩm chưa cải thiện, hiệu quả của hoạt động khai thác còn thấp thì việc ứng dụng khoa học công nghệ trong khai thác chưa được nhiều; số lượng tàu cá mặc dù đã giảm nhưng tốc độ giảm sản lượng khai thác chưa đạt yêu cầu, mục tiêu Chiến lược phát triển thủy sản đề ra. Tình trạng thiếu lao động chất lượng cao vẫn phổ biến ở nhiều địa phương. Cùng đó là hạ tầng cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; công tác duy tu, bảo trì chưa được địa phương quan tâm, bố trí kinh phí thực hiện theo quy định.

Cục Thủy sản sẽ tiếp tục hướng dẫn ngư dân tổ chức khai thác theo tổ, đội để tăng thời gian bám biển. Ảnh: Báo điện tử Chính phủ

Nửa cuối năm, tình hình an ninh trật tự trên biển sẽ còn diễn biễn phức tạp, khó lường, các nước trong khu vực tăng cường kiểm soát hoạt động khai thác trên biển, ngư trường khai thác hải sản của ngư dân ta bị thu hẹp đáng kể. Ủy ban châu Âu tiếp tục giữ cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam. Chính vì vậy, để đảm bảo hiệu quả sản xuất và an toàn cho ngư dân, Cục Thủy sản sẽ tiếp tục hướng dẫn ngư dân tổ chức khai thác theo tổ, đội để tăng thời gian bám biển, tiết kiệm chi phí di chuyển ngư trường. Tổng kết, nhân rộng các mô hình tổ đội ngư dân sản xuất trên biển, duy trì củng cố hoạt động của các tổ, đội đã có, phát triển thêm các tổ đoàn kết trong khai thác hải sản để giúp nhau trong khai thác; phối hợp hướng dẫn xây dựng chuỗi liên kết từ khai thác, thu mua và cung cấp dịch vụ hậu cần ngay trên biển.

Cùng đó, tổ chức đàm phán điều ước quốc tế mới về hợp tác nghề cá với Trung Quốc trong Vịnh Bắc Bộ thay thế Hiệp định hết hiệu lực. Đồng thời, tiếp tục theo dõi, hướng dẫn, xử lý về chứng nhận, xác nhận thủy sản khai thác và quản lý, kiểm tra tàu cá tại cảng của các địa phương, đảm bảo tuân thủ các quy định về IUU; phối hợp triển khai các nhiệm vụ chống khai thác IUU.

>> Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: 6 tháng đầu năm sản lượng khai thác thủy sản vẫn tăng, nhưng tăng nhiều không hoan nghênh, mà phải giảm. Hơn nữa, phải dồn lực lượng trong kiểm soát tàu cá, cảng cá, hạ tầng, bởi đây là những vấn đề rất quan trọng, nhất là trong quá trình thực hiện gỡ cảnh báo “thẻ vàng” về khai thác IUU.

Bảo Hân

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!